Nơi hội tụ và nuôi dưỡng đam mê sinh vật cảnh
Vừa bảo tồn vừa khai thác
Đối với SVC, thành công chính là vừa bảo tồn vừa khai thác được những yếu tố mới. Chính vì vậy, Hội luôn khuyến khích HV tự tìm tòi và khai thác, lai tạo nhiều giống hoa, kiểng mới; đồng thời cũng bảo tồn những SVC cổ, có giá trị bằng phương pháp tự nhiên và sinh học…Từ đó, nhiều HV đã dày công sưu tầm hoặc sáng tạo nên nhiều tác phẩm đẹp có giá trị từ tự nhiên như gốc cây, đá… làm phong phú thêm loại hình nghệ thuật SVC, nhiều tác phẩm có giá trị lên đến hàng trăm triệu đồng. Nhờ vậy, nhiều giống cảnh trên địa bàn tỉnh đã được gìn giữ, phát triển và rất hút khách, nhất là trong các dịp lễ, Tết.
Khách hàng tìm hiểu, thưởng ngoạn cây cảnh tại CLB cây cảnh nghệ thuật tỉnh. |
Để lĩnh vực SVC phát triển, việc trau dồi kiến thức chưa bao giờ là đủ, vì mỗi nghệ nhân lại có một cách sáng tạo nghệ thuật riêng. Hiểu được điều đó, Hội luôn đồng hành cùng các HV trong việc học tập và nâng cao trình độ về SVC. Cụ thể, Hội phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh mở lớp tập huấn SVC cho các nhà vườn, nhằm nâng cao kỹ năng chăm sóc cây cảnh; tích cực tham gia trưng bày, triển lãm phục vụ các lễ hội, hội chợ thương mại, hội hoa xuân hàng năm... Đó chính là một trong những cách vừa nâng cao “tay nghề” lại vừa mang lại hiệu quả cao về kinh tế và xã hội.
“Hội SVC tỉnh đang tích cực chuẩn bị và tìm ra những tác phẩm SVC đẹp, đa dạng, phong phú từ các cơ sở để phục vụ triển lãm Hội hoa xuân 2019, Festival Cà phê lần thứ VII và Triển lãm Bonsai - Suiseki châu Á Thái Bình Dương lần thứ 15 vào tháng 11- 2019 tổ chức tại Việt Nam với sự tham gia của trên 50 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới”.
Phó Chủ tịch Hội SVC tỉnh Nguyễn Hữu Tuyên
|
Điển hình như tại Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 6 và Liên hoan Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên năm 2017, Hội SVC tỉnh đã tổ chức “Triển lãm sinh vật cảnh tỉnh Đắk Lắk năm 2017”. Triển lãm quy tụ hơn 5.000 tác phẩm với nhiều loại hình SVC như: cây cảnh nghệ thuật, đá cảnh, đá chế tác, cây khô gỗ lũa nghệ thuật, hoa lan, chim cảnh… được tuyển chọn từ 13 đơn vị Hội trong tỉnh, 6 CLB chuyên ngành trực thuộc Tỉnh Hội và 20 đơn vị SVC đến từ các tỉnh khu vực miền Trung – Tây Nguyên. Trong chương trình còn có các hội thi như: thi hoa lan, cây cảnh, đá cảnh, cây khô gỗ lũa và thi đấu hót chim chào mào. Riêng nội dung thi đấu hót chim chào mào có hơn 500 lồng chim của các nghệ nhân trong tỉnh và 8 tỉnh bạn tham gia, thu hút hàng nghìn du khách trong và ngoài tỉnh tới thưởng lãm, giao lưu và mua bán.
“Giữ lửa” từ phong trào từ cơ sở
Một trong những yếu tố giúp Hội SVC tỉnh phát triển mạnh mẽ chính là sự đồng lòng góp sức của các HV, của hội cấp cơ sở. Đơn cử như Hội SVC huyện Krông Ana với gần 200 HV, định kỳ sinh hoạt trao đổi kinh nghiệm để nâng cao trình độ, tay nghề. Hằng năm Hội tổ chức hội thi trưng bày hoa cây cảnh nhân dịp Tết Nguyên đán hoặc vào các ngày lễ lớn trong năm, thu hút đông đảo hội viên tham gia với hàng trăm tác phẩm đủ thể loại.
Chim cảnh, hoa cảnh, nhất là hoa lan là thế mạnh của huyện Krông Ana, thế nên dù những dịp trưng bày không đúng vào mùa lan nở rộ, các HV vẫn mang đến những giò lan đẹp khoe sắc, nhất là lan rừng. Anh Phùng Minh Hiệp (CLB Hoa lan – Hội SVC huyện) cho biết, vì đam mê nên không chỉ sưu tầm mà anh và các HV còn học hỏi kiến thức khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm của nhau để bảo tồn và phát triển các loài lan quý hiếm, nâng cao sức sống và nhân rộng chúng. Thế nên, tại các triển lãm SVC, hầu hết các nghệ nhân tại huyện đều có tác phẩm trưng bày. Hoạt động này không chỉ trở thành một địa chỉ văn hóa giải trí hấp dẫn cho người dân trong vùng và du khách gần xa, mà còn kích thích sự thi đua giữa các HV, thúc đẩy phong trào tại địa phương ngày càng mạnh mẽ, có nhiều tác phẩm có giá trị hơn.
Những tác phẩm hoa lan tại Hội thi và trưng bày sinh vật cảnh của Hội Sinh vật cảnh huyện Krông Ana. |
Không riêng ở Krông Ana mà những Hội, CLB khác thuộc Hội SVC tỉnh cũng đều sinh hoạt sôi nổi, ngoài việc tạo sân chơi lành mạnh, giúp các HV thể hiện đam mê còn làm tốt các công tác xã hội. Đơn cử như CLB chim Chào mào Mười Thân (TP. Buôn Ma Thuột), ra đời năm 2013, CLB là nơi sinh hoạt, giao lưu, tổ chức các cuộc thi, triển lãm chim Chào mào. Kinh phí hoạt động dựa trên nguồn đóng góp, các đợt thi, đấu giá của các thành viên. Anh Nguyễn Đinh Tấn Thân, Chủ nhiệm CLB tâm sự: “Đây không chỉ là điểm đến để thỏa đam mê của những người dành tình yêu đặc biệt cho chim chào mào, mà còn là cơ hội để CLB tạo được nguồn quỹ thông qua các hoạt động, tổ chức các buổi từ thiện giúp đỡ trẻ em nghèo, nạn nhân chất độc màu da cam… phần nào mang tình yêu thương chia sẻ đến những hoàn cảnh không may trong cuộc sống”.
Ánh Ngọc
Ý kiến bạn đọc