Lưu giữ hồn quê
Người Bình Định đến định cư tại xã Ea Bar (huyện Buôn Đôn) từ thập niên 70-80 của thế kỷ trước. Trải qua nhiều thay đổi về kinh tế, văn hóa, những người con của vùng đất “Địa linh nhân kiệt” vẫn giữ được bản sắc của quê hương, được thể hiện rõ trong ngày Tết.
“Ruộng lúa, chuồng bò không bằng một lò bánh tráng”
Với người Bình Định, trong nhà dẫu có lúa gạo đầy bồ thì bà con vẫn luôn “thủ” một vài ràng bánh tráng ăn thêm lúc lỡ bữa và thết đãi khi có khách đột xuất. Vậy nên nghề làm bánh tráng truyền thống đã “theo chân” họ đến vùng quê mới. 37 năm qua, nghề làm bánh tráng thủ công giúp cho nhiều gia đình ở xã Ea Bar thoát nghèo, có người trở thành triệu phú.
Không theo khuôn mẫu nào, tùy vào mục đích sử dụng mà có nhiều cách tráng bánh khác nhau. Bánh dày hay mỏng, giòn hoặc dai... là do từng loại gạo, cách pha bột, đặc biệt là điều chỉnh lửa. Để cho ra mẻ bánh tráng đúng “gu” Bình Định, khi cho bột lên khuôn phải quay đều tay theo hình tròn, tốc độ cũng vừa phải, khi bánh vừa kịp chín phải nhanh tay gỡ ra liếp nếu không bánh chín quá sẽ khó lấy và phơi nắng vào khoảng từ 7 - 10 giờ sáng.
Từ đường dòng tộc Hoàng Công ở thôn 7 (xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn). |
Dịp Tết là lúc vào mùa của làng nghề bánh tráng xã Ea Bar. Hiện nay, trước nhu cầu của người tiêu dùng, nhiều gia đình ở đây đã đầu tư máy xay bột, máy tráng bánh cho năng suất cao. Ông Phan Đình Ngọc (ở thôn 7) - gia đình ba đời gắn bó với nghề làm bánh tráng cho biết: “Làm bánh tráng bằng máy móc nhanh hơn, năng suất hơn, mỗi ngày có thể làm từ 4 - 5 tạ gạo (khoảng 25.000 cái bánh). Trong khi đó, làm bánh tráng truyền thống chỉ bằng một nửa năng suất trên, chưa kể phải thức khuya, dậy sớm, ngồi bên bếp lửa tráng bánh liên tục nên thường xuyên đau mắt do nóng và khói. Biết là khó nhọc, nhưng nó là nghề truyền thống, là “gốc” của người Bình Định, khó mà bỏ được”.
Xã Ea Bar hiện có hơn 400 hộ làm bánh tráng, nhưng chỉ có khoảng 10 hộ đầu tư máy móc công nghệ mới để làm bánh, còn những người như ông Ngọc vẫn ngày đêm cần mẫn bên bếp lửa để giữ nghề làm bánh truyền thống.
Ly hương bất ly tổ
Dù rằng đã “neo đậu” trên quê hương thứ hai, nhưng trong lòng những người con Bình Định ở xã Ea Bar luôn đau đáu nỗi nhớ quê. Mỗi khi Tết đến càng làm cho họ nhớ về không khí của đêm giao thừa rộn ràng từ làng trên đến xóm dưới, sự tất bật chuẩn bị mâm cao cỗ đầy trên bàn thờ gia tiên... Vì thế, trong mỗi gia đình người Bình Định xa xứ đều có một bàn thờ vọng (vọng về quê hương mà thờ).
Ông HOÀNG NGỌC TRI, thôn 7 (xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn)
|
Ông Hoàng Ngọc Tri đến sống tại thôn 7 (xã Ea Bar) cách đây hơn 30 năm. Ở cái tuổi gần “thất thập cổ lai hy”, không thể thường xuyên về quê để thăm hỏi người thân, thắp nén nhang trên bàn thờ tổ tiên, ông Tri quyết định xây dựng từ đường dòng tộc Hoàng Công ở thôn 7. Theo ông Tri, dù là bàn thờ vọng hay từ đường thì với người Bình Định, đêm giao thừa đều phải làm mâm cơm cúng rước ông bà. Mâm cơm cúng rước ông bà ngoài những vật phẩm như nhang - đèn - trà - rượu; hoa - trái; vàng bạc - áo giấy còn có những món ăn mà người đã khuất lúc sinh thời thích ăn. Trong đó bắt buộc phải có tô canh khổ qua nhồi thịt và đĩa cá chiên. Nếu ở các tỉnh Nam Bộ, hoa quả đơm trên bàn thờ thường là các loại quả như mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài... thì với người Bình Định chỉ có 3 loại quả là chuối, bưởi, quả nhỏ (quýt, mận, sung...). Ngoài mâm hoa quả, trên bàn thờ gia tiên của người Bình Định trong ngày Tết còn bài trí thêm bánh mứt, xếp càng cao thì sự phồn thịnh trong năm mới càng nhiều. “Cách sắp xếp mâm trái cây phải theo thứ tự, quả bưởi được để trong lòng nải chuối, xung quanh xếp nhiều trái nhỏ. Vì vậy, đến ngày 29 hoặc 30 Tết, tôi đi chợ sớm để chọn nải chuối trái đều, quả bưởi tròn, gai nở to và một ít cam, sung, nho, mận... mong cho gia đình trong năm mới vẹn tròn, đầy đủ”, bà Nguyễn Thị Nở (thôn 9) chia sẻ.
Ở xã Ea Bar vẫn có nhiều hộ dân quê gốc Bình Định lưu giữ nghề làm bánh tráng. |
Cũng như cộng đồng người Bình Định ở Đắk Lắk, vào đêm giao thừa, nhiều gia đình Bình Định ở xã Ea Bar sẽ đem dụng cụ sản xuất nông nghiệp như: cày, cuốc, thúng... cất vào nơi kín đáo nhất. Theo quan niệm của người Bình Định, nếu trong năm mới những vật dụng này bị mất, thì gia đình sẽ bị mất tài sản, của cải. Tất cả vật phẩm bàn thờ gia tiên, dụng cụ làm nông nghiệp phải để đến ngày mùng 7 mới được làm lễ khai hạ để khởi đầu một năm mới nhiều suôn sẻ, may mắn.
Đó là nét đẹp văn hóa của người Bình Định, tuy nhiên có một số phong tục, tập quán không còn phù hợp với đời sống hiện đại. Ví như tục trồng cây nêu trong đêm giao thừa, hết tháng Giêng mới kết thúc Tết… Dù vậy, trong tâm thức của những người Bình Định xa quê, Tết xưa vẫn đậm đà với những thao thức bên nồi bánh chưng cay cay khói mắt, với mùi dưa hấu, củ kiệu, thịt kho tàu chiều 30, mùi hoa cúc, hương trầm thơm trên bàn thờ.
Hoàng Ân
Ý kiến bạn đọc