Chuyện học bơi ngày hè của trẻ em nông thôn
Học bơi ngày hè là một hoạt động rèn luyện phổ biến và không còn quá xa lạ hiện nay, thế nhưng đối với trẻ em vùng nông thôn lại không hề dễ dàng khi điều kiện cơ sở vật chất còn thiếu thốn. Và khoảng gần một tháng nay, tại thôn Quỳnh Ngọc 1, xã Ea Na (huyện Krông Ana), đã có một lớp học bơi được hình thành ngay tại hồ nước của một hộ dân trong thôn.
Chúng tôi đã tìm về thôn Quỳnh Ngọc 1 vào một chiều đầu tháng 8 để tìm hiểu chuyện học bơi của trẻ em nơi đây. Trên mặt hồ nước có diện tích khoảng 300 m2, dưới sự chỉ dẫn của huấn luyện viên, hơn 20 đứa trẻ độ tuổi từ 6 đến 12 tuổi đang thực hiện những đường bơi cực kỳ thành thạo khiến chúng tôi không khỏi ngạc nhiên. Chị Phạm Thị Nhuần (30 tuổi, trú tại thôn Quỳnh Ngọc 1), người trực tiếp đứng lớp chia sẻ, vào đầu tháng 7, khi con cháu của chị được nghỉ hè, sẵn có hồ nước sạch gần nhà, không lắng bùn, không nuôi cá nên chị đã dùng hồ để dạy bơi cho con và cháu trong gia đình vào mỗi buổi chiều. Về sau, nhiều người trong vùng biết liền tìm đến xin cho con họ theo học. Cũng theo chị, hồ nước được đào theo kiểu thoải dốc, gần bờ rất nông lại có hệ thống tháo nước ra vào để điều chỉnh mực nước, có thể đảm bảo độ an toàn được nên chị mới dám nhận dạy bơi cho các em. Đây là lớp học hoàn toàn miễn phí, ai có nguyện vọng muốn biết bơi đến xin học thì chị nhận dạy, như một cách để trang bị thêm kỹ năng phòng tránh đuối nước cho trẻ em.
Khi tham gia lớp học, các em sẽ được hướng dẫn những kiểu bơi cơ bản. |
Được biết, gia đình chị Nhuần vốn thuần nông nên ngay từ nhỏ chị đã học bơi và làm quen với ao hồ, sông suối. Ngoài sự chỉ dạy của người lớn, chị thường tìm hiểu kỹ thuật bơi trên mạng để rèn luyện sức khỏe hằng ngày, đến nay chị đã có thể bơi được nhiều kiểu bơi với thành tích khá. Tuy chỉ làm nông nhưng chị Nhuần được người dân trong vùng ví là “con rái cá” của thôn Quỳnh Ngọc 1.
Để đảm bảo độ an toàn cho trẻ, nước trong hồ luôn được giữ ở mức từ 1m - 2m theo độ nông sâu từ gần đến xa bờ. Bên cạnh đó, ngoài chị Nhuần trực tiếp đứng lớp, hướng dẫn kỹ thuật cơ bản còn có bốn người (chủ yếu là anh em, họ hàng của chị Nhuần) tham gia “trợ giảng” và phụ huynh của các em học viên thường xuyên túc trực, cùng xuống hồ để tập luyện, quan sát.
Khi tham gia lớp học, các em sẽ được hướng dẫn các kỹ năng cơ bản về môn bơi lội, kỹ thuật bơi, thực hành các kiểu bơi cơ bản như: bơi sải, bơi ngửa, bơi bướm… Đối với những em chưa biết bơi sẽ được sử dụng phao và tập bơi ở chỗ cạn, khi thành thạo, dưới sự dẫn dắt của người lớn sẽ được bơi ra xa hơn. Sau gần một tháng, lớp học đã thu hút hơn 50 học viên (độ tuổi từ 6 đến 12 tuổi) không chỉ ở thôn Quỳnh Ngọc 1 mà cả những thôn lân cận tham gia, được chia làm hai lớp và hơn một nửa trong số đó sau khi theo học đã biết bơi. Chị Nguyễn Thị Phương (thôn Tân Lập, xã Ea Na) cho biết, lúc đầu chị cho con trai 7 tuổi ra thị trấn Buôn Trấp học bơi, thế nhưng quãng đường đi rất xa nên đi được vài buổi lại nghỉ. Khi nghe tin có lớp dạy bơi ở xã Ea Na, lúc đầu chị cũng ái ngại về độ an toàn nên đã đến trước xem tình hình dạy bơi ở hồ như thế nào. Tận mắt chứng kiến các em ở đây học bơi, trở về chị quyết định cho con đến học. Chỉ sau một tuần, con trai của chị đã có thể bơi được khiến chị rất hài lòng.
Các phụ huynh túc trực xung quanh hồ bơi. |
Cứ thế, từ 16 giờ 30 đến 18 giờ mỗi chiều, những đứa trẻ lại nô nức kéo nhau đến thôn Quỳnh Ngọc 1 để học bơi. Đặc biệt, nhiều phụ huynh chưa biết bơi, khi đưa con em đến học cũng xuống hồ nhờ “thầy cô” dạy. Mỗi lần học xong, lên bờ sẽ có một nhà tắm và bể nước sạch để các em có thể tắm lại nếu có nhu cầu.
Thiết nghĩ, khi điều kiện cơ sở vật chất chưa có, việc dạy bơi tại nhà cho trẻ em nông thôn cũng là một giải pháp để các em có thể tự bảo vệ mình, góp phần hạn chế các tai nạn đuối nước xảy ra trong mùa mưa bão (bởi tình trạng đuối nước thường xảy ra nhiều nhất ở vùng nông thôn). Tuy nhiên, cần chú ý đến độ vệ sinh của môi trường nước, sau mỗi lần bơi trẻ em cần tắm rửa sạch sẽ bằng xà phòng diệt khuẩn. Đặc biệt, khi tham gia bơi cần có sự giám sát của huấn luyện viên và người lớn để đảm bảo sự an toàn cho trẻ.
Huyền Diệu
Ý kiến bạn đọc