Multimedia Đọc Báo in

Giúp con "cai nghiện" điện thoại thông minh

07:23, 01/07/2018

Khi các nhà mạng đã phủ sóng đến tận các thôn buôn xa xôi và hầu như nhà nào cũng có ít nhất một chiếc điện thoại thông minh thì chuyện con trẻ sử dụng và “nghiện” thiết bị số là điều khó tránh khỏi, khiến không ít phụ huynh đau đầu tìm cách “cai nghiện” cho con.

Hình ảnh những đứa trẻ chăm chú dán mắt vào màn hình điện thoại xem phim hoạt hình, chơi game… chính là dấu hiệu cảnh báo chúng vô tình nghiện loại công cụ công nghệ này hơn bất cứ thứ gì. Chị H’ Ương Byă (27 tuổi) trú tại buôn Cuôr Dăng B, xã Cuôr Đăng (huyện Cư M’gar) cho hay: Nhà chị có 5 thành viên thì đã có 3 người dùng điện thoại thông minh, hằng ngày nhìn thấy người lớn cầm điện thoại, bé H’Pi Byă con gái chị cũng học theo. Dù mới 2 tuổi rưỡi nhưng bé đã thuần thục các thao tác mở điện thoại vào các ứng dụng chơi trò chơi, xem chương trình yêu thích, hễ mẹ không cho là bé phản ứng bằng cách lăn ra kêu gào, quấy khóc. Già Y Diơm Niê (75 tuổi, buôn Cuôr Đăng B, xã Cuôr Đăng, huyện Cư M’gar) thì lắc đầu ngao ngán: Bọn trẻ giờ phải có điện thoại mới chịu làm việc, ăn cũng điện thoại, học cũng điện thoại, chơi cũng điện thoại, thậm chí ngủ cũng điện thoại… Người lớn nghiện điện thoại thì làm sao mà con trẻ nó không bắt chước.

Anh  Lê Trương Quân dành  thời gian chơi  với con  sau giờ làm việc.
Anh Lê Trương Quân dành thời gian chơi với con sau giờ làm việc.

Chị Trần Lan Phương, ở phường Tân Lập (TP. Buôn Ma Thuột) đang loay hoay tìm đủ mọi cách cai nghiện điện thoại thông minh cho con. Chị Phương nhớ lại: Thường ngày chị khá bận rộn với công việc sổ sách ở cơ quan nên không có nhiều thời gian vui chơi cùng các con. Kỳ nghỉ hè 2016 khi con trai lớn của chị học lớp 3, thi thoảng chị có cho con mượn điện thoại để giải trí. Cứ thế ngày qua ngày, con dần không còn muốn đi đâu chơi ngoài việc dán mắt vào màn hình, lại đổi tính trở nên cáu gắt tỏ vẻ không hài lòng mỗi lần bị mẹ nhắc nhở. Hội chứng nghiện điện thoại ngày một nặng hơn khi con biết chơi game và không còn hứng thú tham gia các hoạt động ngoại khóa khác. Nhằm giúp con thoát khỏi tình trạng trên, chị Phương đã dùng nhiều cách từ việc sau giờ làm cất điện thoại ở cơ quan, cố gắng trò chuyện với con… nhưng dường như không hiệu quả. Cuối cùng chị đành ngậm ngùi chọn cách chuyển trường cho con sang học nội trú chỗ các bà sơ ở gần nhà với hy vọng ở môi trường mới con sẽ thay đổi nhận thức mà tạm quên điện thoại. 

Cũng như chị Phương, anh Lê Trương Quân (31 tuổi, phường Thành Nhất, TP. Buôn Ma Thuột) bình thường cũng hay cho con trai gần 3 tuổi chơi điện thoại. Mới đầu thì không sao nhưng dần dần bé có biểu hiện mê điện thoại đến mức quên ăn quên ngủ, hay đòi xem bằng được những chương trình mình thích. Thấy vậy vợ chồng anh Quân cùng nhau bàn bạc tìm giải pháp làm sao giúp con tạm quên đi điện thoại. Biết được con có sở thích về các loại xe, anh Quân tìm mua các mô hình xe nhựa. Khoảng thời gian rảnh sau giờ làm thay vì gặp gỡ giao lưu với bạn bè như trước đây, anh Quân lại tất tả về nhà phụ vợ việc nhà rồi cùng chơi với các con. Được một thời gian anh thấy hiệu quả rõ rệt, anh cùng các con càng hứng thú liên tục thay đổi các loại trò chơi khác nhau từ chơi xe đến chơi bóng rổ, đá bóng, dã ngoại…

Nói về vấn đề trên, Thạc sĩ Vũ Thu Hương, chuyên gia giáo dục, Khoa Giáo dục tiểu học (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) đã từng chia sẻ: Tình trạng trẻ thích dùng điện thoại thông minh rất phổ biến, trước hết chúng ta không thể phủ nhận tác dụng của thiết bị số này trong cuộc sống hiện đại. Tuy nhiên, trẻ nhỏ chưa biết sử dụng đúng giới hạn nên dễ gây nghiện nếu không có sự kiểm soát của người lớn. Vị chuyên gia này nhấn mạnh, trẻ nghiện điện thoại phần nhiều do lỗi của cha mẹ không dành thời gian cho con, nhất là trong những dịp nghỉ hè. Trước mắt, có thể áp dụng một số giải pháp giúp trẻ quên điện thoại như cho về quê thăm ông bà, tham gia các hoạt động ngoại khóa, dã ngoại... Bên cạnh đó có thể tập hợp một nhóm trẻ, thuê gia sư hướng dẫn hoạt động vui chơi trong khuôn viên gia đình, chơi các trò chơi tư duy sáng tạo, học kỹ năng sống…

Djuang Niê


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.