Multimedia Đọc Báo in

Người nghèo an cư từ Quyết định 33 của Thủ tướng Chính phủ

08:42, 12/12/2018

Thực hiện Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg, ngày 10-8-2015 của Thủ tướng Chính phủ (Chương trình 167 giai đoạn 2), trong 3 năm qua, nhiều hộ nghèo trên địa bàn thị xã Buôn Hồ đã hưởng niềm vui có được ngôi nhà mới, giúp họ yên tâm lao động sản xuất, từng bước ổn định cuộc sống.

Trước đây, gia đình chị H'Kiăt Niê ở buôn Ea Kjoh A (xã Ea Đrông) ở cùng mẹ và các anh chị em trong ngôi nhà gỗ tạm bợ chỉ vỏn vẹn 30 m2. Chồng bỏ đi khi H'Kiăt mang bầu đứa con thứ hai, mọi gánh nặng kinh tế đè lên đôi vai của người mẹ trẻ. Chị phải đi làm thuê nhiều việc nhưng chỉ đủ lo cái ăn, cái mặc hằng ngày.

Ngôi nhà mới khang trang của gia đình chị H'Kiăt Niê (buôn Ea Kjoh A, xã Ea Đrông).
Ngôi nhà mới khang trang của gia đình chị H'Kiăt Niê (buôn Ea Kjoh A, xã Ea Đrông).

Nhờ Chương trình 167 giai đoạn 2, ước mơ có ngôi nhà mới của chị H'Kiăt đã trở thành hiện thực. Đón tiếp chúng tôi trong ngôi nhà mới, H'Kiăt vui vẻ cho biết: Sau khi Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay 25 triệu đồng, ngân sách tỉnh, thị xã và quỹ Vì người nghèo hỗ trợ 5,5 triệu đồng, cộng thêm số tiền huy động từ anh em, dòng họ chị đã hoàn thiện được ngôi nhà mới rộng 50 m2. “Nếu không có chương trình hỗ trợ nhà ở của Nhà nước thì không biết bao giờ tôi mới được ở trong ngôi nhà khang trang như vậy. Giờ có nhà rồi, tôi có thể yên tâm để làm ăn ổn định cuộc sống” - chị H'Kiăt bày tỏ.

Bà H'Lơi Kriêng (giữa), ở buôn Hne, xã Ea Đrông phấn khởi trong ngôi nhà mới.
Bà H'Lơi Kriêng (giữa), ở buôn Hne, xã Ea Đrông phấn khởi trong ngôi nhà mới.

Cùng chung niềm vui có nhà mới, bà H'Lơi Kriêng ở buôn Hne (xã Ea Đrông) cho hay: “Chồng tôi bị tai biến nửa người, không có sức lao động. Thu nhập của gia đình chỉ dựa vào 5 sào cà phê đã già cỗi nên kinh tế thuộc diện nghèo. Đầu tháng 6 vừa qua, sau khi nhận được mức vay và hỗ trợ là 30,5 triệu đồng từ Chương trình 167, tôi vay mượn thêm 10 triệu xây được ngôi nhà mới. Từ ngày có ngôi nhà kiên cố, cuộc sống gia đình tôi cũng ổn định hơn”.

Ông Y Mít Mlô, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Đrông cho biết, xã có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số đông, cuộc sống chủ yếu phụ thuộc vào nông nghiệp, hộ nghèo và cận nghèo chiếm hơn 26%. Do đời sống khó khăn nên nhiều hộ gia đình vẫn phải ở trong những ngôi nhà tạm bợ, cũ nát. Từ khi Chương trình 167 giai đoạn 2 triển khai, nhân dân rất phấn khởi vì được hỗ trợ, vay vốn ưu đãi để xây dựng nhà ở kiên cố. Từ năm 2016 đến nay, xã đã hỗ trợ xây dựng được 47 ngôi nhà cho hộ nghèo.

Theo ông Phạm Nam, Phó trưởng Phòng Quản lý đô thị thị xã Buôn Hồ, để thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở cho người nghèo theo Chương trình 167 giai đoạn 2, Phòng Quản lý đô thị thị xã đã tham mưu cho UBND thị xã về diện tích, chất lượng nhà ở, trình tự thủ tục xây dựng nhà ở, đồng thời phối hợp với Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện hỗ trợ đúng đối tượng đã được duyệt. Trong quá trình thực hiện Chương trình 167 giai đoạn 2, các địa phương trên địa bàn thị xã đã làm tốt công tác tuyên truyền, bình xét công khai, chọn đúng đối tượng, tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân. Tiến độ thực hiện nhà ở được các hộ dân và nhà thầu bảo đảm, góp phần giúp người dân sớm ổn định cuộc sống.

Tính đến tháng 12-2018, thị xã Buôn Hồ đã hoàn thành xây mới, sửa chữa nhà ở cho 100 hộ theo Chương trình 167 giai đoạn 2, trong đó xây mới 96 hộ (đạt 94,34% kế hoạch) với tổng số vốn đã giải ngân là trên 3 tỷ đồng, trong đó vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội là 2,5 tỷ đồng; ngân sách tỉnh là 300 triệu đồng, địa phương là 150 triệu đồng, còn lại là vốn hỗ trợ từ quỹ Vì người nghèo của địa phương.

Thùy Duyên


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.