Những nữ cán bộ thôn, buôn làm kinh tế giỏi ở M'Đrắk
Không chỉ làm kinh tế gia đình giỏi, nhiều nữ cán bộ thôn, buôn trên địa bàn huyện M’Đrắk còn phát huy tốt vai trò, trách nhiệm trong công tác xã hội, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Nữ trưởng thôn đi đầu trong xây dựng nông thôn mới
Với vai trò là Trưởng thôn 17 (xã Ea Riêng), trong những năm qua chị Nguyễn Thị Hoài luôn gương mẫu, đi đầu trong mọi phong trào.
Để vận động người dân địa phương nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế, giảm nghèo, chị Nguyễn Thị Hoài cùng gia đình mình đã cố gắng làm gương trong việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Gia đình chị hiện có hơn 8,5 ha đất sản xuất, trong đó có 7 ha keo; 1 ha cà phê, 700 m2 ao thả cá, kết hợp chăn nuôi heo, gà và nuôi bò. Nhờ áp dụng hiệu quả các khoa học kỹ thuật, chủ động phòng tránh dịch bệnh nên đàn vật nuôi và cây trồng của gia đình chị sinh trưởng và phát triển tốt, cho thu nhập cao. Không dừng lại ở đó, chị còn đầu tư mở rộng sang lĩnh vực kinh doanh nguyên liệu giấy. Hiện mô hình kinh tế tổng hợp của gia đình chị mang về nguồn thu nhập trên 350 triệu đồng mỗi năm. Chị Hoài còn đến từng hộ dân vận động phát triển kinh tế gia đình, hướng dẫn kinh nghiệm, chia sẻ cách làm ăn, với phương châm “cùng nhau thoát nghèo trên chính mảnh đất của mình”. Nhờ sự quan tâm, sâu sát đó, nhiều hộ dân trong thôn đã biết phát huy lợi thế đất đai thổ nhưỡng và thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi thành công, mang lại nguồn thu nhập ổn định. Thu nhập bình quân của người dân trong thôn từ 35 - 40 triệu đồng/năm, hộ nghèo giảm từ 5 - 6%/năm.
Chị Nguyễn Thị Hoài (thứ ba từ phải sang) vận động nhân dân tham gia giải phóng mặt bằng làm đường giao thông. |
Đặc biệt, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, bằng sự nhiệt huyết, gương mẫu đi đầu, từ năm 2013 đến nay, chị Hoài cùng với Chi bộ, Ban tự quản thôn đã vận động nhân dân đóng góp hơn 500 triệu đồng, hàng nghìn ngày công để xây dựng hội trường thôn, xây tường rào, đổ sân bê tông. Trước đây, con đường nối từ trung tâm xã đến thôn 17 chỉ là đường đất, sình lầy, đi lại rất khó khăn vào mùa mưa. Năm 2018, khi thôn được đầu tư 1,2 tỷ đồng từ Chương trình 135 làm đường giao thông, chị Hoài đã đến từng nhà vận động bà con trong thôn tự nguyện hiến đất vườn, chặt cây phá dỡ hàng rào giải phóng mặt bằng mở đường. Việc nhanh chóng giải phóng mặt bằng đã góp phần hoàn thành sớm con đường, giúp người dân đi lại thuận tiện hơn.
Nữ trưởng buôn năng nổ
Chị H'Blung Byă (48 tuổi) được bà con tin tưởng bầu làm Trưởng buôn Ak (xã Cư Mta) vào năm 2012. Không phụ niềm tin của người dân, chị đã thu xếp chu toàn công việc gia đình và tổ chức tốt các hoạt động của buôn.
Hiểu được các phong tục, tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, chị H’Blung luôn xác định việc xây dựng mối đại đoàn kết, gắn bó trong buôn làng là yếu tố quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy chị luôn sát sao gần gũi với mỗi gia đình, tìm hiểu tâm tư hoàn cảnh, động viên chia sẻ khó khăn của bà con; kịp thời giải quyết những vấn đề vướng mắc, tranh chấp trong buôn một cách thấu tình, đạt lý.
Chị H'Blung Byă giúp người dân trong buôn thu hoạch lúa. |
Bên cạnh đó, với vai trò Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã, Tổ trưởng tổ tín dụng tiết kiệm và vay vốn thường xuyên được tham gia tập huấn về công tác xóa đói, giảm nghèo, quản lý vốn vay; tập huấn về công tác khuyến nông, khuyến lâm..., chị đã vận động đồng bào có nhu cầu vay vốn tham gia vào tổ, hướng dẫn làm hồ sơ, nhận đơn xin vay vốn của tổ viên; phối hợp cùng với hội đoàn thể, Ban tự quản buôn bình xét đối tượng vay vốn đúng theo quy định một cách công khai, dân chủ. Khi ngân hàng giải ngân, chị đôn đốc tổ viên sử dụng vốn đúng mục đích, tránh tình trạng vay ké, vay hộ, lạm dụng nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ. Định kỳ 3 tháng, chị đến từng hộ vay kiểm tra việc sử dụng vốn, động viên, thăm hỏi...; qua đó kịp thời đôn đốc những hộ đủ điều kiện thực hiện trả nợ gốc, đề nghị ngân hàng cho gia hạn đối với hộ còn khó khăn chưa đủ điều kiện, cho vay lưu vụ đối với những hộ làm ăn tốt, có nhu cầu tiếp tục tái sản xuất kinh doanh. Nhờ đó, bà con dần thay đổi nếp nghĩ, cách làm cũ, mạnh dạn đầu tư sản xuất, kinh tế của các hộ trong buôn ngày càng phát triển, đời sống được nâng lên rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm dần theo từng năm. Kinh tế trong buôn phát triển, đời sống tinh thần của người dân trong buôn từng bước đi lên. Hằng năm buôn có trên 85% hộ đạt gia đình văn hóa; trên 80% gia đình có xe máy, điện thoại và tivi. Buôn Ak đạt buôn văn hóa từ năm 2012 đến nay. Tình hình an ninh trật tự được giữ vững.
Đi đôi với công tác xã hội, chị H'Blung còn tập trung phát triển kinh tế gia đình. Những năm trước đây, như nhiều hộ dân trong buôn, cuộc sống của gia đình chị cũng rất khó khăn. Sau nhiều trăn trở, năm 2013, chị mạnh dạn cải tạo diện tích đồi rừng kém hiệu quả để trồng rừng, kết hợp chăn nuôi. Hiện nay gia đình chị có 4 ha rừng keo, 2,5 ha hoa màu, 8 sào lúa nước, chăn nuôi thêm heo, bò... Tùy theo giá nông sản, chăn nuôi từng năm, trung bình gia đình chị có thu nhập trên 150 triệu đồng/năm.
Mỹ Sự
Ý kiến bạn đọc