Multimedia Đọc Báo in

Phòng, chống tội phạm trong thanh thiếu niên: Đa dạng hóa công tác tuyên truyền

08:51, 02/08/2018

Trong công tác phòng, chống tội phạm xã hội và tệ nạn ma túy trong thanh thiếu niên, ngoài việc nâng cao nhận thức, hiểu biết về pháp luật thì đòi hỏi mỗi thanh thiếu niên, học sinh phải là một tuyên truyền viên tích cực để góp phần giữ gìn môi trường sống lành mạnh...

Theo số liệu thống kê của cơ quan chức năng, trong 6 tháng đầu năm 2018, toàn tỉnh đã xảy ra 63 vụ thanh thiếu niên vi phạm pháp luật với 99 đối tượng phạm tội. Trước tình hình thanh, thiếu niên vi phạm pháp luật và bị lôi kéo, mua chuộc tham gia vào các tệ nạn xã hội đang có chiều hướng gia tăng, thời gian qua, các cấp, ngành, địa phương đã có nhiều hình thức tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức cho đoàn viên, thanh niên về tác hại cũng như hệ lụy khôn lường mà các loại tệ nạn gây ra. Mới đây nhất, Công an tỉnh và Tỉnh Đoàn phối hợp với Ban chỉ đạo NQLT số 01/TW về “Quản lý, giáo dục người thân trong gia đình không phạm tội và tệ nạn xã hội” và NQLT số 03/TW về “Phối hợp hành động phòng, chống ma túy trong thanh thiếu niên” (gọi tắt là Ban Chỉ đạo NQLT 01,03/TW) đã tổ chức buổi truyền thông về phòng, chống tội phạm xã hội và tệ nạn ma túy trong thanh thiếu niên.

Đoàn viên, thanh thiếu niên hào hứng tham gia buổi giao lưu và tuyên truyền.
Đoàn viên, thanh thiếu niên hào hứng tham gia buổi giao lưu và tuyên truyền.

Tại chương trình, thông qua những tiểu phẩm liên quan đến những vấn đề nổi cộm như: bạo lực học đường, tệ nạn ma túy, xâm hại tình dục trẻ em, phòng chống tà đạo... đã cung cấp cho các em học sinh, thanh thiếu niên trên địa bàn tỉnh những kỹ năng phòng tránh các tệ nạn xã hội, lồng ghép vào đó nhiều thông điệp cuộc sống có giá trị nhân văn. Đơn cử, với tiểu phẩm “Nếu được quay trở lại” của Đoàn trường Trường Đại học Tây Nguyên, thông điệp gửi đến các bạn thanh thiếu niên không chỉ là vấn đề sa sút đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử của một bộ phận học sinh hiện nay mà trên hết đó là hãy biết yêu thương, không kỳ thị, phân biệt chia bè phái, không được gây sự đánh nhau khiến mình tự trở thành tội phạm. Hay như với tiểu phẩm “Đừng im lặng” của Huyện Đoàn Cư M’gar đã phản ánh một thực tế hiện nay khi việc im lặng, không dám tố cáo tội phạm xâm hại tình dục trẻ em vì sợ ảnh hưởng đến danh dự, cuộc sống gia đình đã vô tình tiếp tay cho kẻ phạm tội tiếp tục gây tội ác và nhởn nhơ sống ngoài vòng pháp luật.

Bạn Nguyễn Văn Quý, một đoàn viên chia sẻ, việc tổ chức giao lưu và tuyên truyền này là một hoạt động rất thiết thực, ý nghĩa. Đây là cơ hội để các bạn trẻ nhận biết được những dấu hiệu, hành vi vi phạm pháp luật để tránh cũng như không sa ngã vào các tệ nạn xã hội. Hơn thế nữa, thông qua chương trình, em còn được trang bị một số kỹ năng để tự bảo vệ mình trước những cám dỗ của cuộc sống. Theo báo cáo của đại diện Cục Chính trị Cảnh sát tại buổi truyền thông, đa số người phạm tội và vướng vào các tệ nạn xã hội đều ở lứa tuổi thiếu niên. Mặt khác, một bộ phận không nhỏ đối tượng bị xâm hại trong thời gian qua cũng nằm trong độ tuổi vị thành niên. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này trước hết do mỗi bạn trẻ chưa ý thức và tự giác trong việc bảo vệ mình và bạn bè trước hiểm họa rình rập của các tệ nạn xã hội. Bên cạnh đó, sự thiếu quan tâm chăm sóc của người thân trong gia đình; việc thiếu giáo dục đạo đức, kỹ năng sống, văn hóa ứng xử, cùng với sự bùng nổ của công nghệ thông tin đã ảnh hưởng không nhỏ đến nhận thức, hành vi của giới trẻ hiện nay.

Tiểu phẩm “Đừng im lặng” của Huyện Đoàn Cư M’gar với chủ đề phòng chống xâm hại tình dục trẻ em. Ảnh: T.Hồng
Tiểu phẩm “Đừng im lặng” của Huyện Đoàn Cư M’gar với chủ đề phòng chống xâm hại tình dục trẻ em. 

Anh Nguyễn Ngọc Hoàng, Phó Bí thư Tỉnh Đoàn cho biết: “Thời gian qua, các cấp bộ Đoàn trên địa bàn tỉnh đã có nhiều hoạt động trong công tác tuyên truyền phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội trong đoàn viên thanh niên. Để công tác phòng, chống tội phạm xã hội, tệ nạn ma túy trong thanh, thiếu niên đạt hiệu quả hơn, tổ chức Đoàn sẽ đa dạng hóa hoạt động giáo dục, tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng, từng địa phương”. Song song đó, để hạn chế tình trạng vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội trong lứa tuổi thanh thiếu niên, cùng với việc duy trì có hiệu quả các mô hình, câu lạc bộ thanh niên xung kích phòng, chống ma túy, tệ nạn xã hội thì việc xây dựng các hoạt động văn hóa, giải trí lành mạnh, bổ ích đối với từng lứa tuổi nhằm tạo ra các sân chơi cũng là cách giúp thanh, thiếu niên tránh xa các tệ nạn xã hội.

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.