Multimedia Đọc Báo in

Cựu chiến binh huyện Krông Bông giúp nhau phát triển kinh tế

11:08, 21/08/2018

Giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo là một trong những phong trào thiết thực và ý nghĩa đang được Hội Cựu chiến binh (CCB) huyện Krông Bông quan tâm đẩy mạnh, góp phần giúp các hội viên phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo.

Hội CCB huyện Krông Bông hiện có 1.772 hội viên, sinh hoạt tại 18 cơ sở hội. Trong những năm qua, để tạo điều kiện cho hội viên có vốn phát triển kinh tế, Hội CCB huyện đã vận động hội viên đóng góp xây dựng Quỹ Giúp nhau xóa đói giảm nghèo. Đến nay, nguồn quỹ có khoảng 2,6 tỷ đồng, đã giúp 436 lượt hộ CCB có hoàn cảnh khó khăn vay vốn với lãi suất thấp hoặc không lãi suất để phát triển kinh tế gia đình. Bên cạnh đó, Hội còn đứng ra tín chấp với  Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho 2.749 hộ hội viên vay, với số tiền hơn 77 tỷ đồng. Hầu hết các hội viên sử dụng nguồn vốn hợp lý, phát triển kinh tế hiệu quả, đời sống hội viên được nâng lên rõ rệt.

Hội CCB xã Hòa Thành là một trong những đơn vị tiêu biểu trong việc hỗ trợ giúp đỡ nhau phát triển kinh tế bằng cách đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hội viên mạnh dạn áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất, chuyển đổi giống cây trồng vật nuôi, tập trung xây dựng quỹ hội… Đến nay, nguồn quỹ của Hội CCB xã Hòa Thành đã lên đến 256 triệu đồng, cùng với tín chấp Ngân hàng Chính sách xã hội hơn 4 tỷ đồng đã hỗ trợ các hội viên phát triển kinh tế gia đình. Cùng với đó, Hội luôn thực hiện giám sát, kiểm tra việc sử dụng nguồn vốn của hội viên, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Nhờ vậy, nhiều hội viên đã mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế hiệu quả, cải thiện cuộc sống, đã có 18 hội viên phát triển mô hình kinh tế ao vườn, gia trại vừa và nhỏ. Đến nay, CCB xã có tỷ lệ hội viên giàu và khá chiếm 37%; hội viên nghèo chỉ còn 1 hộ.

Cán bộ Hội Cựu chiến binh xã Hòa Khánh đến thăm mô hình kinh tế của gia đình ông Bùi Minh Lộc (bìa phải). ẢNh: P.Thảo
Cán bộ Hội Cựu chiến binh xã Hòa Khánh đến thăm mô hình kinh tế của gia đình ông Bùi Minh Lộc (bìa phải). ẢNh: P.Thảo

CCB Bùi Minh Lộc (SN 1964, thôn 1, xã Hòa Thành) trước đây điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, nhưng với ý chí và bản lĩnh của người lính Cụ Hồ và sự chia sẻ, giúp đỡ của các hội viên trong Hội, ông đã đầu tư phát triển kinh tế vườn ao chuồng (VAC). Đến nay ông Lộc đã có 4 ha trồng cà phê xen tiêu, ao cá, nuôi bò và lợn. Sau khi trừ hết chi phí mỗi năm ông Lộc thu được 400 - 600 triệu đồng. Không những là CCB làm kinh tế giỏi ông còn tích cực trong các phong trào của địa phương, phong trào Hội và sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm giúp đỡ hội viên cùng nhau phát triển kinh tế. Hay CCB Nguyễn Hồng Khoan (thôn 6, xã Hòa Thành) sau khi được vay vốn Ngân hàng Chính sánh xã hội cũng đã đầu tư xây dựng mô hình kinh tế VAC, hằng năm thu lãi hàng trăm triệu đồng, cải thiện cuộc sống gia đình, phát triển kinh tế bền vững.

Không chỉ giúp nhau phát triển kinh tế, nhiều hội viên CCB huyện Krông Bông còn gương mẫu đi đầu tham gia các hoạt động tình nghĩa, thường xuyên động viên, thăm hỏi các hội viên và thân nhân hội viên lúc đau ốm, tai nạn rủi ro; thi đua sản xuất kinh doanh giỏi; xây dựng nông thôn mới; quản lý bảo vệ rừng…      

Ông Nguyễn Ngọc Minh, Phó Chủ tịch Hội CCB huyện Krông Bông cho biết, CCB huyện phát động phong trào thi đua “Giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo” đã tạo động lực cho các hội viên phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, đến nay, tỷ lệ hội viên nghèo toàn huyện giảm còn 18%. Trong thời gian tới, Hội CCB huyện sẽ tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức cơ sở hội, mở các lớp tập huấn cho hội viên tham gia học hỏi, chuyển giao khoa học kỹ thuật để vận dụng trong phát triển kinh tế gia đình, phát triển thế mạnh kinh tế của địa phương, góp phần vào công cuộc xây dựng nông thôn mới.

Phương Thảo

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.