Multimedia Đọc Báo in

Mùa cà phê - mùa làm ăn của người Hmông ở Cư Pui

10:13, 02/01/2019

Cứ vào mùa thu hoạch cà phê, hàng trăm lao động là người dân tộc Hmông ở xã Cư Pui (huyện Krông Bông) lại rủ nhau đi các tỉnh Đắk Nông, Lâm Đồng hái cà phê thuê. Mỗi mùa hái cà phê thuê, có người mang về thu nhập lên đến hàng chục triệu đồng.

Thôn Ea Bar có 258 hộ thì có đến hơn một nửa trong số đó có người nhà đi hái cà phê thuê ở các tỉnh Đắk Nông, Lâm Đồng. Đến nay vợ chồng ông Lý Seo Vạng đã có “thâm niên” 4 năm hái cà phê thuê ở các nơi. Cứ sáng thứ hai hằng tuần, hai vợ chồng lại chở nhau đi làm bằng xe máy, chiều thứ bảy quay về lo công việc ở nhà. Do cần cù, chịu khó nên mỗi tuần sau trừ hết chi phí, vợ chồng ông Vạng để dành được gần 3 triệu đồng. Ông Vạng bộc bạch: “Thu nhập này so với trồng ngô, sắn là khá cao. Chúng tôi để dành tiền đó mua phân bón cho cà phê, mua xăng phát cỏ và trang trải chi phí học tập của các con”.

Anh Sùng Mí Sính (thôn Ea Uôl) và những đứa con.
Anh Sùng Mí Sính (thôn Ea Uôl) và những đứa con.

Vào mùa thu hoạch cà phê, đến thôn Ea Uôl cũng chỉ gặp được những người già hoặc trẻ em bởi những người ở độ tuổi lao động trong các gia đình đều đi hái cà phê thuê ở các tỉnh xa. Thôn Ea Uôl có 307 hộ, 2.192 khẩu thì có đến 162 hộ nghèo và 94 hộ cận nghèo. Hoàn cảnh chung là đông con, ít đất sản xuất nên làm thuê là “nghề” chính của người dân trong thôn. Ở đa số các gia đình, cả hai vợ chồng cùng đi hái cà phê thuê, một số hộ có cả con lớn cũng tham gia.

Anh Sùng Mí Sính năm nay mới 31 tuổi nhưng đã có đến 4 đứa con. Không có đất sản xuất nên vợ chồng anh đi làm thuê quanh năm. Đứa con gái lớn mới hơn 14 tuổi nhưng năm ngoái cũng phải nghỉ học vào TP. Hồ Chí Minh làm thuê. Thấy con gái phải đi lao động sớm, vất vả mà tiền công lại ít nên năm nay anh để con gái ở nhà chăm sóc 3 đứa em nhỏ, còn vợ chồng anh đi hái cà phê ở tỉnh ngoài. Sau hơn một tháng hái cà phê tại Lâm Đồng, vợ chồng anh đã mang về 25 triệu đồng. Số tiền này đủ cho gia đình trang trải trong nhiều tháng tới.

Anh Sính tâm sự: “Do người thuê khoán hái được 1 kg cà phê họ trả 1.000 đồng nên hai vợ chồng mình tranh thủ làm để ngày công đạt cao. Ngày nào cũng dậy từ 4 giờ sáng nấu cơm ăn rồi đi hái. Buổi trưa tranh thủ ăn xong là đi làm ngay. Cà phê nhiều trái, dễ hái nên mỗi ngày hai vợ chồng mình hái được khoảng 15 bao, thu nhập khoảng 900.000 đồng".

Vợ chồng anh Sính Mí Hờ và đứa con trai 15 tuổi (cùng ở thôn Ea Uôl) mỗi ngày cũng kiếm được 1 triệu đồng từ việc hái cà phê thuê ở huyện Đắk Mil (tỉnh Đắk Nông). Về nhà đón Noel sau hơn 3 tuần đi hái cà phê thuê, gia đình anh Hờ đã mang về 23 triệu đồng. Anh dự định dùng số tiền đó mua một con bò cái làm giống và phân bón cho vườn cà phê, ruộng lúa của gia đình. Anh Hờ tâm sự: “Do đất vườn nhà đã bạc màu nên trồng cây gì cũng không năng suất, giá cả lại thấp, mỗi năm thu nhập cũng chỉ khoảng 10 triệu đồng. Nhân lúc nhàn rỗi, vợ chồng mình và con trai tranh thủ đi hái cà phê để có thêm thu nhập. Công việc không vất vả lại cho thu nhập cao, đủ để trang trải cuộc sống trong thời gian tới”.

Xã Cư Pui có 6 thôn đồng bào Hmông, rất đông người lao động ở các thôn này đều đi hái cà phê thuê ở các tỉnh ngoài vào mùa thu hoạch. Thu nhập từ việc hái cà phê đã giúp cho các gia đình bớt đi một phần khó khăn về kinh tế. Nhiều hộ đã có tiền mua phân bón cho các loại cây trồng; mua giống và thức ăn chăn nuôi. Tuy nhiên, việc người dân thường xuyên đi lao động ngoài tỉnh hằng tháng nhưng đa số không làm thủ tục tạm vắng nên gây không ít khó khăn cho công tác quản lý của ban tự quản các thôn, buôn. Ông Sính Cháng Páo, Trưởng thôn Ea Uôl cho biết: “Vào thời điểm cuối năm, đa số người dân trong tuổi lao động đi làm thuê ở nhiều nơi. Ở nhà chỉ còn người già, trẻ em, một số người trong ban tự quản và trưởng các nhóm đạo nên không thể tổ chức được các cuộc họp cũng như khó khăn trong việc điều tra, nắm bắt số liệu báo cáo”.

Tùng Lâm


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.