Multimedia Đọc Báo in

TX. Buôn Hồ: Khẳng định vai trò của đội ngũ hòa giải viên cơ sở

10:03, 12/09/2018

Hiện nay, TX. Buôn Hồ có 151 tổ hòa giải, với 813 hòa giải viên; mỗi tổ hòa giải có từ 5 - 7 người là đại diện ban công tác Mặt trận, bí thư hoặc phó bí thư chi bộ, tổ trưởng, thôn trưởng, đại diện các tổ chức đoàn thể, người có uy tín hiểu biết về pháp luật, có uy tín tại khu dân cư.

Xác định đội ngũ hòa giải viên là lực lượng đắc lực trong việc tuyên truyền nhân dân thực hiện tốt các hương ước, quy ước khu dân cư, chấp hành nghiêm túc các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước, trong thời gian qua, ngoài việc thường xuyên củng cố, kiện toàn, TX. Buôn Hồ đã chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, trang bị kiến thức cho đội ngũ này phát huy vai trò tại cơ sở. Từ năm 2017 đến nay, UBND thị xã đã tổ chức 15 hội nghị, lớp tập huấn quán triệt các luật mới ban hành cũng như nâng cao nghiệp vụ công tác hòa giải cơ sở nhằm triển khai thực hiện kịp thời Luật Hòa giải ở cơ sở đến đông đảo cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân. Ngoài ra, địa phương còn trang bị nhiều đầu sách pháp luật mới cho 12 tủ sách pháp luật xã, phường và thôn, buôn, tổ dân phố...

Anh Lê Văn Lặng (bên phải) tuyên truyền một số  quy định mới tại địa phương cho người dân.
Anh Lê Văn Lặng (bên phải) tuyên truyền một số quy định mới tại địa phương cho người dân.

Trên địa bàn thị xã có nhiều hòa giải viên nhiệt tình, tận tâm với công tác này, đóng góp tích cực cho việc giữ gìn an ninh trật tự ở địa phương. Tiêu biểu như chị Trịnh Thị Mơ (tổ dân phố Tân Bình, phường An Lạc) được biết đến không chỉ là tấm gương điển hình trong phát triển kinh tế mà còn là cá nhân tích cực trong công tác hòa giải ở cơ sở. Lâu nay, người dân tổ dân phố Tân Bình đã quen thuộc với hình ảnh người Chi hội trưởng phụ nữ “miệng nói tay làm”, mỗi khi ở địa phương có vụ việc gì xảy ra dù trời mưa hay nắng đều không vắng mặt chị Mơ hòa giải viên.

Theo kinh nghiệm nhiều năm hòa giải thành công các vụ việc của chị Mơ, người hòa giải viên không chỉ cần hiểu biết về luật pháp mà còn phải có tính kiên trì, nhẫn nại, đối với mỗi sự việc xảy ra phải dành thời gian tìm hiểu, trò chuyện riêng với mỗi bên, phân tích cái đúng, cái chưa đúng để đưa ra những lời khuyên hữu ích, thấu tình đạt lý. Thông qua các buổi sinh hoạt tại cơ sở, chị Mơ còn lồng ghép tuyên truyền Luật Hôn nhân gia đình, xây dựng các mô hình “Gia đình 5 không, 3 sạch”, “Gia đình hạnh phúc”… cho hội viên phụ nữ trong chi hội.

Hơn 10 năm là người kết nối, giải tỏa những mâu thuẫn, xích mích trong các gia đình và bà con lối xóm, anh Lê Văn Lặng, Phó Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng tổ dân phố kiêm phụ trách công tác hòa giải cơ sở (tổ dân phố Tân Lập 1, phường Đạt Hiếu) luôn được mọi người tin tưởng, quý trọng bởi lối sống chuẩn mực, nêu gương trong cuộc sống cũng như trong công việc được giao. Để hoàn thành vai trò hòa giải viên cơ sở, ngoài việc tích cực tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng của cấp trên, bản thân anh Lặng thường xuyên tự trau dồi kiến thức về các luật hiện hành. Nhờ vậy từ năm 2016 đến nay, tại tổ dân phố Tân Lập 1 hầu như không xảy ra vụ việc gì cần hòa giải; đời sống của người dân địa phương ngày càng được cải thiện, trên 70% tuyến đường trên địa bàn đã được bê tông hóa, cảnh quan môi trường xanh sạch đẹp.

Từ năm 2017 đến nay, TX. Buôn Hồ đã tiếp nhận 246 vụ việc, trong đó hòa giải thành 140 vụ việc với các nội dung như: tranh chấp dân sự, tranh chấp phát sinh từ quan hệ hôn nhân gia đình và các mâu thuẫn khác… Đến nay, toàn thị xã có 19.258/22.263 hộ gia đình được công nhận gia đình văn hóa, đạt tỷ lệ 86,5%; có 137/149 thôn, buôn, tổ dân phố văn hóa; 4/5 xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới; 6/7 phường đạt chuẩn văn minh đô thị.

Ninh Trang

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.