Multimedia Đọc Báo in

Vấn nạn tảo hôn ở Ea Sin – nỗi buồn dai dẳng

09:36, 26/12/2018

Những cô bé, cậu bé còn đang ở tuổi ăn tuổi lớn, giờ đã trở thành những “ông bố, bà mẹ” oằn mình với gánh nặng gia đình, cơm áo gạo tiền. Tảo hôn, kết hôn sớm đã khiến cho những “gia đình vị thành niên” ở xã Ea Sin (huyện Krông Búk) đã nghèo lại càng thêm khốn khó…

Khó khăn hiện hữu

Sinh trưởng trong một gia đình nghèo, vừa hết lớp 7, H’Blôi Mlô (ở buôn Cư Kanh, xã Ea Sin) đã phải nghỉ học ở nhà phụ bố mẹ làm kinh tế. Năm 2015, mới 16 tuổi, H’Blôi lấy chồng, rồi lần lượt sinh 2 con (hiện đứa lớn 3 tuổi, đứa thứ hai chưa đầy 2 tháng tuổi). Do lấy chồng sớm và sinh con khi cơ thể chưa phát triển hoàn thiện nên H’Blôi thường xuyên đau ốm. Việc chăm sóc con của “người mẹ vị thành niên” này cũng rất khó khăn do em thiếu các kiến thức làm mẹ. Vì thế, những đứa trẻ con của H’Blôi đều bị suy dinh dưỡng. Thiếu sức khỏe, không có nghề nghiệp, lại không có nền tảng kinh tế, cuộc sống của vợ chồng H’Blôi và hai đứa con nhỏ bị bủa vây trong túng thiếu, nghèo đói. Hiện cả gia đình 4 người đang tá túc cùng bố mẹ trong căn nhà được ghép bằng những miếng gỗ tạp và lợp tôn tuềnh toàng, chật hẹp. Ở cái tuổi đẹp nhất của người con gái, H’Blôi chưa một lần được chăm sóc bản thân mà phải “lặn lội” cùng chồng chạy ăn từng bữa qua ngày.

Xã Ea Sin hiện có hơn 600 hộ với khoảng 2.800 nhân khẩu, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ 75%. Trong năm 2017, toàn xã có 35 trường hợp tảo hôn, còn năm 2018 cũng có đến 25 trường hợp tảo hôn.

Tương tự, H’Ngọc Niê (ở buôn Ea Bông, xã Ea Sin) cũng học hết lớp 9 thì nghỉ học vì gia đình quá khó khăn. Đến giữa năm 2018, khi vừa tròn tuổi 16, em đã lấy chồng. Hiện tại H’Ngọc đang mang thai tháng thứ 3, nhưng khi đề cập đến kiến thức chăm sóc bà mẹ và em bé trong quá trình mang thai, em chỉ lắc đầu nói: “Em không biết!”. Không những thế, cuộc sống gia đình khó khăn nên dù đang mang thai nhưng hằng ngày H’Ngọc vẫn phải đi rẫy, làm việc nặng nhọc để phụ gia đình trang trải cuộc sống…

Cộng tác viên dân số tư vấn cho cặp vợ chồng tảo hôn sử dụng biện pháp tránh thai để kế hoạch hóa gia đình.
Cộng tác viên dân số tư vấn cho cặp vợ chồng tảo hôn sử dụng biện pháp tránh thai để kế hoạch hóa gia đình.

Không chỉ H’Blôi, H’Ngọc, tình trạng tảo hôn vẫn thường xuyên xảy ra ở xã Ea Sin từ nhiều năm qua, từ thế hệ này qua thế hệ khác. Nguyên nhân chính là do người dân còn quan niệm lạc hậu, muốn cho con lấy vợ, lấy chồng sớm để có thêm lao động làm việc. Một số trường hợp khác lại do “mấy đứa trẻ” yêu nhau nhưng không biết cách bảo vệ dẫn đến mang thai ngoài ý muốn nên phải “cưới chạy”.

Chuyện chưa có hồi kết

Nhằm giảm tình trạng tảo hôn, ngay từ đầu năm 2018, Ban Dân số - kế hoạch hóa gia đình xã Ea Sin đã phối hợp với Ban Tư pháp, Hội Phụ nữ, Đoàn thanh niên, ban tự quản thôn buôn... tổ chức các buổi tuyên truyền Luật Hôn nhân và Gia đình tại các địa bàn trọng điểm về tảo hôn, kết hôn sớm.

Chị Phạm Thị Ngọc Diệp, cán bộ chuyên trách dân số xã Ea Sin cho biết: "Hằng tuần, tôi cùng các cộng tác viên dân số thôn, buôn đều tiến hành rà soát địa bàn, nắm bắt đối tượng, tổ chức hàng chục buổi tư vấn nhóm nhỏ, thăm hộ gia đình để vận động người dân nghiêm chỉnh chấp hành các quy định về hôn nhân và sinh đẻ... Song, hiệu quả đạt được không như mong muốn. Trên thực tế khi chúng tôi tuyên truyền, tư vấn, người dân cũng nghe và biết về độ tuổi kết hôn, nam đủ 20 tuổi và nữ đủ 18 tuổi. Nhưng nhiều người lại cho rằng, đến tuổi đó mới lấy vợ, lấy chồng thì già rồi, không ai để ý nữa. Do đó, tình trạng tảo hôn vẫn thường xuyên xảy ra". 

H’Blôi Mlô và đứa con nhỏ chưa đầy 2 tháng tuổi.
H’Blôi Mlô và đứa con nhỏ chưa đầy 2 tháng tuổi.

Qua tìm hiểu được biết, các trường hợp tảo hôn hoặc tổ chức tảo hôn trên địa bàn xã Ea Sin thời gian qua mới chỉ bị chính quyền địa phương nhắc nhở, mà chưa có hình thức xử phạt cụ thể. Đây cũng là một phần nguyên nhân khiến nhiều gia đình “vô tư” cho con em mình tảo hôn.

Thiết nghĩ, để cải thiện tình trạng tảo hôn nhức nhối ở xã Ea Sin, đã đến lúc cần có sự vào cuộc đồng bộ và mạnh mẽ hơn nữa của cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể địa phương, cũng như vận động sự tham gia của những người có uy tín trong cộng đồng, trưởng thôn, buôn, dòng họ...  Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng cần quyết liệt hơn trong việc áp dụng các chế tài xử phạt đối với những trường hợp tảo hôn, tổ chức tảo hôn...  để có sự răn đe và ngăn chặn những trường hợp vi phạm Luật Hôn nhân và Gia đình.

Kim Thảo


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.