Multimedia Đọc Báo in

Phụ nữ Ea Kar giúp nhau khởi nghiệp

07:51, 18/09/2018

Thực hiện Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2020”, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Ea Kar đã triển khai nhiều hoạt động kết nối, huy động nguồn lực giúp hội viên khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh.

Nhiều năm qua, gia đình chị Lê Thị Tình ở thôn 10, xã Ea Sar nuôi các loại cá rô phi, trắm, chép…, mỗi năm cung cấp cho thị trường khoảng 3 tấn cá giống và 11 tấn cá thương phẩm, thu lãi khoảng 200 triệu đồng/năm. Khi được Hội LHPN xã Ea Sar và huyện Ea Kar mời tham dự lớp tập huấn về kinh doanh, giới thiệu phong trào phụ nữ khởi nghiệp, chị Tình đã mạnh dạn xây dựng ý tưởng, đề án mở rộng mô hình nuôi cá với tổng kinh phí khoảng 300 triệu đồng. Ngoài số vốn tích lũy được và vay mượn ngân hàng, gia đình chị đã được Hội LHPN huyện hỗ trợ 20 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp huyện để mở rộng quy mô nuôi cá.

Hội viên phụ nữ huyện Ea Kar tham quan mô hình nuôi gà ta đẻ trứng của gia đình chị Hoàng Thị Quyên  ở thôn 3, xã Ea Kmút.
Hội viên phụ nữ huyện Ea Kar tham quan mô hình nuôi gà ta đẻ trứng của gia đình chị Hoàng Thị Quyên ở thôn 3, xã Ea Kmút.

Tương tự, sau khi tham gia vào Tổ liên kết nuôi gà ta đẻ trứng, chị Hoàng Thị Quyên ở thôn 3, xã Ea Kmút được Hội LHPN huyện hướng dẫn viết đề án khởi sự kinh doanh và tạo điều kiện cho vay 20 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp huyện. Cùng với nguồn vốn được vay, gia đình chị Quyên đã vay mượn thêm 30 triệu đồng để mở rộng quy mô chăn nuôi gà từ 800 lên 1.000 con gà theo hướng an toàn sinh học, bảo đảm trang trại phát triển bền vững...

 
“Thực hiện chương trình hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh đã giúp hội viên phụ nữ phát huy nội lực giúp nhau phát triển kinh tế, góp phần giảm số hộ nghèo là hội viên phụ nữ từ 5.288 hộ năm 2017 xuống còn 4.254 hộ năm 2018”. 
 
 Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Ea Kar Nguyễn Thị Vy

Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Ea Kar Nguyễn Thị Vy cho biết, căn cứ hướng dẫn của Hội LHPN tỉnh về thực hiện Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2020” (Đề án 393), Hội LHPN huyện đã cử cán bộ tham gia tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm, khởi nghiệp - khởi sự kinh doanh; tham gia trưng bày các sản phẩm chủ lực của địa phương như: cam, quýt, vải, nhãn, bún khô, trứng gà sạch tại Ngày phụ nữ khởi nghiệp cấp tỉnh. Bên cạnh đó, huyện hội cũng phối hợp với phòng chức năng của huyện tổ chức tập huấn “Hỗ trợ doanh nghiệp năm 2018” cho cán bộ, hội viên nhằm cung cấp những kiến thức, kỹ năng cần thiết cho cá nhân, doanh nghiệp trong phát triển kinh doanh.

Bà Đặng Thị Nữ, Chủ tịch Hội LHPN xã Cư Huê chia sẻ: Để hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, năm 2017, Hội LHPN xã đã vận động hội viên của 18 chi hội đóng góp quỹ 10.000 đồng/người/năm, thu được số tiền 30 triệu đồng. Sau khi khảo sát thực tế, Hội đã hỗ trợ cho 3 trường hợp khó khăn vay không tính lãi trong vòng 1 năm, đến nay đã quay vòng được 7 hội viên. Bên cạnh đó, Hội còn tín chấp Ngân hàng Chính sách xã hội với tổng dư nợ trên 5 tỷ đồng và huy động từ các nhóm, tổ phụ nữ tiết kiệm được hơn 1 tỷ đồng cho hội viên vay phát triển kinh tế.

Cán bộ phụ nữ huyện Ea Kar kiểm tra việc sử dụng vốn vay khởi nghiệp của gia đình bà Phạm Thị Thanh ở thôn Sơn Lộc, xã Cư Huê.
Cán bộ phụ nữ huyện Ea Kar kiểm tra việc sử dụng vốn vay khởi nghiệp của gia đình bà Phạm Thị Thanh ở thôn Sơn Lộc, xã Cư Huê.

Từ năm 2017 đến nay, Hội LHPN huyện Ea Kar đã huy động được 154 triệu đồng Quỹ Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp huyện để hỗ trợ cho 6 hội viên vay trồng hoa, làm bún khô, nuôi cá, gà, kinh doanh nông sản. Hội cũng đã xét chọn và đề nghị Ngân hàng Chính sách xã hội huyện giải ngân vốn cho 8 hộ khởi sự kinh doanh với tổng số tiền 220 triệu đồng; tín chấp cho hội viên vay vốn phát triển sản xuất với tổng dư nợ gần 150 tỷ đồng. Các cơ sở hội cũng đã huy động được trên 221 triệu đồng hỗ trợ cho 35 hội viên khởi sự kinh doanh; xây dựng và duy trì 5 mô hình khởi nghiệp hiệu quả ở các xã: Ea Păl, Cư Yang, Ea Ô, Xuân Phú, Ea Týh với 133 thành viên.

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.