Multimedia Đọc Báo in

Ấm áp mùa trăng yêu thương

07:28, 24/09/2018

Với mong muốn đem đến một mùa Trung thu ấm áp, đong đầy niềm vui cho các em thiếu nhi, những ngày qua nhiều hoạt động và việc làm ý nghĩa dành cho tuổi thơ, đặc biệt là trẻ em có hoàn cảnh khó khăn đã được các cấp, ngành, hội nhóm thiện nguyện tổ chức.

Hơn 700 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn đến từ các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh sẽ khó có thể nào quên giây phút ấm áp, nhiều ý nghĩa khi tham dự Chương trình “Vui Trung thu với trẻ em các dân tộc tỉnh Đắk Lắk” do Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam phối hợp với Sở LĐ-TBXH tổ chức trong đêm 21-9 vừa qua. Tại chương trình, trên 700 phần quà, 150 suất học bổng (mỗi suất trị giá 1,5 triệu đồng), 50 chiếc xe đạp (mỗi chiếc trị giá 1,7 triệu đồng) và 5 hợp đồng bảo hiểm nhân thọ (mỗi hợp đồng trị giá 20 triệu đồng), với tổng trị giá hơn 1 tỷ đồng đã được trao tặng các em thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn.

Em Trịnh Quốc Phi học sinh của Cơ sở Nuôi dạy trẻ khuyết tật Vi Nhân (TP. Buôn Ma Thuột) nói trong xúc động: “Tham dự chương trình em cảm nhận được tình cảm yêu thương, ấm áp của các bác, các cô, chú, anh, chị dành cho chúng em. Đây là sự khuyến khích, động viên chúng em nỗ lực học tập, phấn đấu hơn nữa để đạt nhiều thành tích tốt, hòa nhập với cộng đồng...”.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh H’Yim Kđoh và đại diện Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ AIA Việt Nam trao hợp đồng bảo hiểm tặng các em có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: H.Gia
Phó Chủ tịch UBND tỉnh H’Yim Kđoh và đại diện Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ AIA Việt Nam trao hợp đồng bảo hiểm tặng các em có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: H.Gia

Còn em H’Uyên Bkrông, học sinh lớp 9B, Trường THCS Nguyễn Đức Cảnh đến từ buôn M’Hăng, xã Cư Huê (huyện Ea Kar) bày tỏ: “Đây là lần đầu tiên em được tham dự chương trình và thấy rất vui khi được giao lưu văn nghệ, gặp nhiều bạn mới. Em rất tự hào, xúc động được nhận học bổng của chương trình, em xin hứa sẽ cố gắng học tập hơn nữa để không phụ sự quan tâm của mọi người...”.

Nằm trong chuỗi các hoạt động vui Trung thu cho thiếu nhi, Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh (Sở LĐ-TBXH) đã phối hợp với UBND xã Ea Hu (huyện Cư Kuin) và Quỹ Hiểu về trái tim tổ chức Chương trình “Trung thu yêu thương lần thứ 9 - năm 2018”, trong đó đã trao 200 suất quà (mỗi suất trị giá 350 nghìn đồng) và 20 suất học bổng (mỗi suất 1 triệu đồng) tặng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của xã Ea Hu. Đồng thời Sở cũng đã phối hợp với Tỉnh Đoàn, UBND thị xã Buôn Hồ tổ chức Chương trình “Đêm hội trăng rằm – năm 2018” tại thị xã Buôn Hồ. Nhiều hoạt động ý nghĩa đã được triển khai nhân dịp này như: khám mắt, cấp thuốc miễn phí cho 250 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn và tặng 50 kính thuốc với tổng trị giá 30 triệu đồng; trao 30 chiếc xe đạp (mỗi chiếc trị giá 1,5 triệu đồng); trao 50 suất học bổng (mỗi suất 1 triệu đồng); 188 suất quà (mỗi suất 150 nghìn đồng) tặng các em có hoàn cảnh khó khăn và 1.500 phần quà tặng các em thiếu nhi tham gia chương trình...

 
“Năm 2018, Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh đã vận động các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tài trợ học bổng, xe đạp, bảo hiểm... tặng trẻ em vùng sâu, vùng xa trong các chương trình Trung thu. Nhờ sự quan tâm của các cấp, ngành cũng như sự đóng góp, ủng hộ của các tổ chức, cá nhân, đơn vị tài trợ đã tạo động lực, là sự khích lệ để các em nỗ lực trong học tập và vươn lên trong cuộc sống...”.
 
 Ông Lâm Đình Nhiên - Giám đốc Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh

Cùng với hàng loạt hoạt động tổ chức Trung thu cho thiếu nhi do các cấp, ngành tổ chức, đã thành truyền thống, ngay từ đầu tháng Tám âm lịch, các câu lạc bộ, hội nhóm thiện nguyện trong và ngoài tỉnh đã sớm bắt tay vào việc vận động, chuẩn bị quà tặng và lên kế hoạch tổ chức Trung thu cho các em ở những vùng sâu, vùng xa, còn nhiều khó khăn trên địa bàn tỉnh. Có thể kể đến là hoạt động của Nhóm tình nguyện “Ước mơ Tây Nguyên” (TP. Buôn Ma Thuột) tổ chức tại xã Yang Mao (huyện Krông Bông) với việc trao 30 chiếc xe đạp, 400 suất quà trung thu, 400 đôi dép, 400 đồ dùng vệ sinh cá nhân (gồm bàn chải, kem đánh răng, xà phòng, khăn mặt), 100 cặp sách cùng nhiều phần quà ý nghĩa như: gạo, nhu yếu phẩm, cây giống tặng các em thiếu nhi và các gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã. Hay như Nhóm từ thiện Cư M’gar liên kết với một số nhóm thiện nguyện trong và ngoài tỉnh tổ chức chương trình Trung thu cho trẻ em ở buôn Mông, xã Ea Kiết (huyện Cư M’gar) với nhiều phần quà được vận động từ các tấm lòng thơm thảo như: 500 suất bánh kẹo, 270 chiếc áo trắng, 500 bút viết, gần 100 tập vở, 20 cặp sách tặng các em học sinh cùng hơn 1.000 quần áo đã qua sử dụng, 10 suất quà (gồm gạo và mì tôm), 2 cặp dê giống (trị giá 4 triệu đồng/cặp dê) tặng 2 gia đình có hoàn cảnh khó khăn, với tổng trị giá các suất quà tặng trong là hơn 30 triệu đồng...

Học sinh xã Tam Giang (huyện Krông Năng) hào hứng xem múa lân dịp Tết Trung thu 2018.     Ảnh: N. Quỳnh
Học sinh xã Tam Giang (huyện Krông Năng) hào hứng xem múa lân dịp Tết Trung thu 2018. Ảnh: N. Quỳnh

Anh Nguyễn Trung Hải, Trưởng Nhóm từ thiện Cư M’gar cho biết: Để chương trình được tổ chức thành công, nhóm đã liên kết với một số nhóm từ thiện trong và ngoài tỉnh vận động sự ủng hộ của các tổ chức, cá nhân; đồng thời có sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ việc chuẩn bị các phần quà, lên kế hoạch chương trình đến hình thức tổ chức cho phù hợp. “Những gì chúng tôi làm được chỉ là một phần rất nhỏ với mong muốn đem lại một mùa Trung thu ấm áp, nhiều ý nghĩa cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Và cũng mong rằng, không chỉ riêng đợt Tết Trung thu này, mà trong nhiều hoạt động khác, nhóm từ thiện sẽ tiếp tục nhận được sự ủng hộ của các nhà hảo tâm để chia sẻ bớt phần nào khó khăn cho trẻ em nói riêng và những mảnh đời bất hạnh nói chung...”, anh Hải tâm sự.

Với tinh thần “tương thân tương ái”, “sẻ chia yêu thương, nhân niềm hạnh phúc”, các hoạt động tổ chức Trung thu cho thiếu nhi, đặc biệt là các em có hoàn cảnh khó khăn, ở những vùng sâu, vùng xa sẽ tiếp tục được lan tỏa mạnh mẽ, thắp lên ngọn lửa yêu thương ấm áp để mỗi mùa Trung thu càng thêm trọn vẹn...

Lan Anh

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.