Multimedia Đọc Báo in

Huyện Đoàn Ea H'leo - Hiệu quả từ việc đổi mới hình thức sinh hoạt chi đoàn

12:19, 22/08/2018

Thời gian qua Huyện Đoàn Ea H’leo đã có nhiều giải pháp nâng cao chất lượng sinh hoạt chi đoàn ở các khu dân cư, trong đó nổi bật là mô hình “Sinh hoạt cụm chi đoàn” với những nội dung mới đã thu hút, tập hợp được đông đảo đoàn viên thanh niên (ĐVTN) tham gia.

Nhiều năm nay, Đoàn xã Ea Nam (huyện Ea H’leo) đã triển khai mô hình “Sinh hoạt chi đoàn cụm” theo hình thức ghép từ 2 đến 3 chi đoàn thành một cụm và luân phiên tổ chức sinh hoạt theo định kỳ 2 tháng 1 lần. Tuy nhiên, bắt đầu từ đầu năm nay, việc sinh hoạt đã có nhiều đổi mới khi các hoạt động như giao lưu văn nghệ, thể dục thể thao được tổ chức một cách bài bản và quy mô hơn, được lồng ghép trong các buổi sinh hoạt chính trị. Mô hình mới này đang thu hút nhiều ĐVTN tại các thôn, buôn đến tham gia sinh hoạt, góp phần nâng cao chất lượng công tác xây dựng tổ chức Đoàn, đổi mới phương thức đoàn kết, tập hợp thanh niên tại Ea Nam.

Một buổi sinh hoạt cụm chi đoàn của đoàn xã Ea Khal. Ảnh: B.Châu
Một buổi sinh hoạt cụm chi đoàn của đoàn xã Ea Khal. Ảnh: B.Châu

Để thực hiện đổi mới và nâng cao chất lượng sinh hoạt Đoàn, trước tiên là đổi mới trong nội dung sinh hoạt. Bên cạnh việc tổ chức hoạt động giáo dục truyền thống, chính trị cho ĐVTN, Huyện Đoàn Ea H’leo đã hướng dẫn các chi đoàn tổ chức các hội thi, các buổi giao lưu văn nghệ, chơi các trò chơi dân gian… tạo điều kiện cho đoàn viên các chi đoàn giao lưu, học hỏi lẫn nhau và đặc biệt là làm tăng số lượng ĐVTN tham gia. Đây là điểm mới và cũng là năm đầu tiên Huyện Đoàn Ea H’leo tổ chức sinh hoạt dưới hình thức này.

Anh Bế Đình Anh (Phó Bí thư Huyện Đoàn Ea H’leo) chia sẻ, tháng 6 và tháng 7 là hai tháng cao điểm do nhiều ĐVTN nghỉ hè nên Huyện Đoàn chủ trương cho các đoàn xã tổ chức sinh hoạt cả ngày, mỗi tháng một lần và sẽ diễn ra như “một ngày hội”. Theo đó, buổi sáng sẽ sinh hoạt tuyên truyền chính trị còn buổi chiều sẽ diễn ra các hoạt động văn hóa, văn nghệ... Để tập hợp và “giữ chân” ĐVTN trong các buổi sinh hoạt, Huyện Đoàn chủ trương kêu gọi các hoạt náo viên hoặc những ĐVTN có khả năng dẫn dắt, khuấy động phong trào trực tiếp điều hành các hoạt động trên chứ không nhất thiết phải là thành viên trong Ban chấp hành các chi đoàn.

Ngoài ra, Đoàn cơ sở có thể mời Ban chấp hành các chi đoàn tham dự một buổi sinh hoạt có chất lượng cao của chi đoàn bạn để học hỏi kinh nghiệm tổ chức. Điển hình như Đoàn xã Ea Tir, do thôn, buôn ít, dân cư phân bố thưa thớt và kỹ năng tổ chức sinh hoạt Đoàn còn yếu nên Huyện Đoàn đã tăng cường lực lượng của Chi đoàn thị trấn Ea Đrăng tham gia sinh hoạt cùng. Đến nay, một số xã khác trên địa bàn đã và đang triển khai thực hiện tốt việc liên kết chi đoàn để tổ chức các hoạt động, như Đoàn thị trấn Ea Đrăng, xã Ea Khal, Ea Wy. Cùng với đó, các liên chi đoàn còn thành lập những câu lạc bộ, tổ đội nhóm theo sở thích. Tiêu biểu như ở Ea Sol thành lập được 3 đội cồng chiêng, hay câu lạc bộ  kỹ năng ở thị trấn Ea Đrăng... Đây chính là những hạt nhân trong các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao ở địa phương, tạo sức lan tỏa đối với các ĐVTN.

Huyện Đoàn Ea H’leo hiện có 12 đoàn xã, thị trấn với 192 chi đoàn thôn, buôn. Qua năm đầu tiên triển khai đổi mới hình thức sinh hoạt cụm chi đoàn, bước đầu đã thành công trong việc thu hút đông đảo ĐVTN tham gia hơn so với những năm trước, tỷ lệ tập hợp ĐVTN của mỗi xã đoàn trung bình đạt gần 80%, tạo không khí sôi nổi, năng động trong các buổi sinh hoạt và nhận được đánh giá cao từ Đoàn cấp trên. Tuy nhiên, vì điều kiện của các xã vùng sâu vùng xa như Ea Tir, Ea Hiao... việc sinh hoạt liên chi đoàn vẫn gặp nhiều hạn chế trong việc tập hợp ĐVTN. Về lâu dài, mô hình sinh hoạt cụm chi đoàn lồng ghép những nội dung mới sẽ được triển khai tới từng chi đoàn thôn, buôn để giải quyết vấn đề địa lý, đồng thời tập hợp được tối đa lượng ĐVTN và vẫn duy trì được hình thức sinh hoạt định kỳ theo Điều lệ Đoàn quy định.

Băng Châu


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.