Multimedia Đọc Báo in

Thiêng liêng hai tiếng gia đình

08:32, 08/07/2018

Trong mỗi chúng ta chắc đã từng nghe câu nói: “Có một nơi để về, đó là nhà. Có những người để yêu thương, đó là gia đình. Có được cả hai, đó là hạnh phúc”. Đúng vậy, hạnh phúc đôi khi chỉ giản đơn vậy, nhưng lại thiêng liêng đến vô cùng.

Trong một lần về cơ sở, tôi tình cờ được bác trưởng thôn dẫn vào thăm nhà một người dân. Chủ nhà, một người phụ nữ tuổi lục tuần chào khách với khuôn mặt đầy đau khổ. Khi được hỏi thăm về chồng mình, đôi mắt bà rơm rớm, giọng chùng xuống: “Mấy hôm nay ông ấy không ăn được gì, chắc không qua khỏi…”. Được biết, ông bị ung thư dạ dày, khi phát hiện, bệnh đã giai đoạn cuối. Giữa không gian nặng nề, tôi nhìn thấy trong ánh mắt của bà một nỗi tuyệt vọng cùng cực. Đôi mắt ấy còn chứa đựng sự dãi dầu mưa nắng, đêm ngày để chăm sóc, cận kề, động viên người chồng vượt qua nghịch cảnh, là sự lo lắng, trằn trọc không yên giấc, là nỗi sợ hãi, cảm giác cô đơn dù người đàn bà ấy đã cố gắng giấu thật sâu vào đáy lòng. Nếu như cảm giác mất đi người thân đau đớn một, thì có lẽ việc nhìn thấy một người đã hơn nửa đời người đồng cam cộng khổ cùng mình đang dần mòn, quằn quại sống những ngày còn lại còn đau đớn gấp mười. Một mái ấm nhỏ vốn rất giản đơn nhưng hạnh phúc, bỗng mất đi người trụ cột, sự hụt hẫng ấy thật khó nguôi ngoai…

Cuộc gặp gỡ dù chỉ chớp nhoáng, nhưng đủ khiến những người chứng kiến đều thở dài suy tư về cuộc sống, con người và gia đình. Cuộc đời mong manh đến thế, sao ta không cố gắng dành nhiều thời gian, yêu thương hơn nữa cho gia đình, người thân của mình. Đã có lúc ta cứ mải mê chạy theo những phù phiếm mà quên mất người thân yêu, quên không nhận ra sau những đắng cay, mỏi mệt, gia đình mới chính là tổ ấm tạo cho ta cảm giác yên bình, được yêu thương.

Mới đây, tôi may mắn được dự Hội thi “Gia đình hạnh phúc” do Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch phối hợp cùng Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức. Chỉ diễn ra trong hai ngày, nhưng hội thi đã lắng lại trong người xem nhiều cảm xúc thông qua các phần thi giới thiệu, kiến thức, ứng xử và năng khiếu do 19 gia đình thể hiện.

Tiết mục biểu diễn của một gia đình tại Hội thi Gia đình hạnh phúc. Ảnh: Ngọc Quỳnh
Phần thi năng khiếu của gia đình anh Bùi Đình Nhã, chị Lê Thị Thúy Vân (huyện Cư Kuin) tại Hội thi Gia đình hạnh phúc. Ảnh: Ngọc Quỳnh

Xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc là nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết, nhưng không phải dễ dàng và rất cần sự chung tay của các thành viên trong gia đình. Qua các tiết mục được thể hiện tại hội thi, mọi người dễ dàng nhận thấy, để giữ cho gia đình luôn đong đầy yêu thương thì vai trò của người chồng trong gia đình không chỉ là trụ cột kinh tế mà còn phải biết sẻ chia cùng vợ việc nhà, chăm sóc, nuôi dạy con cái. Một trong những niềm hạnh phúc lớn của người vợ là được chồng quan tâm, cùng mình giữ lửa yêu thương, nuôi dưỡng con cái trưởng thành. Hạnh phúc của con trẻ lại càng giản dị hơn, đó đôi khi chỉ là nhìn thấy nụ cười của bố mẹ, lời động viên khi con gặp khó khăn, được hát song ca chung với bố, được bố mẹ ôm, cưng nựng trong lòng…

Tôi nhớ một thông điệp mà lãnh đạo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch gửi đến các đội thi và khán giả, rằng: Xây dựng gia đình hạnh phúc là một quá trình lâu dài, và người thợ xây không ai khác chính là cha, là mẹ và những đứa con. Hãy đặt bản thân của mình vào vị trí của người khác để tất cả chúng ta cùng nhận ra rằng, cha đi làm cực lắm, cha cần mẹ quan tâm, cần các con ngoan hơn. Mẹ đi làm cực lắm, mẹ cần cha phụ giúp việc nhà, cần các con tự giác hơn. Con đi học cực lắm, con cần cha, cần mẹ quan tâm, chia sẻ và động viên…

Quả đúng như vậy, nếu mỗi thành viên trong gia đình – những người thợ cùng xây tổ ấm với những hành động, thái độ thiết thực, đầy yêu thương chân thành thì chắc chắn gia đình sẽ thêm được gắn kết, hạnh phúc sẽ luôn đong đầy.

Song Quỳnh


Ý kiến bạn đọc