Multimedia Đọc Báo in

Đoàn xã Vụ Bổn: Làm tốt công tác an sinh xã hội

09:42, 06/01/2019

Vụ Bổn là xã vùng sâu, vùng xa của huyện Krông Pắc với 15 dân tộc anh em cùng sinh sống, mặt bằng dân trí không đồng đều, đời sống người dân còn gặp rất nhiều khó khăn. Những năm qua, Đoàn xã Vụ Bổn đã đồng hành và huy động nhiều nguồn lực nhằm hỗ trợ người dân địa phương vươn lên.

Nhằm giúp người dân khắc phục những khó khăn trước mắt, Đoàn xã Vụ Bổn luôn quan tâm đến công tác kết nối với các câu lạc bộ, nhóm tình nguyện trong và ngoài tỉnh để thực hiện các chương trình thiện nguyện như trao quà, tặng học bổng, xây dựng các công trình nước sạch, nhà vệ sinh trường học trên địa bàn… Riêng trong năm 2018, Đoàn xã đã phối hợp tổ chức hơn 20 buổi tặng quà tại các thôn, buôn, trường học khó khăn với tổng số tiền hơn 700 triệu đồng.

Mới đây, trong một lần đi kiểm tra tình hình công tác đoàn tại cơ sở, anh La Văn Giang (Bí thư Đoàn xã) biết được tại thôn Thanh Sơn có một cây cầu làm bằng gỗ tạm bợ, là con đường huyết mạch để người dân thôn Thanh Sơn và một số người dân ở xã Ea Ô (huyện Ea Kar) đi lại, vận chuyển nông sản. Lưu lượng đi lại nhiều nên cầu thường hư hỏng, gây khó khăn cho người dân, nhất là vào mùa mưa bão. “Ngay sau đó, tôi chia sẻ câu chuyện này qua mạng xã hội facebook, kêu gọi các mạnh thường quân giúp đỡ. Nhờ sự kết nối của Mạng lưới tình nguyện Tây Nguyên, Đoàn xã đã được Câu lạc bộ Tủ sách khuyến học (TP. Hồ Chí Minh) hỗ trợ xây dựng một cây cầu kiên cố với tổng trị giá 190 triệu đồng và 25 triệu đồng để thực hiện chương trình Thắp sáng đường quê tại thôn Thanh Sơn, giúp người dân tại đây đi lại thuận tiện hơn.”

Tuyến đường thanh niên tự quản của Đoàn xã Vụ Bổn.
Tuyến đường thanh niên tự quản của Đoàn xã Vụ Bổn.
 

“Trong 4 năm trở lại đây, Đoàn xã Vụ Bổn đã trở thành cầu nối cho nhiều tổ chức thiện ntguyện trong và ngoài tỉnh thực hiện được 7 công trình lớn, có giá trị sử dụng lâu dài như hệ thống nước sạch, nhà nhân ái… với tổng kinh phí trên 800 triệu đồng, góp phần giúp người dân địa phương giảm bớt khó khăn” 

 
 
Anh La Văn Giang, Bí thư Đoàn xã Vụ Bổn

Đặc biệt, Đoàn xã còn tập trung tạo điều kiện cho thanh niên địa phương phát huy sức trẻ lập thân, lập nghiệp. Trong năm qua, Đoàn xã Vụ Bổn đã giúp 16 thanh niên làm hồ sơ vay vốn sản xuất kinh doanh, hộ nghèo, hộ cận nghèo… để làm phát triển kinh tế.

Đơn cử, sau khi có chủ trương của Huyện Đoàn về việc hỗ trợ nguồn vốn khởi nghiệp cho đoàn viên, thanh niên, Đoàn xã đã tiến hành hướng dẫn, làm thủ tục cho anh Nguyễn Văn Sơn (thôn 10) tiếp cận nguồn vốn 20 triệu đồng, nhờ vậy, anh Sơn có thêm vốn để phát triển mô hình trồng chanh dây và được Tỉnh Đoàn tuyên dương là “Thanh niên khởi nghiệp tiêu biểu năm 2018”.

Ngoài ra, Đoàn xã còn phối hợp với các công ty tư vấn, giới thiệu việc làm tổ chức hai buổi giới thiệu việc làm tại xã cho 80 thanh niên, giới thiệu 10 thanh niên tham gia lao động ở các công ty trong và ngoài tỉnh…

Trong năm 2018, Đoàn xã đã tiến hành xây dựng 1 công trình thanh niên sân bóng chuyền, 2 sân bóng đá mini và trồng 200 cây xanh quanh khu vực sân vận động của xã góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người dân địa phương. Không dừng lại ở đó, Đoàn xã luôn chủ động thực hiện các chương trình hành động trong xây dựng nông thôn mới.

Cầu dân sinh tại thôn Thanh Sơn (xã Vụ Bổn) đang được xây dựng.
Cầu dân sinh tại thôn Thanh Sơn (xã Vụ Bổn) đang được xây dựng.

Đoàn viên, thanh niên địa phương đã đóng góp hơn 60 ngày công lao động để thực hiện xây dựng đường giao thông nông thôn tại thôn 6, 7. Đoàn xã đã đăng ký, cắm biển 2 tuyến đường thanh niên tự quản có tổng chiều dài 2,7 km, giao về cho các chi đoàn thôn để giữ gìn tuyến đường xanh – sạch – đẹp. Trong thời gian tới, Đoàn sẽ tiếp tục nhận quản lý hơn 30 tuyến đường còn lại...

Thùy Dung


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.