Multimedia Đọc Báo in

Liên kết dạy văn hóa kết hợp học nghề: Hướng đi đáp ứng nhu cầu xã hội

08:18, 04/12/2018

Những năm gần đây, mô hình dạy văn hóa kết hợp đào tạo nghề cho học sinh ở các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) trên địa bàn tỉnh đã và đang phát huy hiệu quả, góp phần đáp ứng nhu cầu của một bộ phận học sinh vừa muốn học nghề, vừa học văn hóa; cũng như có cơ hội tìm kiếm việc làm, ổn định cuộc sống sau khi tốt nghiệp THPT.

Khoảng 2 năm trở lại đây, Trung tâm GDNN-GDTX huyện Ea H’leo đã liên kết với Trường Trung cấp Lâm nghiệp Tây Nguyên (Gia Lai) và Trường Trung cấp Trường Sơn (TP. Buôn Ma Thuột) tổ chức các lớp dạy nghề cho học sinh tại đơn vị. Theo đó, hiện nay Trung tâm có 3 lớp dạy song song giữa kiến thức văn hóa và trung cấp nghề gồm các ngành học: kế toán, trồng trọt và công nghệ thông tin với 75 học sinh tham gia học.

Học viên lớp sơ cấp điện dân dụng (Trung tâm GDNN-GDTX huyện Ea H'leo) trong giờ thực hành.
Học viên lớp sơ cấp điện dân dụng (Trung tâm GDNN-GDTX huyện Ea H'leo) trong giờ thực hành.

Em H’Yi Siu (lớp 11) chia sẻ, sau khi nhập học và được thông báo về khóa học nghề, em đã đăng ký vào lớp trồng trọt để sau này khi tốt nghiệp có thể dễ dàng kiếm việc làm và phụ giúp bố mẹ chăm sóc mấy sào đất rẫy trồng cà phê của gia đình. Điều đáng mừng nữa là với việc học kết hợp này, chỉ trong thời gian 3 năm học, em có thể vừa lấy được bằng tốt nghiệp THPT lại vừa được cấp thêm bằng Trung cấp nghề mà không tốn nhiều thời gian, chi phí học. Cũng như H’Yi, em Quách Thành Long (lớp 11) cũng đăng ký học lớp kế toán với suy nghĩ sau khi tốt nghiệp lớp 12 nếu không thi đỗ vào các trường đại học thì với bằng trung cấp kế toán em sẽ xin đi làm để kiếm thêm thu nhập.

Ngoài việc liên kết mở các lớp trung cấp nghề, Trung tâm GDNN-GDTX huyện Ea H’leo còn chú trọng công tác đào tạo sơ cấp nghề sửa chữa máy nông nghiệp và điện dân dụng cho học sinh. Những lớp sơ cấp thường được nhà trường tổ chức dạy trong thời gian khoảng 3 – 4 tháng. Sau những khóa học này, các em học sinh không chỉ có thể ứng dụng được trong điều kiện thực tế của gia đình mà còn có thể xin được việc làm ở các cơ sở, doanh nghiệp.

Ông Lê Ngọc Hậu, Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX huyện Ea H’leo cho biết: “Việc kết hợp dạy văn hóa và nghề nghiệp cho các em học sinh là một xu thế mới của xã hội, nhất là đối với thế hệ trẻ nhằm đáp ứng thị trường lao động hiện nay. Thay vì chờ tốt nghiệp THPT xong mới đi học nghề thì mô hình này giúp các em có thể được học và cấp bằng song song mà lại không mất học phí, thời gian; đặc biệt, những ngành nghề Trung tâm liên kết đào tạo cũng sát thực với nhu cầu và điều kiện thực tế của xã hội nên các em có thể có công việc ổn định sau khi ra trường”.

Lớp hướng dẫn du lịch (Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh) trong giờ học.
Lớp hướng dẫn du lịch (Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh) trong giờ học.
 

“Mô hình liên kết dạy văn hóa kết hợp với đào tạo nghề không chỉ tạo điều kiện cho các em học sinh mà còn góp phần vào công tác huy động học viên vào học tại các trung tâm GDTX trước thực trạng tuyển sinh đầu vào còn nhiều khó khăn như hiện nay”.

 
 
 Ông Phan Văn Tô, Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh

Dẫu không phải là mô hình mới, thế nhưng sau một thời gian dài dừng việc đào tạo nghề cho học sinh THPT, năm học 2018-2019 này, Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh đã phối hợp với Trường Trung cấp Nghề Đam San khai giảng 2 lớp trung cấp nghề là nghiệp vụ lễ tân và hướng dẫn du lịch với hơn 70 em tham gia học. Theo ông Trần Sỹ Tiến, Phó Giám đốc Trung tâm, trước đây đa số các em sau khi tốt nghiệp THPT phải dành thời gian và kinh phí để đi học nghề hoặc ở nhà làm nông nghiệp thì nay đã có sự định hướng học nghề phù hợp thị trường việc làm cũng như khả năng trình độ của các em. Em H’Ngoan (lớp 10A4) đang tham gia lớp hướng dẫn du lịch bày tỏ, gia đình em ở huyện Buôn Đôn nên khi có thông báo về học nghề em liền đăng ký. Theo em, việc học nghề kết hợp học văn hóa giúp em tiết kiệm thời gian và chi phí học; hơn thế nữa, ở địa bàn em sinh sống hiện nay nhiều đơn vị đầu tư phát triển du lịch  nên sau khi ra trường em có thể xin vào đó làm việc.

Thời gian gần đây, các trung tâm GDNN-GDTX trên địa bàn tỉnh cũng đã triển khai rộng rãi mô hình dạy học kết hợp đào tạo nghề này. Với thời gian học khoảng 2 năm nên để bảo đảm chất lượng học văn hóa cũng như học nghề, các đơn vị tập trung vào việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh từ khi học lớp 10 để đến năm lớp 12 các em đã hoàn thành xong chương trình học nghề và tập trung vào ôn tập thi tốt nghiệp THPT; đồng thời sắp xếp thời gian, ngành học phù hợp cũng như có chế độ hỗ trợ để thu hút các em học sinh tham gia. Trong đó, đối với học sinh nghèo ở vùng đặc biệt khó khăn sẽ có mức hỗ trợ cao nhất lên đến 15 triệu đồng/học viên/khóa.

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc