"Kỳ nhân" múa dẻo chốn rừng xanh
Ở huyện vùng biên Ea Súp có hai thiếu nữ xinh đẹp, múa dẻo điêu luyện, được công chúng mến mộ. Nhưng đang ở thời kỳ đỉnh cao, hai chị bất ngờ rời xa ánh đèn sân khấu khiến nhiều người tiếc nuối.
Vượt chặng đường hơn 80 cây số từ TP. Buôn Ma Thuột về thôn 18, xã Ea Rốk (Ea Súp) tôi gặp chị Cao Thị Dung (SN 1982) - một trong hai thiếu nữ múa dẻo có tiếng của 15 năm về trước. Chị Dung là người Nguồn, sinh ra ở huyện Minh Hóa (Quảng Bình). Từ nhỏ chị rất thích đi xem văn nghệ và “khoái” nhất tiết mục múa dẻo uốn người gắp chén của đôi nghệ nhân nên về tập theo. Chị rủ nhóm bạn trong xóm cùng tập hoặc tự ra sau nhà uốn nhảy trên đống rơm. Thấy cháu mê say tập luyện, bà ngoại chị Dung - cũng là một người múa dẻo điệu nghệ dạy thêm cho chị nhiều động tác khó. Tập hơn một tháng, chị đã múa thuần thục, bắt đầu theo bà đi diễn văn nghệ.
Chị Dung và cháu Hạnh luyện tập động tác uốn dẻo. |
Bà Nguyễn Thị Loan, một người dân ở xã Ea Lê từng nhiều lần xem đôi Dung - Nguyệt múa kể, trong các tiết mục văn nghệ, bà chỉ thích múa dẻo. Ở huyện Ea Súp này, không có ai múa dẻo đẹp như cặp Dung - Nguyệt, đúng là “Kỳ nhân”. Đã rất lâu rồi bà không thấy họ múa, không biết họ đã đi đâu, làm gì. Bà hy vọng một ngày gần nhất được thấy họ “tái xuất”. |
Năm lên 10 tuổi, chị Dung theo gia đình vào Đắk Lắk. Cuộc sống khó khăn, chị học hết lớp 7 thì ở nhà làm rẫy. Dẫu vậy, đam mê múa dẻo vẫn luôn cháy trong chị. Sau giờ lao động, chị cùng với Nguyệt (chị em bà con) tập múa. Từ đó, cặp song nữ Dung - Nguyệt luôn có mặt trong các hội thi văn nghệ của làng, xã, huyện, thậm chí cấp tỉnh. Biểu diễn ở đâu, khán giả cũng căng mắt, thót tim theo dõi từng động tác uốn người dùng miệng gắp từng chiếc chén, đĩa xếp chồng lên nhau. Nhiều lần công diễn, chị Dung nhớ nhất là diễn trên tỉnh vào năm 2002. Tiết mục múa dẻo giành giải Đặc biệt, mỗi người được 500 nghìn đồng, đây là phần thưởng lớn nhất chị từng nhận. Sau cuộc thi, chị Dung, Nguyệt tiếp tục theo đoàn thông tin tuyên truyền huyện Ea Súp đi diễn nhiều nơi. “Cứ 5 giờ chiều, hai chị em đã ăn mặc chỉnh tề, tóc tai gọn gàng chờ xe của đoàn đến đón. Trang phục diễn chỉ là bộ đồ thun giống đồng phục thể dục của học sinh. Đầu tóc chỉ cần buộc cao, đan tết lại là xong. Đi diễn từ chiều đến tối khuya, lắm hôm trời mưa, người ướt sũng nhưng ai nấy đều vui”, chị Dung nhớ lại. Thời ấy, chị Dung có nghe thông tin mình sẽ được đưa đi học thêm về bộ môn múa chuyên nghiệp nhưng chờ mãi không thấy đâu... Rồi duyên đến, chị lập gia đình. Những buổi đi diễn cứ thế thưa dần theo gánh nặng cơm áo gạo tiền cho tổ ấm nhỏ. Người bạn diễn cùng chị cũng theo chồng đi nơi khác sinh sống. Tiết mục múa dẻo chỉ còn trong ký ức. Chị Dung cho biết môn múa dẻo này phải có hai người múa thì mới hay và không bị đơn điệu. Bởi có động tác khó, nguy hiểm cần hai người phối hợp như: Một người đứng lên chân người kia rồi uốn xuống gắp chén. Để không bị “bể dĩa” hay tai nạn nghề nghiệp, chị và bạn diễn phải tập luyện nhiều lần.
Từ ngày rời xa ánh đèn sân khấu, chị Dung chú tâm vào công việc nương rẫy, buôn bán nuôi hai con ăn học. Năm 2014, chị mới “tái xuất” diễn cho hội phụ nữ thôn xem. Dù điệu múa không được mềm mại, uyển chuyển như xưa nhưng ai xem cũng thích. Khi chị lui về “ở ẩn”, có con gái đầu lòng của chị là Cao Thị Bích Hạnh (học lớp 12, Trường THPT Ea Rốk) nối nghề. Hạnh cũng xinh đẹp, mảnh mai như mẹ. Hằng ngày sau giờ học, Hạnh tự tập uốn dẻo trên chiếc đệm. “Biết con thích múa mình mừng lắm, nó làm mình nhớ lại thời trẻ. Giá như ngày ấy mình được đi học múa chuyên nghiệp thì hay biết mấy. Còn gì hạnh phúc bằng được sống theo đam mê của mình” chị Dung nuối tiếc. Dù Hạnh rất thích múa dẻo nhưng để diễn như thời huy hoàng của mẹ Dung e rất khó. Bởi em không tìm được bạn tâm giao, vả lại lịch học tập chiếm gần như hết thời gian…
Huỳnh Thủy
Ý kiến bạn đọc