Multimedia Đọc Báo in

Những phụ nữ vượt khó, "vun trồng" hạnh phúc gia đình

08:59, 03/07/2018

Trong những năm qua, trong phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc”, trên địa bàn huyện M’Đrắk đã xuất hiện nhiều tấm gương phụ nữ với tinh thần vượt khó, dám nghĩ, dám làm, cần cù, chịu khó xây dựng cuộc sống gia đình hạnh phúc, tích cực tham gia công tác xã hội.

Điển hình như chị Hoàng Tuyết Phượng (dân tộc Tày), Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ tổ dân phố 9 (thị trấn M’Đrắk). Năm 1988, chị Phượng từ quê hương Lạng Sơn vào huyện M’Đrắk để lập nghiệp. Một năm sau, chị gặp và xây dựng gia đình cùng anh Lê Hữu Thái. Những ngày đầu tạo dựng tổ ấm, vợ chồng anh chị gặp rất nhiều khó khăn bởi công ăn việc làm chưa ổn định. Để trang trải cho cuộc sống, vợ chồng chị làm thuê đủ mọi việc, làm công nhân cho các xí nghiệp trên địa bàn huyện. Cuộc sống vất vả nhưng với tâm niệm “thuận vợ thuận chồng tát Biển Đông cũng cạn”, chị luôn động viên chồng con chăm chỉ làm ăn, tiết kiệm trong chi tiêu. Nhờ vậy, trong thời gian ngắn từ chỗ phải đi làm thuê, làm mướn chạy ăn từng bữa, gia đình chị Phượng đã có điều kiện để chuyển hướng đầu tư sang thu mua nông sản nhỏ lẻ như ngô, mía, sắn bán lại cho đại lý; đồng thời trồng rau, chăn nuôi thêm heo, gà theo hướng hàng hóa để tăng thêm thu nhập cho gia đình.

Đến nay, sau 30 năm lập nghiệp gia đình chị Phượng đã xây dựng được kinh tế vững chắc với hơn 4 ha trồng sắn và trồng rừng nguyên liệu giấy, mua xe du lịch để kinh doanh dịch vụ, con cái đều có công ăn việc làm ổn định, cuộc sống của gia đình chị luôn hòa thuận, hạnh phúc, đạt danh hiệu Gia đình văn hóa nhiều năm liền. Không chỉ làm kinh tế giỏi, chị Phượng còn tích cực tham gia công tác xã hội với nhiều vai trò khác nhau như Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ tổ dân phố 9, tổ trưởng tổ tiết kiệm vay vốn, kiêm nhiệm công tác trẻ em ở trong thôn… Trên cương vị nào, chị Phượng cũng làm hết trách nhiệm, được chị em trong tổ dân phố tin tưởng.

Chị Nguyễn Thị Đoàn (tổ dân phố 10, thị trấn M’Đrắk) chăm sóc đàn vịt của gia đình.
Chị Nguyễn Thị Đoàn (tổ dân phố 10, thị trấn M’Đrắk) chăm sóc đàn vịt của gia đình.

Chị Nguyễn Thị Đoàn (tổ dân phố số 10, thị trấn M’Đrắk) cũng là một trong những tấm gương phụ nữ biết vượt qua khó khăn để xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc. Năm 1996, vợ chồng chị Đoàn chuyển từ Thanh Hóa vào huyện M’Đrắk lập nghiệp. Ban đầu, vợ chồng chị đối diện với muôn vàn khó khăn: không có vốn, ba đứa con thì còn quá nhỏ. Không nản lòng trước hoàn cảnh, chị Đoàn bàn với chồng tích cực khai hoang mở rộng diện tích canh tác, đồng thời chăm chỉ làm thuê làm mướn tích góp vốn mua thêm gần 4.000 m2 mở rộng diện tích canh tác. Nhờ chăm chỉ làm ăn biết đầu tư đúng hướng, đến nay, kinh tế gia đình chị đã dần ổn định với 1.000 m2 ao thả cá, hằng năm nuôi từ 400-500 con vịt thương phẩm và 50 con vịt lấy trứng, trồng thêm các loại rau màu để cung cấp cho thị trường.

Đến nay, sau hơn 22 năm lập nghiệp trên mảnh đất M’Đrắk, vợ chồng chị Đoàn đã xây dựng được cuộc sống ổn định, hạnh phúc; ba người con của chị được ăn học đến nơi đến chốn và đã có việc làm ổn định. Gia đình chị nhiều năm liền được công nhận là Gia đình văn hóa và Gia đình hiếu học của địa phương. Không chỉ vượt qua khó khăn phát triển kinh tế, chị Đoàn còn gương mẫu, đi đầu trong các phong trào của của địa phương. Trên cương vị là Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQVN thị trấn M’Đrắk, đại biểu HĐND thị trấn từ 2004-2011 và 2016-2021, chị luôn tích cực tuyên truyền, vận động bà con chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, xây dựng khối đại đoàn kết khu dân cư.

Thúy Diệp


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.