Multimedia Đọc Báo in

Ea Sô lẩn quẩn điệp khúc "đông con – nghèo đói"

08:53, 11/07/2018

Mặc dù đã tăng cường đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhưng nhiều năm qua, tình trạng sinh con thứ 3 trở lên ở xã vùng III Ea Sô (huyện Ea Kar) vẫn không giảm, thậm chí tăng cao và trở thành vấn đề nhức nhối. Thực trạng này làm cho cuộc sống của nhiều gia đình lẩn quẩn điệp khúc “đông con – nghèo đói”.

Lấy chồng năm 17 tuổi, đến nay 27 tuổi nhưng chị Giàng Thị Sua (dân tộc Mông) ở buôn Ea Puk đã có 5 con, đứa lớn nhất 11 tuổi, nhỏ nhất 3 tuổi. Mẹ của chị Sua là Sùng Thị Sinh cũng lấy chồng từ năm 17 tuổi và có tới 8 mặt con. Do có “kinh nghiệm đẻ” nên bà Sinh trở thành cô đỡ cho các con mình và nhiều phụ nữ trong buôn. “Đông con – nghèo đói” không chỉ vận vào gia đình bà Sinh mà các con của bà cũng đang mắc phải.

Sinh nhiều con, phần lớn thời gian phụ nữ buôn Ea Puk chỉ quanh quẩn ở nhà bế con, lo việc nội trợ.
Sinh nhiều con, phần lớn thời gian phụ nữ buôn Ea Puk chỉ quanh quẩn ở nhà bế con, lo việc nội trợ.

Gia đình chị Sua có 8 sào đất trồng hoa màu nhưng năm được mùa, năm mất mùa nên không đủ ăn. Chồng chị Sua phải đi phụ hồ ở TP. Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng). Căn nhà gỗ dựng tạm trên phần đất của bố mẹ chồng cho mượn rộng chừng 25 m2 sau 10 năm đã xiêu vẹo lại bị tốc hết mái do ảnh hưởng của cơn bão cuối năm 2017 nên càng dột nát, phải che chắn bằng bao bạt. Mỗi khi có mưa to gió lớn, mẹ con chị Sua lại dắt díu nhau lên nhà sinh hoạt cộng đồng buôn lánh tạm. Hỏi về hoàn cảnh gia đình và chuyện học hành của con cái, chị Sua nói trong nước mắt: “Do không có tiền lo cho con ăn học nên vợ chồng tôi đành gửi đứa con đầu cho một cơ sở từ thiện ở Bình Dương nuôi, sắp tới chắc phải gửi thêm một đứa nữa. Ba đứa sau không biết có được đến trường không. Lo cái ăn còn chưa đủ nói gì đến việc học hành”. 

Không chỉ có chị Sua và một số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ của buôn Ea Puk sinh con thứ 3 trở lên mà ngay cả chị Sùng Thị Kim Loan, cộng tác viên dân số của buôn được 8 năm cũng “vỡ kế hoạch”. Chị Loan lý giải: “Người Mông thích đông con để sau này có người làm rẫy. Hơn nữa, vợ chồng mình theo đạo nếu lỡ có thai thì phải đẻ chứ phá là mang tội”. Đông con khiến cuộc sống của gia đình chị Loan ngày càng thêm túng thiếu. 8 sào đất trồng mía cũng rất bấp bênh vì không có vốn đầu tư. Đứa con trai thứ 2 của chị đã phải gửi cho một cơ sở từ thiện ở Bình Phước nuôi. Nhìn căn nhà trống trước hở sau của gia đình chị Loan ai cũng cảm thấy ái ngại cho việc học hành, tương lai của những đứa trẻ, bởi không biết đến bao giờ họ mới thoát khỏi vòng lẩn quẩn này.

Căn nhà trống trước hở sau của gia đình chị Giàng Thị Sua ở buôn Ea Puk.
Căn nhà trống trước hở sau của gia đình chị Giàng Thị Sua ở buôn Ea Puk.

Tình trạng sinh con thứ 3 trở lên không chỉ xảy ra ở buôn Ea Puk mà còn diễn ra ở buôn Ea Brah, buôn Ea Kông, thôn 2, thôn 6… Theo thống kê của Ban Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) xã Ea Sô, trong 6 tháng đầu năm 2018, tỷ lệ sinh con thứ 3 của xã chiếm 17,9%, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2017.  Dẫu biết, đông con kéo theo nghèo đói, túng thiếu nhưng nhiều hộ ở đây vẫn tiếp tục sinh cho “vui cửa, vui nhà”. Cá biệt, có nhiều gia đình sinh từ 6 đến 8 con.

 

“Để khắc phục tình trạng“ đông con – nghèo đói”, thời gian tới UBND xã tiếp tục chỉ đạo Ban DS-KHHGĐ xã, các ngành, đoàn thể, ban tự quản các thôn, buôn tăng cường công tác tuyên truyền với nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Đồng thời, kiện toàn lại đội ngũ cộng tác viên dân số; tổ chức vận động theo nhóm và vận động cá biệt đối với những trường hợp sinh nhiều con”.

 
 
 Chủ tịch UBND xã Ea Sô Nguyễn Xuân Hữu

Trước tình trạng đó, UBND xã đã chỉ đạo các ngành, đoàn thể, ban tự quản các thôn, buôn tăng cường tuyên truyền chủ trương, chính sách về DS-KHHGĐ. Ban DS-KHHGĐ xã đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, sinh hoạt nhóm, cung cấp tờ rơi, tư vấn tại hộ gia đình, lồng ghép tuyên truyền trong các chiến dịch ra quân chăm sóc sức khỏe sinh sản, các ngày lễ 8-3, 20-10, cấp phát đầy đủ các phương tiện tránh thai, vận động triệt sản… nhằm nâng cao nhận thức và chuyển đổi hành vi cho người dân về KHHGĐ. Tuy nhiên, công tác này vẫn chưa mang lại hiệu quả mong muốn.

Chị Nguyễn Thị Thảo, cán bộ chuyên trách dân số xã Ea Sô cho biết: Xã hiện có hơn 1.000 hộ, với 4.000 khẩu sinh sống ở 10 thôn, buôn, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 56% dân số. Địa bàn của xã rộng hơn 32.000 ha khiến công tác tuyên truyền, vận động của 10 cộng tác viên dân số khó khăn. Trong khi đó, phụ cấp của cộng tác viên dân số chỉ có 150.000 đồng/người/tháng nên họ không gắn bó, tận tâm với công việc. Việc tìm người thay thế những cộng tác viên vi phạm chính sách dân số hoặc chưa nhiệt tình với công việc không hề dễ. Hơn nữa, nhiều người dân không phối hợp thực hiện các biện pháp tránh thai và vẫn còn quan niệm “trời sinh voi, trời sinh cỏ”, “đông con hơn nhiều của”…

Đông con khiến việc thực hiện tiêu chí giảm nghèo và thu nhập trong chương trình xây dựng nông thôn mới của xã Ea Sô càng thêm nan giải, hiện toàn xã vẫn còn 46,46% hộ nghèo, 52,08% hộ cận nghèo.

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.