Multimedia Đọc Báo in

Điểm sáng trong công tác dân số - KHHGĐ ở huyện Cư Kuin

08:52, 11/07/2018

Cư Êwi là một xã nghèo thuộc huyện Cư Kuin, trình độ dân trí không đồng đều. Tuy vậy, từ nhiều năm nay, Cư Êwi luôn dẫn đầu và trở thành điểm sáng trong công tác Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) của huyện.

Xã Cư Êwi hiện có gần 8.000 nhân khẩu, với 16 dân tộc anh em chung sống ở 10 thôn, buôn. Mỗi dân tộc có một phong tục tập quán và quan niệm khác nhau về cưới hỏi và sinh đẻ, trong đó tư tưởng “đông con hơn nhiều của” là một thách thức không nhỏ trong công tác dân số - KHHGĐ ở địa phương. Từ năm 2010 trở về trước, mức sinh và tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên ở xã Cư Êwi luôn cao nhất huyện Cư Kuin. Trong khi đó, trình độ dân trí thấp, dân cư phân bố thưa thớt, đường sá đi lại chủ yếu là đường đất, mùa mưa thì lầy lội còn mùa khô thì bụi mịt mù... gây khó khăn không nhỏ cho công tác vận động thực hiện KHHGĐ. Song khó khăn nhất là nhiều cặp vợ chồng không hợp tác với cán bộ dân số, không áp dụng biện pháp tránh thai.

Cộng tác viên dân số xã Cư Êwi vận động người dân thực hiện kế hoạch hóa gia đình.
Cộng tác viên dân số xã Cư Êwi vận động người dân thực hiện kế hoạch hóa gia đình.
 

“Công tác dân số - KHHGĐ ở xã Cư Êwi đạt kết quả tích cực là nhờ cấp ủy đảng, chính quyền địa phương cùng vào cuộc, quan tâm chỉ đạo điều hành một cách quyết liệt. Cư Êwi được coi là điển hình trong thực hiện các chỉ tiêu về dân số để nhân rộng ra trên địa bàn huyện”.

 
 
 Ông Phạm Huy Nhân, Giám đốc Trung tâm Dân số - KHHGĐ huyện Cư Kuin

Khó khăn là vậy nhưng cán bộ chuyên trách và cộng tác viên dân số của xã không nản lòng. Họ thường xuyên tổ chức các buổi truyền thông tại cộng đồng; sinh hoạt nhóm nói chuyện chuyên đề về chăm sóc sức khỏe sinh sản, hệ lụy của tảo hôn; đồng thời, “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” để tư vấn, vận động các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ thực hiện KHHGĐ, lợi ích của sàng lọc trước sinh và sơ sinh, không lựa chọn giới tính thai nhi, phòng tránh tảo hôn… Bên cạnh đó, Đảng ủy xã đã ban hành Nghị quyết về công tác dân số, giao cho UBND xã chỉ đạo quyết liệt Ban Dân số và các đoàn thể thực hiện có hiệu quả các hoạt động về dân số; hằng năm tổ chức Chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản/KHHGĐ...

Nhờ vậy, công tác dân số ở xã Cư Êwi đã có những chuyển biến mạnh mẽ. Từ năm 2015 đến nay, xã luôn đi đầu và trở thành điển hình ở huyện Cư Kuin trong thực hiện các mô hình, chỉ tiêu kế hoạch về dân số. Riêng năm 2017, toàn xã có tỷ lệ sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại đạt 76%; vận động được 4/4 ca đình sản, 98/90 ca đặt vòng tránh thai, 59/55 ca tiêm thuốc tránh thai...; tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên giảm còn 12,7% (thấp hơn mặt bằng chung của tỉnh 0,3%). Đáng mừng nhất là đa số các cặp vợ chồng đã tự giác thực hiện KHHGĐ và ngày càng quan tâm đến việc nâng cao chất lượng dân số. Điển hình là vợ chồng chị Ngôn Thị Vui (thôn 5) sinh hai con gái nhưng đã tự giác thực hiện KHHGĐ từ nhiều năm nay. Được bố mẹ yêu thương và chăm sóc chu đáo nên các con của chị Vui đều chăm ngoan và học tập khá; trong đó, cô út Đinh Thị Trà My là một trong những học sinh dân tộc Nùng học giỏi được tuyên dương. Còn chị Trần Thị Ni Na (thôn 1B) không chỉ quan tâm đến việc KHHGĐ mà còn chủ động tìm hiểu kiến thức về nâng cao chất lượng dân số. Trong quá trình mang thai, chị Na đều khám thai định kỳ theo hướng dẫn của bác sĩ, có chế độ dinh dưỡng và làm việc phù hợp; thực hiện sàng lọc trước sinh và sơ sinh để biết được tình trạng sức khỏe cho con của mình.

Dương Liên


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.