Multimedia Đọc Báo in

Ông bà bệnh tật nuôi cháu bại não

08:58, 03/07/2018

Dù tuổi cao, sức  yếu, nhưng ông Vũ Đình Trọng (sinh năm 1965, thôn 1A, xã Cư Ewi, huyện Cư Kuin) vẫn hằng ngày bón từng thìa sữa cho đứa cháu bị bại não bẩm sinh.

Trong ngôi nhà xây gạch mộc chừng 25m2 là nơi ở của gia đình 10 người, trên chiếc giường cũ kĩ là cháu Vũ Phương Trinh (sinh năm 2015) đang nằm co quắp, nhỏ thó. Nhìn vào đứa cháu đang nằm ngây dại trên giường, ông Trọng không khỏi xót xa: “Đã 3 tuổi rồi nhưng cháu không thể nuốt được cháo, chỉ nặng 10 kg. Do nằm một chỗ nhiều nên cơ thể cháu bị liệt dần, mọi việc ăn uống vệ sinh cho cháu đều diễn ra trên chiếc giường này. Dù biết cực lắm, nhưng hai cái thân già này còn có thể làm được gì hơn nữa ngoài việc hết lòng chăm sóc cho cháu. Bà nhà tôi cũng đau ốm suốt không làm được gì cả đành ở nhà trông cháu còn mỗi tôi đi làm”.

Không thể nuốt được nên mỗi lần uống sữa với cháu Vũ Phương Trinh là việc  rất khó khăn.
Không thể nuốt được nên mỗi lần uống sữa với cháu Vũ Phương Trinh là việc rất khó khăn.

Không giấu được nỗi buồn, ông Trọng cho biết, vợ chồng ông sinh được 8 người con, nhưng mới có anh con đầu đã lập gia đình, còn 7 người con vẫn ở cùng ông bà. Chị Vũ Thị Ánh Nguyệt (sinh năm 1992) là người con thứ 3 trong nhà. Năm 2014, chị Nguyệt không may mang thai ngoài ý muốn và sinh ra cháu Trinh khi chưa cưới hỏi gì, gia đình bố cháu bé không nhận và tuyệt giao từ đó. Khi mới sinh ra, cháu Trinh chỉ nặng 2 kg, có nhiều triệu chứng bất thường và được bác sĩ chuẩn đoán bại não bẩm sinh. Vào tháng trước, trong một lần lên cơn co giật, gia đình phải gấp rút đưa cháu lên Bệnh viện Đa khoa huyện Cư Kuin cấp cứu thì được bác sĩ kết luận thêm bị tật nứt não rộng và rỗng não toàn phần. Dù ông bà ngoại đã đưa đi chữa trị nhưng không có điều kiện nên mọi hy vọng đều không có kết quả. Từ lúc phát hiện cháu bị tật bẩm sinh, việc chi tiêu ngày một tốn kém, trong khi trong nhà chỉ có mỗi ông Trọng là lao động chính. Nhà chỉ có 4 sào đất vườn trồng điều, nhưng không có điều kiện chăm sóc nên cây chết hết mà chưa thu được gì. Ông đành phải đi sửa điện thuê cho người dân trong vùng, thu nhập bấp bênh. Trong khi đó, chị Nguyệt cũng bị bệnh về thần kinh từ nhỏ, không có nghề nghiệp phải làm thuê mỗi ngày chỉ được 100.000 đồng. Ông Trọng lo lắng, từ ngày có cháu Trinh, dù cuộc sống hằng ngày của cả gia đình thiếu thốn đủ bề, nhưng thương con, thương cháu nên ông bà hết lòng chăm sóc. Giờ tuổi đã bắt đầu xuống dốc, bản thân cũng bị bệnh tật triền miên, chỉ thương cháu nằm đó mà mình ốm đau thì không biết thế nào.

Được sự quan tâm của chính quyền địa phương, cháu Trinh được nhận tiền trợ cấp 675.000 đồng/tháng và ông Trọng (người chăm sóc) hưởng 270.000 đồng/tháng, ông bà chỉ dám mua gạo và ít sữa cho cháu Trinh, còn thức ăn cho gia đình thì kiếm được bó rau nào ngoài vườn thì ăn cái đó. Gánh nặng phải nuôi 7 người con cùng đứa cháu bị bại não cứ nặng dần trên đôi vai của ông Trọng.

Hoàn cảnh của cháu Trinh rất cần sự giúp đỡ của những tấm lòng nhân ái, để vợ chồng ông Trọng có thêm điều kiện chăm sóc cho cháu. Mọi sự giúp đỡ xin gửi về ông Vũ Đình Trọng, thôn 1A, xã Cư Ewi, huyện Cư Kuin số điện thoại: 0165.804.5046.

Băng Châu


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.