Multimedia Đọc Báo in

Những cộng tác viên dân số nhiệt tình, tận tụy

08:56, 11/07/2018

Hàng chục năm làm cộng tác viên dân số, chị Phan Thị Tâm (thôn Tiến Phát, xã Quảng Tiến, huyện Cư M’gar) và bà H’Vít Knul (buôn Hma, xã Ea Bông, huyện Krông Ana) luôn nhiệt tình, tận tụy với công việc, góp phần tích cực trong những chuyển biến về công tác dân số ở địa phương.

Chị Phan Thị Tâm tình nguyện làm cộng tác viên dân số của thôn Tiến Phát (xã Quảng Tiến, huyện Cư M’gar) từ năm 1999. Điều đáng quý, khi đảm nhận công việc này, chị chỉ mới sinh con được một năm. Địa bàn chị phụ trách có 123 hộ với 509 nhân khẩu, trong đó có hơn 90 cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ. Khi bắt đầu làm cộng tác viên dân số, chị Tâm gặp không ít khó khăn do tư tưởng trọng nam khinh nữ, muốn “có nếp, có tẻ”', “đông con cho vui cửa vui nhà”… vẫn còn tồn tại trong nhiều gia đình. Để thực hiện tốt nhiệm vụ, chị đã không ngừng trau dồi thêm chuyên môn, nghiệp vụ và học hỏi kỹ năng, kinh nghiệm của những đồng nghiệp khác.

Chị Phan Thị Tâm (phải) đang tuyên truyền về chính sách dân số - KHHGĐ cho phụ nữ trong thôn.
Chị Phan Thị Tâm (phải) đang tuyên truyền về chính sách dân số - KHHGĐ cho phụ nữ trong thôn.

Với trách nhiệm và sự tận tụy của mình, ngoài việc phối hợp để tuyên truyền lồng ghép về chính sách Dân số - KHHGĐ trong các buổi họp thôn, sinh hoạt các tổ, hội…, chị Tâm còn thường xuyên tìm đến gia đình các chị em để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, kiên trì phân tích cho từng đối tượng hiểu rõ những tác động, hệ quả của việc sinh nhiều, sinh dày và sinh con theo ý muốn, thực hiện mô hình ít con để có điều kiện nuôi dạy con tốt, phát triển kinh tế gia đình; đồng thời cũng khéo léo hướng dẫn các cặp vợ chồng sử dụng các biện pháp tránh thai phù hợp để không bị “vỡ” kế hoạch. Nhiều trường hợp chị phải vận động nhiều lần mới thuyết phục được. Đối tượng được chị quan tâm là những gia đình nghèo, đông con, những gia đình sinh con một bề là con trai hoặc con gái... Nhiều lần gặp khó khăn vì đối tượng không hợp tác nhưng bằng sự kiên trì, nhẫn nại, chị đã dần dần làm cho người dân hiểu, tin tưởng và dành thời gian lắng nghe mỗi lần chị tư vấn.

Không chỉ tuyên truyền cho các cặp vợ chồng, chị Tâm còn chủ động kể cho các cụ cao tuổi ở địa bàn về tấm gương những gia đình sinh ít con, kinh tế ổn định, gia đình hạnh phúc để các cụ thay đổi suy nghĩ, từ đó động viên con cháu sinh ít, sinh thưa. Những việc làm của chị đã góp phần đưa công tác dân số - KHHGĐ ở địa phương ngày càng chuyển biến tích cực; số cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ sử dụng các biện pháp tránh thai ngày càng nhiều: đến nay địa bàn chị quản lý có 79% các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ sử dụng các biện pháp tránh thai, trong đó có 75% cặp sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại. Từ đó, tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên đã giảm đáng kể, nhiều gia đình dù sinh con một bề, hay có điều kiện kinh tế khá giả cũng không sinh thêm con mà quyết định dừng lại để có điều kiện chăm sóc con cái và phát triển kinh tế gia đình. Đặc biệt, từ năm 2010 đến nay, địa bàn chị Tâm phụ trách không có trường hợp nào sinh con thứ ba trở lên.

Gần 20 năm qua, người dân buôn Hma (xã Ea Bông, huyện Krông Ana) đã quen thuộc với hình ảnh bà H’Vít Knul hằng ngày “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” để tuyên truyền, vận động về chính sách dân số - KHHGĐ.

Buôn Hma hiện có 105 hộ với gần 500 nhân khẩu, 100% dân số là người Êđê. Trước đây, với quan niệm “trời sinh voi trời sinh cỏ” nên nhiều cặp vợ chồng trong buôn sinh đông con và sinh dày; tình trạng tảo hôn và kết hôn cận huyết thống vẫn xảy ra. Hệ lụy của nó là cuộc sống của người dân trong buôn gặp rất nhiều khó khăn, không ít gia đình lâm vào cảnh cơm không đủ ăn, trẻ em không có quần áo mặc, không được đi học... Năm 1999, bà H’Vít tình nguyện làm cộng tác viên dân số của buôn. Bà đã tham gia đầy đủ các lớp tập huấn do Ban Dân số xã và cấp trên tổ chức để tìm hiểu các chủ trương chính sách về dân số; nắm bắt các kiến thức và kỹ năng tuyên truyền, vận động đối tượng. Bà chủ động tham mưu với Ban Dân số xã tổ chức các buổi truyền thông nói chuyện chuyên đề về chăm sóc sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình, sàng lọc trước sinh và sơ sinh, giảm tình trạng tảo hôn và kết hôn cận huyết thống...; đồng thời, phối hợp với Ban tự quản và các đoàn thể trong buôn lồng ghép tuyên truyền chủ trương, chính sách dân số đến với người dân và hội viên...

Bà H’Vít (bìa trái) vận động người dân thực hiện kế hoạch hóa gia đình.
Bà H’Vít (bìa trái) vận động người dân thực hiện kế hoạch hóa gia đình.

Đặc biệt, bà H’Vít thường xuyên trực tiếp đến vận động các hộ gia đình với phương châm “mưa dầm thấm lâu” và sự bền bỉ hiếm có “đi ban ngày không gặp, tranh thủ đi ban đêm”. Trong đó, bà chú trọng những cặp vợ chồng đã sinh hai con để tư vấn, vận động đối tượng thực hiện kế hoạch hóa gia đình. Như vợ chồng chị H’Yeo Bkrông, sau khi sinh hai con, nhờ được bà H’Vít tư vấn nên đã sử dụng vòng tránh thai để kế hoạch. Từ đó, vợ chồng chị H’Yeo yên tâm làm kinh tế; cuộc sống ngày một khấm khá, hạnh phúc gia đình luôn được đảm bảo và các con được ăn học đầy đủ. Còn vợ chồng chị H’Miao Bkrông đã có hai người con trai và có ý định sinh thêm con gái để có người nối dõi dòng họ. Tuy vậy, khi được bà H’Vít phân tích lợi ích của sinh ít con; những hệ lụy nếu sinh đông con đối với cuộc sống gia đình và tương lai trẻ nhỏ thì vợ chồng chị H’Miao đã quyết định dừng lại để có điều kiện chăm sóc và nuôi dạy con cái cho tốt.

Hiện nay, buôn Hma có 78 chị trong độ tuổi sinh đẻ thì đã có 56 chị sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại. Tình trạng sinh con thứ ba trở lên giảm xuống rõ rệt: Năm 2017 chỉ có 1 trường hợp, còn từ đầu năm 2018 đến nay không có trường hợp nào; trong buôn không còn tảo hôn và kết hôn cận huyết thống. Cuộc sống của người dân trong buôn đang đổi thay từng ngày: thu nhập bình quân đầu người đạt 32 triệu đồng/năm; hơn 80% gia đình đạt danh hiệu văn hóa; hầu hết trẻ em trong độ tuổi đều được đến trường.

Trung Dũng - Thảo Nguyên


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.