Pháo nổ mà... buồn!
Với suy nghĩ Tết là phải có tiếng pháo nổ mới vui, nhiều người bất chấp lệnh cấm, vô tư tàng trữ, đốt pháo trái phép trong những ngày Xuân.
Về quê hương Tuyên Hóa (Quảng Bình) đón Tết, điều khiến tôi bất ngờ là quê nhà ngập tràn tiếng pháo. Tiếng nổ đì đùng ở làng trên, xóm dưới như muốn đánh thức cả vùng đất vốn dĩ rất yên bình. Không chỉ kéo dài trong đêm Giao thừa, tiếng pháo còn nổ bất chợt khiến người dân giật mình lúc nửa đêm, rạng sáng, chập tối, thậm chí ban ngày. Không biết tiếng pháo có làm Tết vui hơn, nhưng có một điều rõ ràng chính nó đã lấy đi sức khỏe, tiền bạc, thậm chí tính mạng của không ít người trong thời khắc được xem là hạnh phúc, ấm cúng của năm mới.
Một trong những hậu quả đau lòng liên quan đến pháo là sự ra đi của nam sinh lớp 9 cùng 4 người bị thương nặng tại tỉnh Hà Tĩnh vào ngày 29-1. Nguyên nhân được xác định ban đầu là do nhóm học sinh lên mạng mua vật liệu về tự chế thuốc pháo dẫn đến vụ nổ. Cùng ngày, tại tỉnh Nghệ An, sau tiếng nổ bất ngờ, người dân phát hiện một thanh niên tử vong bên đống đổ nát, nghi là dùng thuốc nổ để chế pháo.
Tương tự, tại tỉnh Đắk Lắk cũng không ít người mất Tết vì pháo, trong đó có trẻ em mới chỉ 8 tuổi, ngoài ra còn có không ít trường hợp bị thương như giập nhãn cầu, hỏng giác mạc, bỏng nặng, nát tay…
Thời gian qua, tỉnh Đắk Lắk đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục người dân nâng cao nhận thức trong việc thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo. Cùng với đó, lực lượng chức năng cũng đã ráo riết ngăn chặn, bắt giữ và xử lý rất nhiều vụ vận chuyển, sử dụng pháo trái phép xảy ra trên địa bàn. Tuy vậy, nhiều người vẫn cố tìm mọi cách để mua, sử dụng pháo như một thú vui khó bỏ trong dịp Tết. Không biết đến bao giờ những tiếng nổ đì đùng, những sự việc thương tâm sẽ dừng lại bởi đến nay nhiều người vẫn chưa ý thức được việc làm sai trái của mình.
Quỳnh Anh
Ý kiến bạn đọc