Thực hiện xã hội hóa phương tiện tránh thai: Tăng cường truyền thông thay đổi nhận thức
Hơn 2 năm Đề án 818 đi vào đời sống đã từng bước thay đổi cách nghĩ của người dân trong việc chủ động sử dụng phương tiện tránh thai (PTTT). Song để Đề án phát huy hiệu quả hơn nữa vẫn cần đẩy mạnh truyền thông thay đổi nhận thức của người dân…
Xu thế tất yếu
Ngày 13-3-2015, Bộ Y tế ban hành Quyết định số 818/QÐ-BYT phê duyệt Ðề án “Xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai và dịch vụ kế hoạch hóa gia đình (KHHGÐ)/sức khỏe sinh sản (SKSS) tại khu vực thành thị và nông thôn phát triển giai đoạn 2015 - 2020” (gọi tắt là Đề án 818) nhằm giảm gánh nặng ngân sách cho Nhà nước, đồng thời đẩy mạnh việc tiếp cận của người dân với các PTTT chất lượng cao.
Ngay sau khi Đề án 818 ra đời, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh đã xây dựng Đề án trình lên Sở Y tế để xin ý kiến các sở, ban ngành và tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Đề án này trên địa bàn tỉnh. Theo bà Phạm Thị Tuyết Nhung, Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh, trong điều kiện ngân sách nhà nước cho công tác dân số - KHHGĐ ngày càng bị cắt giảm mạnh, mà nhu cầu tránh thai của người dân vẫn tăng, thì xã hội hóa PTTT được xác định là xu thế tất yếu. Bởi khi xã hội ngày càng phát triển, dân trí ngày càng cao, thì nhà nước càng không thể nào bao cấp mãi được, cần có sự thay đổi nhận thức và hành vi trong lĩnh vực này. Mặc dù đến thời điểm này, Đề án 818 ở tỉnh ta chưa được UBND tỉnh phê duyệt, chưa có kinh phí nhưng vẫn được Chi cục triển khai trên tinh thần lồng ghép vào tất cả các hoạt động chung của ngành.
Cộng tác viên dân số buôn Dliê Ya A, xã Dliê Ya, huyện Krông Năng tư vấn cho chị em lựa chọn phương tiện tránh thai theo hình thức xã hội hóa. |
Theo thống kê của Chi cục Dân số - KHHGĐ, năm 2017, số cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ trên địa bàn tỉnh sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại đạt 67,5%, trong đó có khá nhiều người đã tự tìm đến các dịch vụ y tế tư nhân để tư vấn và mua các PTTT. Do đó, việc thực hiện xã hội hóa là hoàn toàn phù hợp. Nhưng vì suốt hai thập niên qua, tỉnh ta là một trong những tỉnh có mức sinh cao, tất cả các PTTT đều được cấp miễn phí, nên việc chuyển đổi từ miễn phí sang trả phí cần có lộ trình thích hợp, phải bắt đầu từ khâu tiếp thị, tuyên truyền, giải thích để người dân hiểu, từ đó sẵn sàng thực hiện.
Để Đề án 818 ngày càng đi vào chiều sâu và bền vững, ngoài những nỗ lực của ngành Y tế, rất cần sự vào cuộc của chính quyền các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội và cả cộng đồng. Trong đó, mỗi người dân phải nâng cao trách nhiệm, cùng chia sẻ với ngân sách nhà nước trong công tác dân số-KHHGĐ. |
Trên thực tế, để triển khai Đề án 818, thời gian qua, Chi Cục Dân số - KHHGĐ tỉnh đã giao chỉ tiêu, chỉ đạo Trung tâm Dân số - KHHGĐ các huyện, thị xã, thành phố tổ chức tập huấn, tuyên truyền lồng ghép các nội dung, mục tiêu đề án vào các hoạt động chung của ngành. Qua đó, nhiều người dân trên địa bàn đã được tiếp cận và tự nguyện trả tiền mua PTTT. Chỉ tính riêng trong 9 tháng đầu năm 2018, toàn tỉnh đã xã hội hóa được gần 21.000 bao cao su các loại, gần 10.000 vỉ thuốc viên uống tránh thai.
Đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức
Vợ chồng chị L.T.H, 30 tuổi, ở buôn Dliê Ya A, xã Dliê Ya, huyện Krông Năng hiện đã có 3 người con và quyết định sử dụng viên uống tránh thai để KHHGĐ. Chị cho biết: "Trước đây, mỗi lần đi khám phụ khoa tại Trạm Y tế xã, tôi thường được cấp thuốc tránh thai, hoặc khi cần thì đến nhà cộng tác viên dân số lấy thuốc về dùng. Gần đây do không còn thuộc đối tượng được hỗ trợ, cấp miễn phí nữa nên tôi tự mua, thấy cũng có cái lợi là mình có thể lựa chọn loại sản phẩm phù hợp với túi tiền và không ảnh hưởng sức khỏe".
Để có thể thay đổi nếp nghĩ chuyển từ “bao cấp” sang “cùng chi trả” trong lĩnh vực dân số - KHHGĐ của những phụ nữ ở các thôn, buôn vùng sâu vùng xa như chị H. cần có một quá trình lâu dài. Theo chị Chu Thị Sen, cán bộ chuyên trách dân số xã Dliê Ya, đội ngũ cán bộ dân số phải thường xuyên đến từng hộ gia đình để tìm hiểu, nắm rõ hoàn cảnh, tâm tư, từ đó đưa ra cách thuyết phục hợp lý cũng như tư vấn sản phẩm phù hợp với điều kiện của họ. Ban đầu nhiều người đã từ chối vì không muốn bỏ tiền mua sản phẩm, nhưng cứ kiên trì vận động thì dần dần họ cũng hiểu ra và tự nguyện mua PTTT để thực hiện KHHGĐ. Năm 2017, đội ngũ cán bộ dân số xã đã tiếp thị được 200 vỉ thuốc tránh thai và 1.200 bao cao su đến với người dân qua hình thức xã hội hóa. Còn từ đầu năm 2018 đến nay cũng tiếp thị được 75 vỉ thuốc và 300 bao cao su, đạt chỉ tiêu trên giao. Song, để tất cả các đối tượng cùng tham gia Đề án thì quan trọng nhất vẫn phải đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hơn nữa.
Cũng chung quan điểm này, bà Nhung cho rằng, với một bộ phận người dân, nhất là người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, việc bỏ ra một khoản tiền để mua các PTTT cũng là cả một vấn đề. Do đó trước mắt, công tác tuyên truyền, vận động vẫn được ưu tiên hàng đầu để nâng cao nhận thức của người dân. Tuy nhiên cái khó trong quá trình triển khai Đề án hiện nay là thiếu kinh phí cho truyền thông, quảng bá sản phẩm; việc nâng cao nhận thức bằng tập huấn lại chưa triển khai được vì Đề án chưa được phê duyệt…
Kim Oanh
Ý kiến bạn đọc