Nỗ lực nâng cao chất lượng dân số
Những năm qua, công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) trên địa bàn tỉnh đã và đang được triển khai bằng nhiều chương trình, đề án với nội dung đa dạng, phong phú, hình thức tuyên truyền phù hợp. Qua đó tạo được những chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao chất lượng dân số.
Nhiều mô hình hiệu quả
Để thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng dân số đạt hiệu quả, thời gian qua Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh đã phối hợp với các ngành chức năng triển khai mô hình Tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân. Từ 4 địa phương được triển khai thí điểm vào năm 2012 (gồm TP. Buôn Ma Thuột và các huyện Krông Pắc, Ea Kar, Krông Năng), đến nay, mô hình này đã được triển khai tại tất cả các huyện, thị xã, thành phố, từng bước góp phần nâng cao nhận thức, kỹ năng thực hành chăm sóc sức khỏe sinh sản/KHHGĐ cho vị thành niên, thanh niên trên địa bàn. Đơn cử như tại huyện Ea Kar, hoạt động của các câu lạc bộ tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân đã trở thành một kênh chính thống cung cấp cho các bạn trẻ trên địa bàn kiến thức về giới, chăm sóc sức khỏe sinh sản, hôn nhân gia đình. Theo bà Lã Thị Lựu, cán bộ Trung tâm Dân số huyện Ea Kar, tư vấn và kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân góp phần bảo đảm cho hôn nhân bền vững khi các cặp đôi được chuẩn bị kiến thức, tâm lý đúng cho cuộc sống hôn nhân về sau; giảm tình trạng tảo hôn. Bên cạnh đó, việc tự nguyện tham gia kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân giúp nhiều người phát hiện và điều trị sớm một số bệnh tật có nguy cơ ảnh hưởng đến vấn đề tình dục, mang thai, sinh đẻ, góp phần nâng cao chất lượng dân số của địa phương.
Cán bộ Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình huyện Ea Kar tư vấn cho bà mẹ về lợi ích của sàng lọc trước sinh và sơ sinh. |
Đề án Sàng lọc trước sinh và sơ sinh đang triển khai trên địa bàn tỉnh cũng được xem là một giải pháp nâng cao chất lượng dân số hiệu quả. Bởi, qua sàng lọc trước sinh và sơ sinh giúp trẻ tránh được những hậu quả nặng nề do dị tật bẩm sinh như: down; rối loạn di truyền; dị tật ống thần kinh; khuyết tật về tim; thiếu men G6PD gây biến chứng vàng da, thần kinh; suy tuyến giáp trạng bẩm sinh và tăng sản thượng thận bẩm sinh... Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2018, toàn tỉnh đã có 5.015 bà mẹ mang thai được sàng lọc trước sinh và 3.994 trẻ sơ sinh được lấy máu gót chân sàng lọc sơ sinh. Qua đó, phát hiện và tư vấn điều trị cho 31 bà mẹ mang thai nghi ngờ thai nhi mắc các dị tật và 66 trẻ sơ sinh nghi ngờ mắc bệnh thiếu men G6PD và thiểu năng giáp bẩm sinh.
Ngoài 2 mô hình, đề án nói trên, mô hình Can thiệp tảo hôn và kết hôn cận huyết thống, hay Đề án Giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh do Chi cục DS-KHHGĐ thực hiện tại các địa phương trong tỉnh cũng góp phần không nhỏ trong việc nâng cao chất lượng dân số.
Tuyên truyền đúng và trúng
Song song với hoạt động nói trên, thời gian qua, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh luôn chú trọng đến công tác tuyên truyền, vận động, bởi đây được xem là “chìa khóa” để đưa chính sách DS-KHHGĐ đến với người dân trên địa bàn, từ đó nâng cao chất lượng dân số.
Cán bộ dân số huyện Ea Súp hướng dẫn phụ nữ trên địa bàn cách sử dụng biện pháp tránh thai để thực hiện kế hoạch hóa gia đình. |
Phó Chi cục trưởng, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Mai Văn Phán
|
Vào thôn Giang Xuân, xã Ea Đăh, huyện Krông Năng – một trong những “tâm điểm” về tình trạng sinh con thứ 3 của tỉnh càng thấy rõ hiệu quả của truyền thông về dân số. Để thay đổi nhận thức của người dân trong vấn đề sinh đẻ khi họ còn mang nặng tâm lý “đông con hơn nhiều của”, thích có con trai để nối dõi tông đường, chị Nguyễn Thị Thoa, cộng tác viên dân số của thôn đã phải “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, tìm hiểu, nắm bắt từng hoàn cảnh gia đình để có cách tuyên truyền, vận động phù hợp. Thông qua sự vận động thấu tình, đạt lý của chị Thoa, không ít cặp vợ chồng đã chấp nhận sử dụng biện pháp tránh thai để duy trì mức sinh ở 2 con, nên tình trạng sinh con thứ 3 trở lên trên địa bàn cũng bớt “nóng”. Đồng thời, một số gia đình đã chủ động tham gia sàng lọc trước sinh và sơ sinh để phát hiện sớm dị tật thai nhi, nhiều thanh niên được tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân…
Tương tự, huyện Cư M’gar cũng từng là một trong những “điểm nóng” của tỉnh về tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh với lúc cao điểm tỷ số chênh lệch giới tính khi sinh trên địa bàn lên đến 121 bé trai/100 bé gái. Xác định nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh tăng cao là do ảnh hưởng của phong tục tập quán thích sinh nhiều con, tư tưởng “trọng nam, khinh nữ”, mong có con trai làm trụ cột lao động trong gia đình và chỗ dựa lúc tuổi già, Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Cư M’gar đã chỉ đạo cán bộ chuyên trách dân số của 17 xã, thị trấn và cộng tác viên dân số thường xuyên xuống các thôn, buôn tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về dân số, bình đẳng giới; tăng cường tuyên truyền chính sách dân số trên hệ thống đài truyền thanh huyện, xã và pa nô, áp phích, băng rôn, khẩu hiệu, tờ rơi; thực hiện các đợt chăm sóc sức khỏe sinh sản, KHHGĐ nhằm tư vấn và nâng cao hiểu biết về chăm sóc sức khỏe sinh sản, hệ lụy của mất cân bằng giới tính khi sinh; cấp phát dụng cụ cũng như hướng dẫn các biện pháp tránh thai; tư vấn trực tiếp cho nam nữ chuẩn bị kết hôn… Nhờ vậy, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh trên địa bàn bắt đầu được kiềm chế và có xu hướng giảm.
Kim Oanh
Ý kiến bạn đọc