Làm giàu nhờ thay đổi nếp nghĩ, cách làm
Chuyển từ độc canh sang đa canh, áp dụng tiến bộ kỹ thuật, liên kết trong sản xuất không chỉ giúp người dân tộc thiểu số tại chỗ trên địa bàn xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột vươn lên thoát nghèo mà còn làm giàu trên chính mảnh đất của mình.
Một trong những hộ tiên phong thay đổi tư duy sản xuất mang lại hiệu quả rõ rệt là gia đình ông Y Hrah Êban ở buôn Ko Tam. Trước đây, với 1,6 ha đất, gia đình ông chỉ độc canh cây cà phê, lại không chú trọng khâu bón phân, chăm sóc nên năng suất đạt thấp, thu nhập còn lại không đáng kể. Sau khi được tham gia một số lớp tập huấn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, tham quan những mô hình đa cây, đa con, ông Y Hrah mạnh dạn trồng xen 100 cây sầu riêng ghép vào vườn cà phê. Những cây cà phê già cỗi năng suất thấp ông nhổ bỏ trồng lại hoặc tái canh bằng phương pháp ghép chồi. Bên cạnh đó, ông còn tập trung khâu chăm sóc, vét bồn, tưới nước và sử dụng cân đối các loại phân bón. Hiện nay trung bình mỗi năm gia đình ông thu được 10 tấn sầu riêng, 4,5 tấn cà phê, trừ chi phí thu lãi khoảng 300 triệu đồng/năm. Theo ông Y Hrah, việc đa dạng cây trồng sẽ giúp tiết kiệm chi phí đầu tư, công chăm sóc, tránh rủi ro về giá mà thu nhập cũng tăng trên một đơn vị diện tích.
Cán bộ xã Ea Tu tham quan vườn cây của gia đình ông Y Hrah Êban (bìa trái) ở buôn Ko Tam. |
“Đa dạng hóa cây trồng đã giúp nông dân xã Ea Tu, đặc biệt là người dân tộc thiểu số tại chỗ cải thiện cuộc sống. Đến cuối năm 2018, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 35 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3,6%”.
Phó Chủ tịch UBND xã Ea Tu Bùi Tá Danh
|
Hay gia đình bà H’Ban Btu ở buôn Ko Tam cũng đã nâng cao thu nhập nhờ chuyển từ độc canh sang đa canh và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Trên 2 ha đất canh tác, gia đình bà đã trồng cây keo xung quanh rẫy để chắn gió, giữa các hàng cà phê trồng xen bơ, sầu riêng, mãng cầu, chuối. Số diện tích cà phê già cỗi được gia đình cải tạo lại bằng giống mới năng suất cao. Bà H’Ban cho hay, nhờ thay đổi cách nghĩ, cách làm nên hiệu quả kinh tế nâng lên rõ rệt.
Xã Ea Tu có 6 thôn, 6 buôn với 3.600 hộ, hơn 16.000 khẩu, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 50%. Phó Chủ tịch UBND xã Bùi Tá Danh cho biết: Để bà con thay đổi nếp nghĩ, cách làm, nhất là đổi mới tư duy trong phát triển kinh tế, những năm qua, cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể của xã đã đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cải tạo vườn tạp, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Hội Nông dân xã, cán bộ khuyến nông và cộng tác viên ở các thôn, buôn tích cực phối hợp tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo đầu bờ, đầu chuồng, giúp nông dân xây dựng mô hình, tham quan, học tập, nhân rộng.
Chị H'Duyên Byă ở buôn Ko Tam thu hoạch cà phê của gia đình. |
Nhờ vậy, đến nay nhiều hộ đã chuyển đổi từ độc canh cà phê sang trồng xen tiêu và các loại cây ăn quả, chủ động áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Phần lớn các nông hộ đã hướng đến sản xuất bền vững, sử dụng các loại giống cây trồng có nguồn gốc xuất xứ, tưới nước tiết kiệm, bón phân cân đối, sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục cho phép. Hiện nay, trên địa bàn xã đã xuất hiện nhiều mô hình đa cây hiệu quả như: vườn ươm cây giống, sầu riêng ghép, bơ trái vụ của gia đình ông Y Blia Adrơng ở buôn Kmrơng Krông B; cà phê xen sầu riêng, tiêu của gia đình ông Y Khai Niê ở buôn Kmrơng Krông A; cà phê xen tiêu, bơ, sầu riêng của gia đình chị H’Lịch Niê, H’Duyên Byă ở buôn Ko Tam…
Nguyễn Xuân
Ý kiến bạn đọc