Multimedia Đọc Báo in

Chàng trai trẻ đam mê điêu khắc gỗ

08:54, 08/08/2018

Sinh ra trong gia đình không có nghề điêu khắc gỗ, nhưng nhờ có niềm khát khao, đam mê với các sản phẩm thủ công mỹ nghệ và chịu khó học hỏi mà anh Lê Văn Tú (22 tuổi ở buôn Mùi 3, xã Cư Né, huyện Krông Búk) đã thành công với nghề đã chọn.

Gia đình có hoàn cảnh khó khăn nên anh Tú chỉ học đến lớp 9. Năm 15 tuổi,  Tú đã quyết định xa gia đình, khăn gói ra Hà Nội để xin học nghề điêu khắc gỗ mỹ nghệ. Với năng khiếu bẩm sinh cùng niềm đam mê có sẵn, hơn 3 năm mày mò học hỏi khi tay nghề đã vững, anh quyết định quay về lập nghiệp tại quê nhà.

Thời gian đầu mở xưởng điêu khắc gỗ, anh gặp không ít khó khăn vì thiếu vốn, nhưng được sự động viên từ gia đình, bạn bè và quan trọng hơn là được người thầy đầu tiên ở địa phương về cùng làm chung, đã tiếp thêm động lực rất lớn để Tú vượt qua khó khăn. Nhờ đức tính cần cù, kiên nhẫn, sự khéo léo của đôi bàn tay và sự sáng tạo độc đáo, nên chỉ cần một mẩu gỗ và một chiếc đục trên tay, anh Tú có thể tạo một bức tượng đẹp có hồn với những đường nét, họa tiết rất sống động. Anh chia sẻ, công đoạn cắt khối gỗ tạo thế cho tác phẩm là một trong những khâu khó khăn và quan trọng nhất trong nghề điêu khắc, vì đây là khâu tạo ra những hình khối cân đối và hợp lý. Một tác phẩm phải mất từ 1 đến 3 tháng, bởi nghề điêu khắc gỗ không chỉ đòi hỏi sự tỉ mỉ, kiên trì mà nó còn đề cao tính nghệ thuật, thẩm mỹ...

Anh Lê Văn Tú bên những tác phẩm do mình tạo ra.
Anh Lê Văn Tú bên những tác phẩm do mình tạo ra.

Yêu nghề điêu khắc gỗ bằng sự say mê, bởi vậy trong mỗi tác phẩm anh Tú đều tìm tòi để làm sao trong quá trình chạm khắc phải đẹp và có hồn khi đó tác phẩm mới thực sự thành công. Có lẽ, chính sự dày công này đã giúp cho anh Tú tạo được uy tín và niềm tin đối với khách hàng. Cũng chừng đó thôi, nhưng với anh đó chính là niềm vui trong cuộc đời làm nghề của mình.

 
 “Anh Tú luôn năng nổ trong các hoạt động Đoàn, anh mở xưởng mộc để phát triển kinh tế và theo đuổi niềm đam mê của mình. Khó khăn nhất hiện nay là nguồn vốn, nên mong các cấp ngành, đoàn thể tạo điều kiện giúp anh có thêm nguồn vốn hoạt động”.
 
Anh Trần Văn Pháp – Phó Bí thư Đoàn xã Cư Né, huyện Krông Búk

Nhìn những tác phẩm của anh mới thấy được những kỳ công và sáng tạo trong cách chạm trổ thật chi tiết. Từ những gốc cây xù xì vô tri vô giác, dưới bàn tay và óc sáng tạo của anh đều trở thành tác phẩm nghệ thuật sinh động. Càng với những chất liệu gỗ khác nhau như gốc cây có hình dáng lạ càng khơi gợi trong anh những cảm hứng sáng tạo để chế tác nên các tác phẩm độc đáo, lạ mắt, có tính nghệ thuật cao. Chẳng hạn như tác phẩm “Bộ 3 tượng Phúc Lộc Thọ”. Cho dù được làm bằng gỗ gì đi chăng nữa, nhưng chú trọng nhất vẫn là nét biểu cảm trên gương mặt: nét thịnh vượng, may mắn, tươi tắn… sau đó là đến hình dáng. Vì một bộ có 3 tượng nên độ chính xác phải tương đối cao, không để bị lệch về kích thước…Theo anh Tú, thực hiện việc chạm trổ để cho ra đời một tác phẩm không khó, mà tác phẩm đó phải có ý nghĩa, mang dáng dấp riêng mới là quan trọng.

Việc theo học nghề điêu khắc gỗ không chỉ làm giàu cho bản thân, mà anh Tú còn xem đây còn là “sứ mệnh” để giữ gìn, phát triển nghề truyền thống. Bởi người thầy dạy điêu khắc gỗ đầu tiên của anh là ông Hoàng Văn Minh (Buôn Mùi 3, xã Cư Né, huyện Krông Búk) luôn trăn trở về nghề này. Ông sợ sau này già yếu rồi thì không ai nối nghiệp. Nhưng sự phát triển nghề của anh Tú đã khiến sự lo lắng của ông phần nào vơi đi, vì người thợ trẻ ông đào tạo từ những nét chạm băng sơ ngày nào nay đã trở thành người thợ lành nghề, tiếp nối các bậc tiền bối trong nghề. “Cháu Tú làm rất tốt, chịu khó học hỏi, trong 3 năm nay, cháu đã làm được tương đối nhiều sản phẩm cao cấp, nói chung hàng tranh, hàng tượng đôi khi thầy phải chỉ bảo, còn mấy phần khác cháu tự làm được rồi”, ông Minh hồ hởi cho biết.

Anh Lê Văn Tú say mê với công việc điêu khắc trên gỗ.
Anh Lê Văn Tú say mê với công việc điêu khắc trên gỗ.

 Hơn 3 năm ra nghề, anh Tú không ngừng tạo ra những tác phẩm mỹ nghệ đa dạng, độc đáo và đặc sắc. Từ việc mở xưởng mộc và điêu khắc gỗ mỹ nghệ, anh Tú có thu nhập hơn 400 triệu đồng/năm, tạo việc làm cho 4 lao động tại địa phương và giúp cho một số thanh niên trong xã học nghề tại cơ sở.

Không chỉ là một nghệ nhân điêu khắc gỗ, anh Tú còn tham gia nhiệt tình các phong trào Đoàn thanh niên địa phương, tham gia hiến máu… Hiện nay anh là Bí thư Chi đoàn buôn năng nổ, được nhiều bạn trẻ trong xã, huyện biết đến và học tập.

Mai Sao


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.