Nhiều ích lợi khi tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện
Đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) là để được hưởng lương hưu khi về già, chủ động trong sinh hoạt, không phụ thuộc con cháu, cuộc sống được an nhàn, nhiều chi phí phát sinh trong đời sống tuổi già được quỹ BHXH đảm bảo như: Được cấp thẻ bảo hiểm y tế với mức thanh toán 95% chi phí khám chữa bệnh, được tăng lương hưu theo chỉ số trượt giá, thân nhân được hưởng trợ cấp tuất, trợ cấp mai táng...
Nếu như trước đây chỉ có cán bộ, công nhân, viên chức nhà nước mới có lương hưu thì nay mọi người dân đều có quyền hưởng lương hưu nếu tham gia BHXH tự nguyện; trước đây chỉ có người lao động hưởng lương mới được doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị hỗ trợ đóng BHXH thì nay mọi người dân khi tham gia BHXH tự nguyện cũng được Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí để đóng BHXH.
Điều kiện để đăng ký tham gia BHXH tự nguyện là công dân Việt Nam có tuổi đời từ 15 tuổi trở lên, không hạn chế tuổi tối đa, có thu nhập để có thể đóng bảo hiểm xã hội.
Ông Nguyễn Tấn Chính ở xã Hòa Khánh, TP. Buôn Ma Thuột đủ điều kiện được hưởng chế độ hưu trí sau khi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Ảnh: N. Xuân |
Về mức đăng ký đóng BHXH tự nguyện: Người lao động tùy theo khả năng của mình có thể đăng ký mức thu nhập làm căn cứ đóng BHXH từ 700.000 đồng (Mức chuẩn nghèo nông thôn) đến 27.800.000 đồng (Mức tối đa bằng 20 lần lương cơ sở), tương ứng với số tiền đóng hằng tháng là từ 154.000 đồng đến 6.116.000 đồng, chưa tính mức hỗ trợ của ngân sách nhà nước cho người lao động khi tham gia BHXH tự nguyện.
Mức đóng BHXH tự nguyện có thể thay đổi hằng tháng, hằng quý, hoặc hằng năm tùy theo lựa chọn của người tham gia, tuy nhiên, mức đóng càng cao thì mức hưởng lương hưu càng cao; tháng trước bạn có thu nhập cao có thể đóng 6 triệu đồng, nhưng tháng sau thu nhập thấp bạn có thể chỉ đóng 160 nghìn đồng, hoặc có thể không đóng. Tiền lương làm cơ sở để tính lương hưu sẽ là mức bình quân của toàn bộ số tiền đã đóng (gồm cả phần ngân sách hỗ trợ) sau khi nhân với chỉ số trượt giá từng năm.
Theo lý thuyết, mức hưởng lương hưu của người tham gia BHXH tự nguyện bằng 3,5 lần mức đóng bình quân, ví dụ người lao động đóng BHXH với mức 1 triệu đồng mỗi tháng với thời gian tối đa thì lương hưu được hưởng là 3,5 triệu đồng mỗi tháng, chưa tính đến chỉ số trượt giá và mức điều chỉnh tăng lương hưu. Tuy nhiên, người lao động thường không đạt đến mức tối đa do khó có thể đóng BHXH tự nguyện đều đặn mà không bị gián đoạn trong suốt quá trình lao động, thống kê cho thấy mức hưởng lương hưu của người lao động dao động từ 2,5 - 3 lần so với mức đóng bình quân.
Về phương thức đóng BHXH tự nguyện: Người dân có thể đóng BHXH hằng tháng, hằng quý, hằng năm, hoặc có thể đóng một lần cho 1, 2, 3, 4 hoặc 5 năm tiếp theo tùy theo lựa chọn; hoặc khi hết tuổi lao động nhưng còn thiếu thời gian để được hưởng chế độ hưu trí thì người lao động có thể đóng một lần cho các năm còn thiếu (tối đa là 10 năm) và được hưởng lương hưu ngay tại thời điểm hết tuổi lao động. Ví dụ bạn là nữ, khi tham gia BHXH tự nguyện đã là 45 tuổi, sau 10 năm đóng BHXH bạn đã đủ điều kiện về tuổi đời, như vậy bạn được đóng BHXH một lần cho 10 năm còn thiếu (đủ 20 năm) và bạn được nhận lương hưu ngay sau khi đủ 55 tuổi.
Về thời gian đóng BHXH tự nguyện: Không bắt buộc người lao động phải đóng liên tục, tùy theo tình hình thu nhập của mình mà người lao động quyết định đóng hay không đóng trong một thời gian nhất định, trong một năm bạn có thể đóng nửa năm và không đóng nửa năm còn lại; thời gian tính hưởng BHXH được tính cộng dồn tất cả thời gian có đóng BHXH trong suốt quá trình mà người lao động tham gia. Thời gian đóng BHXH đủ để được hưởng chế độ hưu trí là 20 năm, trong tương lai có thể giảm xuống còn 15 năm (theo Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23-5-2018 về cải cách chính sách BHXH của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII), tuy nhiên nếu người lao động đóng BHXH với thời gian càng dài thì tỷ lệ hưởng lương hưu càng lớn.
Chính sách BHXH tự nguyện đem lại lợi ích rất lớn cho người dân, cho xã hội, bảo đảm sự phát triển ổn định của xã hội, của đất nước trong tương lai; đồng thời với sự thông thoáng và hết sức linh hoạt trong quá trình triển khai thực hiện, chắc chắn rằng chính sách BHXH tự nguyện sẽ phát triển nhanh chóng, sớm đạt được mục tiêu BHXH cho mọi người lao động.
Trương Văn Bá
Ý kiến bạn đọc