Multimedia Đọc Báo in

Phấn đấu đến năm 2021 khoảng 13% lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội

08:45, 05/12/2018

Tỉnh ủy vừa ban hành Chương trình thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23-5-2018 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) về cải cách chính sách BHXH với mục tiêu từng bước mở rộng vững chắc diện bao phủ BHXH, hướng tới BHXH toàn dân.

Theo đó, phấn đấu đến năm 2021 đạt khoảng 13% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH, trong đó nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện chiếm khoảng 0,4% lực lượng lao động trong độ tuổi; khoảng 11% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp; có khoảng 36% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội; tỷ lệ giao dịch điện tử đạt 100%; thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; giảm số giờ giao dịch giữa cơ quan BHXH với doanh nghiệp đạt mức ASEAN 4; chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người tham gia BHXH đạt mức 80%.

Phấn đấu đến năm 2025 đạt khoảng 20% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH, trong đó nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện chiếm khoảng 1% lực lượng lao động trong độ tuổi; khoảng 17% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp; có khoảng 43% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội; chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người tham gia BHXH đạt mức 85%. Phấn đấu đến năm 2030 đạt khoảng 30% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH, trong đó nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện chiếm khoảng 3% lực lượng lao động trong độ tuổi; khoảng 25% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp; khoảng 47% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội; chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người tham gia BHXH đạt mức 90%.

      Một đại lý  thu BHXH, BHYT  ở huyện  Krông Ana tuyên truyền cho người dân về lợi ích  của việc  tham gia BHYT.  Ảnh: K.Oanh
Một đại lý thu BHXH, BHYT ở huyện Krông Ana tuyên truyền cho người dân về lợi ích của việc tham gia BHYT. Ảnh: K.Oanh

Tỉnh ủy cũng giao UBND tỉnh xây dựng kế hoạch đề ra các chỉ tiêu, giải pháp cụ thể cho từng địa phương, đơn vị…; trong quá trình thực hiện có kiểm tra, giám sát chặt chẽ, quyết tâm phấn đấu đạt được các mục tiêu đã đề ra. Theo đó, các huyện ủy, thị ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc, các tổ chức đảng trong các cơ quan hành chính sự nghiệp, tổ chức chính trị-xã hội, các doanh nghiệp Nhà nước xem đây là nhiệm vụ chính trị của đơn vị mình, xây dựng kế hoạch phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương; định kỳ 6 tháng, năm có tổ chức sơ kết, tổng kết chương trình này.

Theo thống kê của BHXH tỉnh, tính đến cuối năm 2017, toàn tỉnh có hơn 104 nghìn người tham gia BHXH, chiếm 9,3% lực lượng lao động; trong đó, có 2.109 người tham gia BHXH tự nguyện (chiếm 0,19% lực lượng lao động), hơn 87 nghìn người tham gia bảo hiểm thất nghiệp (chiếm 7,78%). Hệ thống tổ chức BHXH từng bước được đổi mới, về cơ bản đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ; việc giải quyết chế độ, chính sách cho người lao động đầy đủ, kịp thời, đúng quy định, ngành BHXH không ngừng cải cách thủ tục hành chính về đóng và hưởng BHXH, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân trong việc đóng và thụ hưởng. Tuy vậy, đến nay tỷ lệ lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH còn thấp; một mặt do nhận thức của một bộ phận người lao động, người sử dụng lao động về trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi khi tham gia BHXH chưa đầy đủ…; mặt khác, do công tác tuyên truyền những năm gần đây tuy đã được đẩy mạnh nhưng còn dàn trải, chưa xác định đúng đối tượng cần tập trung tuyên truyền, sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị xã hội chưa thực sự quyết liệt, chưa xem đây là nhiệm vụ chính trị của mình.

Lê Xuân Khánh

 

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.