Multimedia Đọc Báo in

Vận động học sinh tham gia bảo hiểm y tế: Không nên nhập nhằng giữa các loại hình bảo hiểm

08:48, 06/09/2018

Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) năm 2008 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT năm 2014 thì học sinh, sinh viên thuộc diện bắt buộc tham gia bảo hiểm y tế.

Học sinh, sinh viên đóng BHYT bằng 4,5% mức lương cơ sở, được ngân sách Nhà nước hỗ trợ bằng 30% mức đóng, về phương thức đóng thì có thể đóng hằng quý, 6 tháng một lần, 9 tháng một lần hoặc đóng cho cả năm. Với mức lương cơ sở áp dụng từ ngày 1-7-2018 là 1.390.000 đồng thì mức đóng BHYT của một học sinh năm học 2018 - 2019 tùy theo lựa chọn phương thức đóng (xem bảng)

BHYT là chính sách bắt buộc nên tất cả học sinh, sinh viên phải tham gia, phải đóng tiền, trừ những em đã có thẻ BHYT theo nhóm đối tượng ưu tiên như: Thuộc hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số sống ở vùng đặc biệt khó khăn, thân nhân sĩ quan quân đội, thân nhân sĩ quan công an... Học sinh, sinh viên không được tham gia BHYT theo hộ gia đình mà phải tham gia tại trường học.

STT

Phương thức đóng

Mức HSSV phải đóng

 

Mức được Nhà nước hỗ trợ

 

1

3 tháng

131.360

56.300

2

6 tháng

262.710

112.590

3

9 tháng

394.070

168.890

4

12 tháng

525.420

225.190

 

Tuy nhiên, nhiều cơ sở giáo dục chưa nắm bắt rõ chính sách nên hay nhầm lẫn giữa BHYT học sinh với các loại hình bảo hiểm thương mại khác như: Bảo hiểm thân thể, bảo hiểm nhân thọ... Vì vậy, khi thông báo các khoản đóng góp hằng năm của học sinh thường ghi các khoản bảo hiểm phải đóng một cách chung chung mà không hướng dẫn rõ cho phụ huynh và học sinh phải đóng BHYT bắt buộc; trong khi đó các loại hình bảo hiểm thương mại là tự nguyện, tự giác, có thể mua hoặc có thể không mua tùy theo lựa chọn của học sinh và gia đình. Thậm chí, nhiều trường học khi thông báo các khoản đóng còn ghi gộp tất cả các khoản đóng BHYT với các bảo hiểm thương mại khác thành một khoản tiền lớn làm cho học sinh và phụ huynh hết sức phân vân.

Nhân viên y tế học đường của Trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân (xã Ea Toh, huyện Krông Năng) chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh. Ảnh: Nguyễn Xuân
Nhân viên y tế học đường của Trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân (xã Ea Toh, huyện Krông Năng) chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh. Ảnh: Nguyễn Xuân

BHYT học sinh, sinh viên với mục đích là chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho các em tại trường học; khám và chữa bệnh cho các em tại các cơ sở y tế nếu không may mắc phải bệnh tật, bảo đảm sức khỏe học đường cũng như giúp các em trong điều trị bệnh tật. Nguồn kinh phí đóng BHYT hằng năm sẽ được trích một phần tại trường học để nhà trường thực hiện công tác y tế học đường, các em sẽ được tư vấn, chăm sóc sức khỏe cũng như phòng ngừa một số bệnh học đường thường gặp.

Mục tiêu BHYT toàn dân, trong đó có BHYT học sinh, sinh viên là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, là chính sách xã hội hết sức nhân văn, cả nước đang phấn đấu để đạt 100% người dân có thẻ BHYT. Đối với BHYT học sinh, sinh viên, các cấp chính quyền đã có chỉ đạo quyết liệt nhằm bảo đảm tất cả học sinh, sinh viên đều tham gia BHYT. Trước thềm năm học mới 2018 - 2019, Sở Giáo dục và Đào tạo Đắk Lắk cũng đã có Công văn số 1081/GDĐT-CTTT ngày 7-8-2018 chỉ đạo: Năm học 2018 - 2019 tất cả các nhà trường phải đạt tỷ lệ 100% học sinh, sinh viên tham gia BHYT.

Thiết nghĩ, lãnh đạo các trường học cần tăng cường tuyên truyền cho học sinh, sinh viên và cha mẹ học sinh những chính sách, pháp luật về BHYT và vai trò, ý nghĩa của BHYT đối với công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe học sinh, sinh viên; vận động, hướng dẫn học sinh, sinh viên và cha mẹ học sinh tham gia BHYT, bảo đảm quyền lợi cho các em trong quá trình học tập.       

Trương Văn Bá


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.