Multimedia Đọc Báo in

Lao động thời vụ của phụ nữ buôn làng

10:04, 12/09/2018

Ngoài công việc nương rẫy, nhà cửa, nhiều phụ nữ Êđê trên địa bàn xã Cuôr Đăng, huyện Cư M’gar chịu khó tranh thủ thời gian đi làm thêm ở các cơ sở vườn ươm cây giống, hàng quán… trên địa bàn để kiếm thêm thu nhập.

Đã gần 2 năm nay chị H’Nhen Niê (SN 1994, ở buôn Cuôr Đăng B) gắn bó với công việc làm vườn cho một đại lý chuyên ươm các loại cây ăn trái ngay trong buôn mình. Chị cho biết, vợ chồng  chỉ có 3 sào rẫy, hễ công việc ít lại tranh thủ lên vườn ươm làm để có tiền trang trải sinh hoạt hằng ngày. Hơn nữa chỗ làm gần nhà nên rất tiện cho việc đi lại chăm sóc gia đình. Công việc tại đây cũng khá nhẹ nhàng, chỉ là đóng bầu đất, ươm hạt giống, bưng bầu cây giống… Do đã quen với công việc lao động chân tay nên mới làm là bắt nhịp được ngay. Thấy nhu cầu cần nhân công vào mùa giáp hạt tăng nên chị cũng đã giới thiệu thêm các chị em trong xóm đến làm. Không những công việc nhẹ nhàng mà tại đây các chị còn được học kỹ thuật chăm sóc cây giống, nhờ đó áp dụng lên vườn nhà mình để cải tạo lại vườn tược. Tiền công làm tại vườn dao động từ 120 - 150 nghìn đồng/ngày, tùy mức độ nặng nhẹ của công việc.

Chị H’ Nhen làm thêm tại vườn ươm cây giống tại xã Cuôr Đăng (huyện Cư M’gar).
Chị H’ Nhen làm thêm tại vườn ươm cây giống tại xã Cuôr Đăng (huyện Cư M’gar).

Khác với chị H’Nhen, Ami Kiêu, ở buôn Cuôr Đăng A lại lựa chọn công việc phụ rửa chén bát thuê cho trạm dừng chân xe khách cách nhà hơn 1 km. Ban ngày bà khá bận rộn với công việc chăm cháu nhỏ và đàn heo, đàn bò..., cứ mỗi buổi chiều sau khi lo cơm nước tươm tất cho gia đình, Ami Kiêu lại nhanh chân có mặt tại quán cơm. Sở dĩ Ami Kiêu chọn công việc này vì nó phù hợp với sức khỏe của bà, hơn nữa những người làm cùng đều là chị em chung xóm nên cũng vui. Đi làm vừa có thêm tiền đi chợ cho gia đình, Ami Kiêu vừa được đem đồ ăn thừa về cho heo, gà. Bên cạnh đó, công việc ở ngoài giúp Ami Kiêu cảm thấy thoải mái hơn sau những giờ quanh quẩn ở nhà.

Ngoài làm tại vườn ươm, rửa chén thuê, nhiều chị em rủ nhau đi mót khoai lang tại những vựa gần nhà sau mỗi vụ thu hoạch. Đây là công việc thu hút khá nhiều người tham gia. Trung bình mỗi ngày mót 40-50 kg, có ngày nào “trúng quả” mót được hơn một tạ, với giá bán 8-12 nghìn đồng/kg, tùy loại, thu về từ vài trăm nghìn đến một triệu đồng/ngày. Tuy nhiên, công việc mót khoai cũng không hề đơn giản, đòi hỏi người mót phải nhanh nhẹn, có sức khỏe tốt cùng sự kiên nhẫn cao. Để có thể mót được nhiều khoai, trước đó họ phải thường xuyên đi thăm dò nhiều nơi nhằm biết chính xác vựa khoai chuẩn bị thu hoạch rồi tìm chủ vựa xin “mót”. Mỗi chuyến đi như vậy phải thức dậy từ sớm chuẩn bị đồ ăn, nước uống đem theo. Buổi chiều phải cử người lái xe công nông đến chở khoai cho cả nhóm rồi đem bán luôn. Chị H’Ngem cho biết: "Đâu cần phải vất vả đi xa để kiếm việc làm, trong khi gần nhà nhu cầu tuyển người làm ở các rẫy cao su, vựa khoai lang rất lớn. Mình bình thường cũng đi làm công gom khoai, hết mùa khoai mới chuyển sang đi mót".

Tranh thủ lúc nông nhàn, chị em nhận tách nhân hạt điều để tăng thu nhập.
Tranh thủ lúc nông nhàn, chị em nhận tách nhân hạt điều để tăng thu nhập.

Có thể thấy, hiện nay trên địa bàn tỉnh có nhiều việc làm thời vụ phù hợp với phụ nữ Êđê giúp họ có thêm nguồn thu nhập ngay chính nơi mình sinh sống mà không phải ly hương.

Djuang Niê


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.