Trọn nghĩa, vẹn tình với người có công
Phát huy truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, trong những năm qua công tác chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho các đối tượng chính sách, người có công với cách mạng đã được các cấp ủy đảng, chính quyền và các tổ chức đoàn thể của huyện M’Đrắk quan tâm thực hiện.
Vào những ngày này, trong căn nhà Tình nghĩa của Mẹ Việt Nam Anh hùng Phạm Thị Lý (SN 1931, ở thôn Tân Lập, xã Cư M’tar) luôn tấp nập người đến thăm hỏi sức khỏe, đời sống của Mẹ. Mẹ Lý có chồng và con trai là liệt sỹ, được trao tặng danh hiệu cao quý Mẹ Việt Nam Anh hùng vào năm 2015. Năm 2016, Mẹ Lý chuyển từ tỉnh Bình Định vào huyện M’Đrắk sinh sống nên còn khó khăn về nhà ở. Tháng 7-2017 được sự hỗ trợ của các cấp, ngành từ tỉnh đến huyện (tỉnh hỗ trợ 50 triệu đồng, UBND huyện M’Đrắk cấp đất xây dựng) nên Mẹ Lý đã có căn nhà Tình nghĩa khang trang, sạch đẹp để quây quần cùng con cháu lúc về già. Mẹ Lý nói trong xúc động: “Không riêng gì những ngày này, hằng tuần các cơ quan, đoàn thể của huyện, xã đều đến thăm hỏi, trò chuyện, Mẹ vui lắm”.
Phó Giám đốc Sở LĐ-TBXH Tô Thị Tâm và Chủ tịch UBND huyện M’Đrắk Hòa Quang Khiêm bàn giao chìa khóa nhà Tình nghĩa tặng Mẹ Việt Nam Anh hùng Phạm Thị Lý (xã Cư M’tar). Ảnh: N.Gia |
Trong căn nhà còn thơm mùi sơn mới, ông Nguyễn Xuân Hoài (SN 1942, ở thôn 3, xã Cư M’tar) không giấu nổi xúc động vì chưa từng nghĩ lúc về già lại được sống trong ngôi nhà vững chắc, không phải lo lắng lúc nắng mưa. Thời còn trai trẻ, ông Hoài tham gia thanh niên xung phong (TNXP) với nhiệm vụ rà phá bom mìn, vận chuyển vũ khí, lương thực, mở đường phục vụ chiến đấu ở tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Trị. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ trở về địa phương, năm 1981 gia đình ông chuyển từ Hà Tĩnh vào huyện M’Đrắk sinh sống. Người vợ mất đã lâu, một mình ông Hoài nuôi 5 người con ăn học, trưởng thành, nên đã bao năm nay ước mơ có một căn nhà mới của ông vẫn còn dang dở. Thấu hiểu hoàn cảnh đó, nhờ sự hỗ trợ của Tỉnh Đoàn và Hội Cựu TNXP tỉnh (từ nguồn vốn của Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền), huyện M’Đrắk đã lựa chọn gia đình ông Hoài là một trong 5 gia đình chính sách còn khó khăn để xây dựng tặng nhà Tình nghĩa với tổng trị giá 50 triệu đồng. Ông Hoài bộc bạch: “Thời gian qua, gia đình tôi đã nhận được nhiều sự quan tâm, động viên của các cấp chính quyền, đoàn thể nhưng việc được hỗ trợ xây dựng nhà Tình nghĩa là niềm vui không gì diễn tả được. Mùa mưa bão năm nay được ở trong ngôi nhà mới tôi cảm thấy ấm lòng, yên tâm hơn khi tuổi đã xế chiều”.
Ông Nguyễn Văn Nhất, Trưởng Phòng LĐ-TBXH huyện M’Đrắk
|
Ông Nguyễn Văn Nhất, Trưởng Phòng LĐ-TBXH huyện cho biết: Trên địa bàn huyện có gần 1.500 đối tượng thuộc diện chính sách, người có công, trong đó trên 430 trường hợp hưởng chế độ trợ cấp hằng tháng. Trong những năm qua, công tác đền ơn đáp nghĩa luôn được các cấp, các ban, ngành, đoàn thể của huyện thực hiện nghiêm túc, hiệu quả. Năm 2017, huyện đã chi trả kịp thời chế độ cho các đối tượng với số tiền gần 10,5 tỷ đồng; thăm và tặng gần 1.500 phần quà trị giá 654 triệu đồng nhân dịp Tết Nguyên đán; cấp hơn 1.000 thẻ Bảo hiểm y tế; tiếp nhận và thẩm định gần 100 hồ sơ của các đối tượng đề nghị giải quyết chế độ…Và từ đầu năm 2018 đến nay, huyện đã chi trả chế độ trợ cấp hằng tháng cho 439 đối tượng với gần 5 tỷ đồng; thăm hỏi và tặng 1.474 suất quà trị giá gần 700 triệu đồng trong dịp Tết Mậu Tuất 2018; tiếp nhận và thẩm định 67 hồ sơ đề nghị giải quyết chế độ… Bên cạnh đó, huyện cũng đã tập trung tuyên truyền sâu rộng các chính sách ưu đãi có công, xã hội hóa phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”. Từ năm 2016 đến nay, huyện đã vận động cán bộ, công chức, viên chức đóng góp Quỹ Đền ơn đáp nghĩa được hơn 1 tỷ đồng. Từ nguồn quỹ này đã xây dựng mới và sửa chữa 20 căn nhà cho các gia đình chính sách và người có công trên địa bàn; từ nay đến cuối năm 2018 sẽ tiếp tục vận động để xây dựng, sửa chữa thêm 10 căn nhà Tình nghĩa nữa.
Theo ông Nhất, với những hoạt động thiết thực, ý nghĩa trong phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, đời sống vật chất, tinh thần của gia đình chính sách và người có công trên địa bàn huyện đã được cải thiện đáng kể khi đa số đều có nhà ở kiên cố; thu nhập của các gia đình chính sách cao hơn so với thu nhập bình quân chung của huyện; số hộ nghèo thuộc diện gia đình chính sách giảm… Đối với các hộ chính sách còn khó khăn, huyện cũng đã vận động các cơ quan, đoàn thể, doanh nghiệp, trường học đứng chân trên địa bàn nhận giúp đỡ bằng cách hướng dẫn làm kinh tế, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, liên kết đào tạo nghề, hỗ trợ giống chăn nuôi, buôn bán nhỏ... nhằm đưa mức sống của các đối tượng bằng hoặc cao hơn mức sống của người dân địa phương nơi cư trú.
Duy Tiến
Ý kiến bạn đọc