Multimedia Đọc Báo in

Niềm vui của Mẹ

07:59, 24/07/2018
Thực hiện truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” tốt đẹp của dân tộc, thời gian qua, nhiều sở, ngành, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã quan tâm, nhận phụng dưỡng các Mẹ Việt Nam Anh hùng, biểu thị tâm tình tri ân đối với những hy sinh vô bờ bến của các Mẹ cho độc lập tự do của đất nước.

Đã trở thành truyền thống, cứ đến dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sỹ 27-7 hằng năm, cán bộ, chiến sĩ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh lại hành trình, trở về với cội nguồn, vùng căn cứ cách mạng Krông Bông thăm Mẹ Việt Nam Anh hùng  Đặng Thị Lịch. Mẹ Lịch năm nay tròn 100 tuổi, song vẫn minh mẫn, tươi vui lắm. Đón các con về thăm, ngôi nhà nhỏ, đơn sơ của Mẹ trở nên ấm áp, náo nhiệt hơn. Và bao giờ cũng vậy, trước lúc vào câu chuyện, Mẹ không quên nhắc nhở các con thắp nén nhang, thành kính tri ân, tưởng nhớ hương hồn của 2 con Mẹ là liệt sỹ Lê Thị Liên và Lê Nhiên đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Để rồi trở lại trong suốt câu chuyện tâm tình, Mẹ không kể về nỗi đau khi mất 2 người con  đã rứt ruột sinh ra cho quê hương, đất nước mà Mẹ chỉ ân cần nhắc nhở các con, thế hệ trẻ hôm nay phải biết quý trọng độc lập, tự do mà cha ông đã đổ xương máu giành được. Sâu sắc hơn, Mẹ bảo, với vai trò là lực lượng nòng cốt, chuyên trách trong công tác quân sự, quốc phòng, cán bộ, chiến sĩ, lực lượng vũ trang cần quan tâm xây dựng, củng cố nền quốc phòng vững mạnh, đủ sức bảo vệ đất nước. Khắc ghi lời dạy bảo tâm huyết của Mẹ, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang tỉnh hạ quyết tâm, không ngừng phát huy truyền thống, phẩm chất người lính Bộ đội Cụ Hồ, kiên định với lý tưởng cách mạng cao cả mà Bác Hồ đã chọn, quyết dốc sức, gìn giữ đất nước.

Các cháu  nhi đồng  đến thăm hỏi Mẹ Việt Nam Anh hùng  Phạm Thị Nha (xã Ea Phê, huyện  Krông Pắc).
Các cháu nhi đồng đến thăm hỏi Mẹ Việt Nam Anh hùng Phạm Thị Nha (xã Ea Phê, huyện Krông Pắc).

Được biết, ngoài trực tiếp nhận phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng Đặng Thị Lịch, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh còn chỉ đạo các đơn vị đảm nhận phụng dưỡng 12 Mẹ Việt Nam Anh hùng khác trên địa bàn đứng chân.

Hiện các Mẹ Việt Nam Anh hùng được các đơn vị, địa phương, doanh nghiệp nhận phụng dưỡng, hỗ trợ từ 1 - 1,5 triệu đồng/tháng/Mẹ. Ngoài ra, vào những dịp lễ, Tết, các Mẹ còn được các cơ quan, đơn vị thăm, tặng quà, động viên tinh thần, vật chất.

Cũng là một trong những đơn vị quan tâm, thể hiện tình cảm, trách nhiệm chăm sóc các Mẹ Việt Nam Anh hùng, Công an tỉnh vừa nhận phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng Ngô Thị Xoa (sinh năm 1929, trú tại tổ dân phố 8, phường An Lạc, thị xã Buôn Hồ), có chồng và con trai hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Nhận phụng dưỡng Mẹ, ngoài việc giúp Mẹ mỗi tháng 1 triệu đồng, lãnh đạo Công an tỉnh chỉ đạo đoàn viên thanh niên của Công an thị xã Buôn Hồ thường xuyên đến thăm hỏi, động viên, trò chuyện, giúp Mẹ khuây khỏa lúc tuổi xế chiều. Không giấu được niềm vui khi có thêm nhiều người con, Mẹ Ngô Thị Xoa chia sẻ, từ đây Mẹ có thêm nhiều chỗ dựa tinh thần, giúp Mẹ phần nào xoa dịu, vơi đi những đau thương, mất mát, vui sống lúc tuổi già. Được biết, ngoài Mẹ Xoa, hiện nay Công an tỉnh đang nhận phụng dưỡng 2 mẹ Việt Nam Anh hùng khác.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh thắp hương tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh thắp hương tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ.

Theo Phòng Người có công (Sở Lao động – Thương binh và Xã hội) thì đến nay trên địa bàn tỉnh có 541 Mẹ được phong tặng, truy tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam Anh hùng, trong đó có 55 Mẹ hiện còn sống. Ngoài việc quan tâm, thực hiện đầy đủ, kịp thời chế độ, chính sách cho các Mẹ, thấu hiểu những hy sinh, mất mát không gì bù đắp được của các Mẹ, với tất cả trách nhiệm, tình cảm, các sở, ngành, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã đảm nhận phụng dưỡng, chăm sóc tinh thần, vật chất cho các Mẹ. Hiện 55 Mẹ đều được các đơn vị, địa phương, doanh nghiệp nhận phụng dưỡng. Ý thức bổn phận, nghĩa vụ thiêng liêng của những người con với các Mẹ, không dừng lại ở sự hỗ trợ về mặt vật chất, giúp các Mẹ có cuộc sống ổn định, sung túc hơn, các đơn vị, doanh nghiệp còn thường xuyên cử cán bộ, nhất là đoàn viên thanh niên đến thăm hỏi, động viên, chăm sóc các Mẹ, xem đây như là một bài học giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ. Những hy sinh anh dũng, kiên cường của cha ông, hình ảnh những người Mẹ kiên trung thầm lặng, sẵn sàng dâng hiến đứa con duy nhất vì Tổ quốc thân yêu qua những câu chuyện kể của các Mẹ đã hun đúc, bồi đắp thêm lòng tự hào dân tộc, giúp thế hệ trẻ trân trọng, yêu mến, ra sức giữ gìn độc lập Tổ quốc mà bao thế hệ cha ông đã đổ xương máu giành được.

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.