Multimedia Đọc Báo in

Người phụ nữ hết lòng với công tác nhân đạo

08:50, 10/01/2019

Là Chi hội trưởng phụ nữ rồi đến Chi hội trưởng nông dân ở tổ dân phố 7, bà Nguyễn Thị Tâm ở thị trấn Quảng Phú (huyện Cư M’gar) luôn tích cực triển khai các hoạt động hỗ trợ các hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo cũng như tham gia các hoạt động nhân đạo, từ thiện ở địa phương.

Đặc biệt, năm 2008 bà đã làm một việc khiến nhiều người không khỏi bất ngờ và nể phục, đó là bán mảnh đất của gia đình để lấy tiền mua 3 con bò (trị giá hơn 20 triệu đồng) hỗ trợ cho một gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn phát triển chăn nuôi.

Từ năm 2009, bà Tâm được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ thị trấn. Bà đã chủ động đến từng chi hội củng cố tổ chức mạng lưới cơ sở, tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia công tác nhân đạo, từ thiện, hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời những trường hợp có hoàn cảnh khó khăn, hoạn nạn. Đồng thời bà còn thường xuyên khảo sát và nắm danh sách từng trường hợp, từng hoàn cảnh cần giúp đỡ để có kế hoạch vận động trợ giúp cho phù hợp... Thời gian đầu, bà Tâm cũng gặp không ít khó khăn bởi nhận thức về công tác từ thiện, hoạt động nhân đạo của một bộ phận người dân trên địa bàn vẫn còn nhiều hạn chế nên các cá nhân, đơn vị mạnh thường quân đóng góp, chăm lo cho người nghèo, nạn nhân chất độc da cam... chưa được nhiều (bình quân mỗi năm tổng giá trị huy động được chỉ đạt khoảng 500 triệu đồng).

Bà Nguyễn Thị Tâm (thứ tư hàng đầu từ trái sang) trao quyết định bàn giao nhà Tình thương cho một hộ gia đình.
Bà Nguyễn Thị Tâm (thứ tư hàng đầu từ trái sang) trao quyết định bàn giao nhà Tình thương cho một hộ gia đình.

Nhờ sự nhiệt tình, năng động của bà Tâm, các phong trào, hoạt động do Hội Chữ thập đỏ thị trấn phát động đã có những chuyển biến rõ nét và nhận được sự hưởng ứng tích cực của các cá nhân, đơn vị trong và ngoài địa bàn. Đặc biệt là trong phong trào Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam. Từ năm 2009 đến nay, bà Tâm đã cùng với Hội Chữ thập đỏ thị trấn vận động các tổ chức tôn giáo, các doanh nghiệp, cá nhân, mạnh thường quân trong và ngoài địa bàn ủng hộ bằng tiền mặt, thăm và tặng 6.636 suất quà cho các hộ nghèo, nạn nhân chất độc da cam, gia đình chính sách, đối tượng bảo trợ xã hội, người khuyết tật, người già neo đơn; vận động xây dựng và sửa chữa được 25 ngôi nhà tặng các hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về nhà ở. Đồng thời, phối hợp tổ chức tư vấn sức khỏe, khám chữa bệnh và cấp phát thuốc miễn phí cho 340 lượt người, tặng 2.900 bộ quần áo, trao tặng 44 sổ tiết kiệm, 250 bộ chăn màn, trên 50 chiếc xe đạp, 50 chiếc xe lăn, 3 con bò và nhiều phần quà thiết thực, ý nghĩa khác với tổng trị giá trên 6,4 tỷ đồng.

Nói về công việc của mình, bà Tâm bộc bạch: “Trước đây, gia đình tôi cũng gặp rất nhiều khó khăn, thiếu thốn nên tôi hiểu được nỗi cực nhọc của các hộ nghèo... Cuộc sống ổn định hơn đã thôi thúc tôi tham gia công tác nhân đạo, từ thiện. Được giúp đỡ người nghèo, nạn nhân chất độc da cam, gia đình chính sách, đối tượng bảo trợ xã hội, người khuyết tật, người già neo đơn... cũng là niềm vui của tôi. Còn sức lực thì tôi sẽ còn gắn bó với công tác từ thiện để tiếp tục giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh, những hoàn cảnh khó khăn”.

Trung Dũng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.