Multimedia Đọc Báo in

Phụ nữ đồng hành với thực phẩm an toàn

08:43, 08/01/2019

Nhận thức được vai trò và trách nhiệm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn, hội viên phụ nữ tại các địa phương trong tỉnh đã có nhiều cách làm hiệu quả trong việc “nói không với thực phẩm bẩn”.

Năm 2011, chị Nguyễn Thị Lý (thôn 2, xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột) quyết định chuyển đổi 2 ha đất trồng cà phê kém hiệu quả sang trồng rau. Thời gian đầu thực hiện, chị gặp nhiều khó khăn khi canh tác không đúng quy trình, giá cả bấp bênh, lại không có đầu ra ổn định. Chị Lý đã đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình sản xuất rau sạch trong tỉnh và đưa ra ý tưởng khởi nghiệp, vận động một số chị em trong vùng thành lập Tổ hợp tác Rau an toàn Thuận An. Được Hội LHPN xã Ea Kao tín chấp giúp vay các nguồn vốn ưu đãi, qua một thời gian hoạt động và phát triển sản xuất đúng quy trình, sử dụng các chế phẩm vi sinh không độc hại, không gây ô nhiễm môi trường, đến tháng 2-2018, Tổ hợp tác được cấp giấy chứng nhận VietGAP và cung cấp các sản phẩm rau quả tươi an toàn cho hệ thống siêu thị Thành Phát (TP. Buôn Ma Thuột).

Cán bộ Hội LHPN huyện Krông Năng giới thiệu sản phẩm khởi nghiệp về thực phẩm an toàn của hội viên phụ nữ trên địa bàn tại Ngày hội khởi nghiệp năm 2018.
Cán bộ Hội LHPN huyện Krông Năng giới thiệu sản phẩm khởi nghiệp về thực phẩm an toàn của hội viên phụ nữ trên địa bàn tại Ngày hội khởi nghiệp năm 2018.

Tham gia tổ hợp tác, các thành viên được tập huấn về quy trình sản xuất và cách chăm sóc rau khoa học, trồng trong nhà lưới, không dùng các loại thuốc trừ sâu, thuốc kích thích tăng trưởng cây trồng. Theo tính toán của chị Lý, mô hình trồng rau sạch có vốn đầu tư thấp, cho nguồn thu khoảng 30 triệu đồng/sào/năm, cao hơn so với nhiều loại cây trồng khác. Chị Lý cho biết: “Tham gia tổ hợp tác, các cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp biết đến sản phẩm của mình nhiều hơn nên đầu ra tương đối ổn định. Hiện nay, nhu cầu của người dân trong việc tiêu dùng thực phẩm sạch đang gia tăng, thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục vận động, kết nạp thêm thành viên tham gia tổ hợp tác, đầu tư mở rộng mô hình trồng rau trong nhà lưới, đồng thời luân phiên thay đổi giống để tạo sự đa dạng trong sản xuất, đáp ứng nhu cầu của thị trường”.

Tại huyện Cư M’gar, hưởng ứng Năm thi đua “Phụ nữ đồng hành với thực phẩm an toàn”, Hội LHPN huyện đã chỉ đạo tất cả các Hội cơ sở trên địa bàn thực hiện hoạt động truyền thông về an toàn thực phẩm (ATTP) và tổ chức cho chị em tham quan học tập một số mô hình trồng trọt, chăn nuôi hiệu quả; đồng thời xây dựng mô hình điểm Tổ hợp tác Sản xuất rau an toàn tại thị trấn Ea Pốk với 11 thành viên tham gia. Đến nay, Hội đã hỗ trợ thành lập được 53 mô hình “Sản xuất thực phẩm an toàn”, trong đó có 22 mô hình đã liên kết tạo đầu ra cho sản phẩm.

Năm 2018, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh đã thành lập 23 hợp tác xã, tổ hợp tác, tổ liên kết sản xuất thực phẩm an toàn; ra mắt 234 mô hình "Phụ nữ thực hiện an toàn thực phẩm"...

Bà Hà Thị Hương, Chủ tịch Hội LHPN huyện Cư M’gar cho hay: “Thông qua hoạt động, Hội đã giúp nhiều hội viên được đào tạo nghề, có kiến thức áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tự tin phát huy sức sáng tạo thực hiện ý tưởng. Hiện nay, nhiều mô hình đi vào hoạt động ổn định, thu hút nhiều thành viên tham gia với thu nhập bình quân khoảng 3 triệu đồng/người/tháng”.

Cán bộ, hội viên phụ nữ tham quan mô hình sản xuất rau thủy canh tại thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana.
Cán bộ, hội viên phụ nữ tham quan mô hình sản xuất rau thủy canh tại thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana.

Thời gian qua, công tác thực hiện vệ sinh ATTP luôn được các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh tham gia tích cực. Với chủ đề công tác năm 2018 “Phụ nữ đồng hành với thực phẩm an toàn”, các hoạt động truyền thông về ATTP của các cấp Hội đã thu hút sự tham gia của trên 297.000 lượt cán bộ, hội viên, phụ nữ.

Thông qua những hoạt động cụ thể, phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương, trong năm Hội đã vận động được hơn 98.700 cơ sở sản xuất, kinh doanh ký kết thực hiện ATTP; vận động trên 289.000 hội viên đăng ký thực hiện 10 cam kết vàng về sử dụng thực phẩm an toàn; hỗ trợ 805 hội viên phụ nữ xây dựng các mô hình khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh về thực phẩm an toàn với tổng số vốn trên 12 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các cấp Hội trong tỉnh đã tổ chức 75 lượt giám sát việc chấp hành pháp luật về ATTP tại các cơ sở sản xuất, chế biến nông sản, đặc biệt là các cơ sở có bếp ăn bán trú, trường mẫu giáo; đồng thời phối hợp với các ngành chức năng kiểm tra liên ngành về vệ sinh ATTP tại 424 cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng ăn uống, buôn bán thực phẩm, hộ kinh doanh thức ăn đường phố.

Qua một năm thực hiện, các mô hình về thực phẩm an toàn của phụ nữ không chỉ đem lại năng suất, chất lượng, cung cấp sản phẩm an toàn phục vụ đời sống sinh hoạt của người dân mà còn có sức lan tỏa, nhân rộng. Hướng đến mục tiêu giúp hội viên, phụ nữ nâng cao nhận thức về lựa chọn và sử dụng thực phẩm sạch, an toàn, nâng cao hơn nữa vai trò của phụ nữ trong công tác bảo đảm ATTP, thời gian tới, Hội LHPN các cấp trong tỉnh sẽ tăng cường phối hợp với các ngành chức năng kiểm tra, giám sát các cơ sở kinh doanh, chế biến thực phẩm, duy trì hoạt động các mô hình thực hiện ATTP... nhằm bảo đảm cung cấp ra thị trường những thực phẩm an toàn vì sức khỏe cộng đồng.

Vân Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.