Tín hiệu vui từ những mô hình cải thiện sinh kế ở xã nghèo
Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên với những mô hình cải thiện sinh kế được triển khai tại xã Ea Trul (huyện Krông Bông) bước đầu đã phát huy hiệu quả, giúp các hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số thay đổi nhận thức, có thêm thu nhập, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững.
Triển khai từ năm 2014 (đến năm 2019) với mục tiêu nâng cao mức sống thông qua cải thiện cơ hội sinh kế cho các hộ nghèo, đến nay tại xã Ea Trul đã thành lập được 26 nhóm sinh kế tại 9 thôn, buôn. Các Tiểu dự án sinh kế (hay còn gọi là nhóm LEG) chủ yếu về chăn nuôi bò, dê, heo; kỹ thuật trồng lúa năng suất cao, trồng đậu phụng… Nhờ trao quyền tự chủ cho người dân, lại được hỗ trợ về vốn, tập huấn về khoa học kỹ thuật và có sự hướng dẫn, giám sát chặt chẽ, thời gian qua các Tiểu dự án sinh kế đã phát huy hiệu quả, tạo cho người dân ý thức tự vươn lên để thoát nghèo.
Chị H’Um Byă (buôn Ktluôt) bên đàn heo mới sinh lứa đầu tiên. |
Mô hình nuôi heo sinh sản của nhóm LEG tại buôn K'Tluốt được triển khai vào cuối năm 2017 bước đầu cho thấy tín hiệu khả quan. Heo nái giống phát triển tốt và bắt đầu sinh sản, hứa hẹn có nhiều triển vọng vì được triển khai dựa trên nhu cầu thực tế và đề xuất của chính các hộ dân nơi đây. Với tổng số 20 hộ tham gia, nhóm đã xây dựng ý tưởng, lên phương án chăn nuôi, đồng thời cùng chịu trách nhiệm. Mỗi thành viên được hỗ trợ 11 triệu đồng để chăn nuôi, trong đó làm chuồng: 2,5 triệu đồng, mua giống 4,5 triệu đồng, cám để nuôi ban đầu… Chị H’Um Byă, thành viên nhóm LEG phấn khởi cho biết: “Tôi nhận heo nái giống vào tháng 10-2017, nay heo đã đẻ được 1 đàn 16 con. Hiện giá heo con khá cao, khoảng 1 triệu đồng/con. Số tiền bán heo gia đình tôi sẽ tiếp tục mở rộng chăn nuôi, hy vọng chúng tôi vượt qua những khó khăn và thoát nghèo từ đây”.
Ông Y Bhi Byă (buôn Băng Cung) chăm sóc 2 con dê mới nhận từ Tiểu dự án sinh kế. |
Hiện nay, mô hình nhóm LEG nuôi dê của 20 hộ dân tại buôn Băng Cung cũng bước đầu đã có hiệu quả. Mô hình không chỉ đáp ứng được tâm tư nguyện vọng của người dân mà còn có triển vọng tốt, giúp người dân tăng thu nhập vì chăn nuôi dê phù hợp với điều kiện tự nhiên nơi đây. “Thời gian đầu bà con lo ngại vì chăn nuôi dê cần có kỹ thuật cao hơn những con vật khác. Tuy nhiên, sau khi được tập huấn, biết về đặc tính của con dê, bà con yên tâm hơn rất nhiều. Một điều kiện thuận tiện nữa là nguồn thức ăn tại địa phương khá dồi dào, không sợ dê đói”, ông Y Bhi Byă, nhóm trưởng nhóm LEG nuôi dê buôn Băng Cung chia sẻ. Ông Y Bhi cũng không giấu được niềm vui khi 1 trong 2 con dê của ông được nhận vào tháng 8 vừa qua đã đẻ con và sinh trưởng ổn định. Đến nay, nhóm của ông đã có 2 thành viên có dê sinh sản, những thành viên khác dê giống phát triển tốt.
Ông Cao Văn Thọ, Chủ tịch UBND xã kiêm Trưởng Ban phát triển xã Ea Trul đánh giá: Sau 3 năm thực hiện Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên tại xã Ea Trul với các Tiểu dự án sinh kế, trong đó chủ yếu là hợp phần chăn nuôi, trồng trọt đã mang lại những hiệu quả thiết thực cho các hộ nghèo, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ. Trước đây, người dân trồng trọt, chăn nuôi theo tập quán, nay được dự án hỗ trợ tập huấn, bà con đã biết chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi và áp dụng khoa học kỹ thuật để phát triển kinh tế, đời sống đã được cải thiện đáng kể.
Trong 9 tháng năm 2018, xã Ea Trul đã xây dựng chuồng trại và bàn giao giống cho 12 nhóm LEG với 240 hộ tham gia (hộ nghèo, hộ cận nghèo chiếm 70%), trong đó nuôi heo thịt: 2 nhóm, 40 hộ với 120 con heo; nhóm nuôi heo sinh sản: 6 nhóm, 120 hộ với 240 con; nhóm nuôi dê sinh sản: 4 nhóm, 40 hộ nuôi với 160 con dê. |
Mai Sao
Ý kiến bạn đọc