Multimedia Đọc Báo in

Phong trào "Đắk Lắk chung sức xây dựng nông thôn mới": Hiệu quả bước đầu ở huyện Cư M'gar

08:51, 26/02/2019

Sau gần 3 năm thực hiện Phong trào “Đắk Lắk chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2016-2020, bộ mặt nông thôn ở huyện Cư M’gar đã có nhiều khởi sắc, từng bước tạo được khí thế mới, niềm hăng say lao động, đổi mới của người dân địa phương.

Để khơi dậy phong trào sôi nổi trong quần chúng nhân dân, các tổ chức hội, đoàn thể của huyện đã đề ra các hoạt động thiết thực, cụ thể. Chẳng hạn, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện có Phong trào thi đua “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”, Đoàn Thanh niên duy trì các hoạt động “Ngày thứ bảy tình nguyện”, “ Ngày chủ nhật xanh”; Hội Phụ nữ gắn 19 tiêu chí về xây dựng NTM với phong trào “Xây dựng gia đình hạnh phúc, gia đình “5 không 3 sạch”; Hội Nông dân tích cực tuyên truyền vận động cán bộ, hội viên nông dân tham gia phong trào “Cả nước chung sức xây dựng NTM”...

Các phong trào đã tạo được sự chuyển biến sâu sắc trong toàn hệ thống chính trị, các tổ chức, cá nhân và sự hưởng ứng nhiệt tình, đồng lòng của người dân trên địa bàn tham gia xây dựng nông thôn mới. Qua 3 năm thực hiện, bằng nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, các chương trình lồng ghép, vốn doanh nghiệp và huy động nhân dân, huyện đã triển khai xây dựng làm mới, sửa chữa nâng cấp trên 292 km đường giao thông, với tổng kinh phí trên 124 tỷ đồng. Trong đó, huy động nhân dân đóng góp hơn 39 tỷ đồng, 20.304 ngày công lao động và hiến 51.862 m2 đất.

Nhà lưới sản xuất rau an toàn của Hợp tác xã rau Ea Mnang (huyện Cư M'gar).
Nhà lưới sản xuất rau an toàn của Hợp tác xã rau Ea Mnang (huyện Cư M'gar).

Bên cạnh đó, huyện cũng quan tâm xây dựng được nhiều mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn với tiêu thụ sản phẩm và bước đầu đạt kết quả vượt trội về năng suất, tăng thu nhập cho người dân như trồng sầu riêng theo liên kết chuỗi cho các hợp tác xã, tổ hợp tác tại xã Cư Suê, Quảng Tiến, Ea Tar, Ea Tul và Cư Dliê Mnông; xây dựng dự án hỗ trợ 3 hợp tác xã xây dựng Chứng nhận sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP: rau củ quả, bơ, gà xương đen.

Đặc biệt, hình thành một số mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như: mô hình trồng rau, củ quả trong nhà kính, nhà lưới; sản xuất nấm dược liệu, ăn tươi; mô hình tưới nước nhỏ giọt bằng công nghệ Israel cho cây cà phê tại xã Quảng Tiến, Ea Pôk, Quảng Phú… Đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, huyện đã triển khai có hiệu quả mô hình trồng nấm sò và nấm mộc nhĩ cho hộ nghèo tại xã Ea Mdroh, Ea H’đing, Cư Dliê Mnông, Ea Kpam, Ea Mnang, với quy mô thực hiện 10.000 bầu… tạo thêm ngành nghề nông thôn và thu nhập cho người dân. Ngoài ra, còn triển khai 13 mô hình nuôi dê cái luân chuyển cho hộ nghèo tại các xã Ea Tul, Ea Tar...;  4 mô hình bón phân cân đối cho cây cà phê; 2 mô hình bảo tồn nguồn gen giống lúa cạn LC93-1, khảo nghiệm giống lúa nước năng suất, chất lượng cao…

Một tuyến đường bê tông có sự đóng góp xây dựng của người dân xã Cuôr Đăng (huyện Cư M'gar).
Một tuyến đường bê tông có sự đóng góp xây dựng của người dân xã Cuôr Đăng (huyện Cư M'gar).

Có thể nói, Phong trào “Đắk Lắk chung sức xây dựng NTM” được triển khai trên địa bàn huyện Cư M’gar bước đầu đã cho thấy sự đồng thuận, nỗ lực cao của các cấp chính quyền và người dân nơi đây. Ở một số tiêu chí, kết quả đạt được dù còn khiêm tốn, song cơ bản bộ mặt nông thôn đã có nhiều khởi sắc. Đến nay, huyện Cư M’gar có 9/15 xã đạt chuẩn nông thôn mới; toàn huyện có 260/285 tiêu chí đạt chuẩn và cơ bản đạt, chiếm tỷ lệ 91,23%, bình quân đạt 17,33 tiêu chí/xã; đã có 10/15 xã đạt tiêu chí cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, 10/15 xã đạt tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa... Đây sẽ là tiền đề quan trọng để huyện Cư M’gar phấn đấu đến năm 2020 có 100% xã đạt và cơ bản đạt các tiêu chí, huyện cơ bản hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, nâng cao thu nhập bình quân lên trên 45 triệu đồng/người/năm.

Phong trào thi đua “Đắk Lắk chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2016-2020 được UBND tỉnh ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện theo Quyết định số 530/QĐ-UBND, ngày 8-3-2017. Theo đó, mục đích chính của kế hoạch là phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức và trực tiếp tham gia thực hiện thắng lợi Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh, góp phần cải thiện đáng kể đời sống vật chất và tinh thần cho người dân trên địa bàn nông thôn, phấn đấu đến năm 2020 có trên 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) và có 1 đến 2 huyện đạt chuẩn NTM, 60% số xã có cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội cơ bản đạt tiêu chí NTM…

 

Duy Khôi


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.