Multimedia Đọc Báo in

TP. Buôn Ma Thuột: Điểm sáng về phát triển BHXH tự nguyện

09:58, 02/01/2019

Trong khi nhiều đơn vị đang gặp khó trong việc khai thác, thu hút đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện thì BHXH TP. Buôn Ma Thuột lại “gặt hái” được nhiều kết quả trong lĩnh vực này nhờ các biện pháp “kích cầu” hiệu quả.

Theo số liệu thống kê của BHXH TP. Buôn Ma Thuột, nếu như đến hết năm 2017, toàn thành phố mới chỉ có 197 trường hợp tham gia BHXH tự nguyện, thì từ đầu năm 2018 đến nay đã vận động được 377 trường hợp tham gia, nâng tổng số người đang tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn thành phố lên 574 người với số tiền thu được trên 4,3 tỷ đồng, đạt 202% kế hoạch được giao.

Nhân viên BHXH TP. Buôn Ma Thuột hướng dẫn người dân giải quyết thủ tục hành chính.
Nhân viên BHXH TP. Buôn Ma Thuột hướng dẫn người dân giải quyết thủ tục hành chính.

Để hoàn thành vượt mức kế hoạch, ngay từ đầu năm, BHXH thành phố đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp “kích cầu”. Theo bà Nguyễn Thị Thanh Trà, Phó Giám đốc BHXH TP. Buôn Ma Thuột, thời gian qua, đơn vị đã đẩy mạnh các giải pháp nhằm mở rộng, phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện. Trong đó, tập trung tuyên truyền chính sách ưu đãi của nhà nước về BHXH tự nguyện bằng nhiều hình thức như qua phương tiện thông tin đại chúng, tuyên truyền trong các hội nghị và truyền thông trực tiếp tại cơ sở. Đặc biệt, đơn vị đã thành lập 4 tổ tuyên truyền thường xuyên đi đến các tổ dân phố, thôn, buôn để giới thiệu về Luật BHXH nói chung cũng như BHXH tự nguyện nói riêng cho người dân có thể tiếp cận, tìm hiểu thông tin về loại hình BHXH tự nguyện. Đồng thời, tiếp tục ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác phát triển đối tượng và giải quyết chế độ BHXH; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản, gọn nhẹ nhằm nâng cao chất lượng phục vụ, tạo được sự hài lòng với người dân khi đến giao dịch.

Có thể nói, để có được kết quả trên phải kể đến sự góp sức không nhỏ của “những cánh tay nối dài” là mạng lưới đại lý ở khắp các xã, phường trên địa bàn. Tính đến nay, BHXH tỉnh đã ký hợp đồng với 6 tổ chức làm đại lý (gồm Bưu điện, UBND các xã phường, Bệnh viện Đa khoa thành phố, Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh,  Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình thành phố, Hội Nông dân thành phố) với khoảng 300 nhân viên thu và cộng tác viên tuyên truyền chính sách BHYT, BHXH tự nguyện. Với phương châm bám sát địa bàn, tuyên truyền đến từng thôn, buôn, từng đối tượng, sau khi được cơ quan BHXH tập huấn, mạng lưới đại lý đã hoạt động rất tích cực, mang lại hiệu quả cao.

Ông Tạ Văn Diêm (58 tuổi ở tổ dân phố 1, phường Thành Nhất, TP. Buôn Ma Thuột), một người vừa tham gia BHXH tự nguyện bộc bạch: "Trước đây tôi từng công tác tại một số đơn vị khác nhau và được đóng BHXH bắt buộc gần 15 năm. Tuy nhiên do sức khỏe yếu, tôi xin nghỉ việc sớm nên BHXH chưa đủ thời gian để nhận lương hưu khi đủ tuổi. Mới đây, tôi được đại lý của BHXH đến nhà tuyên truyền, tư vấn về việc tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện để tiếp nối cho đủ thời gian 20 năm, như vậy khi đủ 60 tuổi sẽ được nhận lương hưu và các chế độ về BHYT, tử tuất giống như BHXH bắt buộc. Hiểu rõ những lợi ích mình có thể nhận được nên tôi đã bàn bạc với gia đình và quyết định tham gia BHXH tự nguyện".

Bà Nguyễn Thị Thanh Trà cho biết thêm: "Thời gian tới, ngoài các hình thức tuyên truyền truyền thống, chúng tôi sẽ tiếp tục tổ chức các buổi đối thoại trực tiếp với người dân, đặc biệt là các lao động chưa thực sự thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc tại các đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh để phát triển loại hình BHXH tự nguyện. Đồng thời, BHXH thành phố cũng sẽ tổ chức tập huấn cập nhật thông tin mới và trao đổi, chia sẻ kỹ năng tuyên truyền đến 100% đại lý trên địa bàn nhằm nâng cao năng lực tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện của đội ngũ này".

Theo Luật BHXH năm 2014, công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên, nếu không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc đều có thể đăng ký tham gia BHXH tự nguyện. Người tham gia BHXH tự nguyện được hưởng nhiều lợi ích như những người tham gia BHXH bắt buộc.

Khánh Duy


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.