Multimedia Đọc Báo in

Học làm chiến sĩ Công an: Trải nghiệm để trưởng thành

08:10, 12/08/2018

Kết thúc chương trình “Học làm chiến sĩ Công an” năm 2018, những cô bé, cậu bé chia tay các đội trưởng để về với ba mẹ. Những trải nghiệm thực tế tuy ngắn ngủi, nhưng lại giúp các em trưởng thành hơn, với mơ ước sẽ trở thành người chiến sĩ công an nhân dân.

Ngồi chăm chú theo dõi các em nhỏ được trao chứng nhận hoàn thành chương trình học, em Lê Thương, 17 tuổi (thị trấn Ea Đrăng, huyện Ea H’leo) cho hay, em được ba mẹ cho về TP. Hồ Chí Minh học cấp 3 tại Trường THPT Nguyễn Khuyến (quận Tân Bình). Xa nhà cả năm học, đến kỳ nghỉ hè ở nhà chỉ được một tháng, nhưng ba mẹ lại đăng ký để em vào học kỳ công an nên lúc đầu em rất buồn. Nhưng sau khi cùng các anh, chị trải qua những ngày khổ luyện, em hiểu ra được những việc làm ý nghĩa, những đặc thù bề nổi của ngành Công an.

Khác với tâm trạng suy tư của Thương, em H’Quyên Hwing, 13 tuổi ở xã Cuôr Đăng (huyện Cư M’gar) lại đang rất phấn khởi bởi trong chương trình năm nay, em đã là một trong 6 chiến sĩ công an nhí xuất sắc, góp phần vào sự thành công của chương trình. Em vẫn còn nhớ cách đây một năm, ngày cuối năm học khi trời vừa dứt cơn mưa, em bước ra khỏi cổng trường, bỗng nghe một người phụ nữ lớn tuổi đang chạy xe máy trên đường hô hoán “cướp, cướp”... Lúc ấy, có hai chú công an giao thông cũng trú mưa gần đó, lập tức lao ra phóng xe bắt gọn tên cướp. Chuyện ấy diễn ra rất nhanh, nhưng với những gì nhìn thấy khiến em nể phục các chú công an. Đó cũng là lý do mà em cố gắng hoàn thành tốt chương trình “Học làm chiến sĩ Công an” và mơ ước sau này sẽ trở thành một nữ cảnh sát giao thông.

Chiến sĩ nhí hào hứng với thực hành kỹ năng phòng cháy chữa cháy.
Chiến sĩ nhí hào hứng với thực hành kỹ năng phòng cháy chữa cháy.

Chương trình “Học làm chiến sĩ công an” lần thứ nhất năm 2018 với chủ đề “Con đã trưởng thành” do Đoàn thanh niên Công an tỉnh phối hợp với Trung tâm huấn luyện kỹ năng Tỉnh Đoàn tổ chức. Trải qua 6 ngày, 79 chiến sĩ nhí đã được trải nghiệm thực tế môi trường sinh hoạt, rèn luyện trong lực lượng Công an nhân dân. Với phương châm “học mà chơi, chơi mà học”, sau một thoáng rụt rè ban đầu, thì giờ đây các chiến sĩ nhí đã trở nên tự tin với những kiến thức được học tập như: phương pháp phòng cháy chữa cháy; điều khiển xe an toàn trên đường; kỹ năng thực hành xã hội; kỹ năng giao tiếp ứng xử; kỹ năng giao tiếp ở tuổi học trò; kỹ năng phòng tránh và chống xâm hại tình dục ở trẻ em... “Mỗi ngày học là một ngày vui, thêm được rất nhiều kiến thức. Với em, khó khăn nhất là mỗi buổi sáng, trong người vẫn còn mệt mỏi nhưng vẫn phải thức dậy sớm, gấp chăn thật gọn và vuông góc. Qua 6 ngày học, em đã rút ra được bài học lớn lao cho bản thân mình rằng trong cơn mệt mỏi nếu một việc nhỏ nhất mà không làm được thì sau này việc lớn rất khó hoàn thành”. Đó là câu nói tự tin của em Huỳnh Vương Trúc Diễm, học sinh Trường Tiểu học Lê Hồng Phong (thị trấn Krông Kmar, huyện Krông Bông).

Dù thời gian không dài, nhưng nhờ được rèn luyện, giáo dục trong môi trường kỷ cương, nền nếp, các em đã có thời gian giao tiếp, tâm sự, chia sẻ với nhau, từ đó tăng thêm tình đoàn kết, gắn bó giữa các chiến sĩ nhí; nhiều em, nhất là những “cậu ấm, cô chiêu” đã trưởng thành, tự tin, chín chắn hơn; có tinh thần tập thể, biết sống tự lập và trách nhiệm hơn đối với bản thân, gia đình và xã hội.

Đại tá Đoàn Quốc Thư, Phó Giám đốc Công an tỉnh nhấn mạnh: Sự phát triển của công nghệ đã khiến trẻ em ngày càng thụ động hơn trong việc giải quyết các tình huống tự mình gặp phải. Học kỳ công an sẽ phần nào giúp các em trong độ tuổi từ 9 - 20 tuổi có thêm kỹ năng sống, giảm bớt sự rụt rè, dựa dẫm vào gia đình, tự tin trong cuộc sống. Mỗi một trải nghiệm, tình huống cụ thể là biện pháp tích cực để trẻ em có thể học và đối phó và qua đó giúp các em trưởng thành hơn...

Hoàng Ân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.