Cuộc sống sinh viên và những mảng sáng - tối
Ngày nay, đa số sinh viên (SV) phải tự lập, sống xa nhà trọ học, không còn chịu sự quản lý nghiêm ngặt của cha mẹ. Cũng bởi lẽ đó, cuộc sống của SV tồn tại những mảng sáng - tối đan xen.
Từ bươn chải kiếm sống…
Khi rời xa gia đình đi trọ học, nhiều SV chọn cách đi làm thêm để kiếm tiền trang trải cuộc sống. Các bạn chọn làm đủ nghề, từ bưng bê, phục vụ ở các quán ăn, quán nhậu đến đi dạy kèm, phát tờ rơi, làm bảo vệ… Đổi lại những tháng ngày cơ cực, các bạn sẽ nhận được một khoản thù lao kha khá. Trải lòng về những ngày tháng bươn chải làm thuê, bạn Nguyễn Minh Nguyệt (SV Trường Đại học Tây Nguyên) tâm sự, từ hồi năm nhất mới chập chững đi lên trọ học, Nguyệt đã cố gắng xin làm phục vụ ở các quán cà phê, quán nhậu… Lương mỗi tháng chỉ được khoảng 1,5 - 2 triệu đồng, nhưng cũng giúp Nguyệt trang trải được một phần nào cuộc sống. Mang trong mình thân phận làm thuê, các bạn phải chịu nhiều ấm ức: bị quỵt tiền, đến muộn hoặc làm rơi vỡ đồ đạc sẽ bị trừ lương, bị chủ quán la mắng... Tuy vậy, các bạn vẫn cố gắng nhẫn nhịn và hoàn thành tốt công việc của mình.
Nhiều bạn sinh viên chọn làm thêm ở các quán nhậu để kiếm tiền trang trải cuộc sống. |
Trong các nghề làm thêm hiện nay, bán hàng online là một nghề thu hút đông đảo bạn trẻ tham gia. Với sự hỗ trợ đắc lực của Internet và các công cụ thông minh: điện thoại, laptop… chỉ cần ngồi một chỗ, việc bán hàng đã trở nên đơn giản hơn rất nhiều. Thế nhưng, đằng sau những “chiến tích” lung linh mà các bạn chia sẻ trên mạng xã hội là không ít gian nan và vất vả. Bạn Trần Hiền Như (SV Trường Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk) chia sẻ, khi bán hàng online đồng nghĩa với việc sẽ phải dành nhiều thời gian cho công việc, phải luôn để ý điện thoại từng chút một để trả lời bình luận và tin nhắn của khách. Muốn bán được nhiều hàng, mỗi ngày phải bỏ hàng tiếng đồng hồ ra để “live stream” giới thiệu sản phẩm, nhiều hôm phải thức đến 2 - 3 giờ sáng để tư vấn cho khách. Chưa kể khả năng rủi ro là rất cao, nếu hàng hóa bị thất lạc hoặc hư hỏng sẽ phải bỏ tiền túi ra bù.
Những công việc làm thêm tuy vất vả, nhưng đổi lại, các bạn sẽ có thêm thu nhập và học được nhiều kinh nghiệm ứng xử, mạnh dạn hơn trong giao tiếp, có cơ hội cọ xát nhiều hơn với thực tế để tích lũy vốn sống cho bản thân.
Đến sa ngã vào những cám dỗ
Đang chịu sự quản lý của cha mẹ bỗng nhiên được tự do, các bạn SV như “chim sổ lồng”, nếu không đủ tỉnh táo trước những cám dỗ của cuộc sống sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy đáng buồn. Thời gian gần đây, quán nhậu mọc lên như nấm quanh các trường học. Tối tối, đi dọc các cung đường khu vực gần các trường đại học, cao đẳng… dễ dàng bắt gặp hình ảnh các bạn SV mặt đỏ tía tai đang nâng ly hô vang rộn rã. Chỉ riêng khu vực gần Trường Đại học Tây Nguyên, quán nhậu như “bao vây” lấy khuôn viên trường. Các bạn SV có nhiều lý do để nhậu: vui nhậu, buồn nhậu, không vui không buồn cũng nhậu. Không biết nhậu thì nhậu cho biết, nhậu một lần, hai lần rồi trở thành tín đồ của rượu bia lúc nào không hay. Bạn N.M.M (SV Trường Đại học Tây Nguyên) cho biết, tiền bố mẹ gửi lên hằng tháng chủ yếu dành để đi nhậu bởi… ngày nào bạn cũng nhậu. Nhiều tiền thì ra quán nướng, quán lẩu, hôm nào ít tiền thì mua lít rượu, thêm dĩa “mồi” là anh em trong phòng lại “chén chú chén anh”. Không chỉ riêng các bạn nam mà nhiều bạn nữ cũng rất nhiệt tình với các cuộc nhậu thâu đêm, suốt sáng. Không ít vụ ẩu đả, đánh nhau, tai nạn xảy ra chỉ vì không làm chủ được bản thân khi có hơi men trong người.
Nhiều sinh viên đang bị “cuốn” vào game online. |
Cùng với nhậu, game online cũng đang chứng tỏ “sức hút” của mình với các bạn SV, đặc biệt là các bạn nam. Các quán net quanh khu vực trường học lúc nào cũng chật kín người, nhiều bạn nghỉ cả học chỉ để “cày” game. Khi chơi game, các bạn có thể chơi từ sáng đến tối, thậm chí xuyên đêm, bữa ăn thường là bánh mì hoặc những tô mì tôm ăn vội ngay trước màn hình máy tính. Chơi game nhiều khiến các bạn thiếu ngủ, học hành sa sút, thậm chí nghỉ học vì thức đêm quá nhiều. Chưa kể những hình ảnh bạo lực trong game dễ ảnh hường đến hành vi của người chơi khi ra ngoài đời thực. Hình ảnh các bạn SV bước ra từ quán net với bộ dạng xộc xệch, miệng ngáp ngắn ngáp dài không còn là điều quá xa lạ hiện nay.
Bên cạnh nhậu và game, sống thử là một mảng tối tuy khá tế nhị nhưng nó phản ánh chân thực lối sống của một bộ phận SV hiện nay. Quan niệm về tình yêu của các bạn SV giờ đây đã "thoáng" hơn rất nhiều. Nhiều bạn chỉ yêu nhau vài tuần là đã thuê phòng và ở với nhau như vợ chồng. Bạn Đ.T.M (SV Trường Đại học Tây Nguyên) bức xúc, tuy phòng có hai người nhưng bạn thân cùng phòng M hay dẫn người yêu về phòng ngủ qua đêm. Đã vậy cả đêm hai người cứ “rục rịch” trên gác khiến M vô cùng khó chịu. Quan niệm yêu là phải “cho” đã trở nên khá thông dụng, có những bạn thậm chí yêu cùng một lúc nhiều người rồi đến lúc dính bầu lại không biết… bố đứa trẻ là ai(!). Nhiều bạn bất đắc dĩ trở thành những “ông bố, bà mẹ” khi đang ngồi trên ghế nhà trường, đau lòng hơn có nhiều trường hợp mang thai ngoài ý muốn dẫn đến quyết định phải phá bỏ.
Mới đây nhất, câu chuyện về hai SV Trường Đại học Tây Nguyên bị bắt cùng “ổ lắc” trong khách sạn tại TP. Buôn Ma Thuột khiến nhiều người phải suy ngẫm. Đáng buồn hơn, khi phụ huynh biết tin và liên lạc với nhà trường xem tình hình học tập của con thì mới tá hỏa khi biết con đã nghỉ học hơn một năm nay. Có thể thấy, cuộc sống thoải mái, tự do dễ khiến con người ta sống buông thả và sa vào phạm pháp lúc nào không hay. Nếu không đủ tỉnh táo và không biết điểm dừng đúng lúc sẽ để lại nhiều hậu quả đáng tiếc.
Huyền Diệu
Ý kiến bạn đọc