Multimedia Đọc Báo in

Xã Cư Pui (huyện Krông Bông): Gia tăng lao động đi làm việc tại các tỉnh phía Nam

08:56, 25/02/2019

Sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, người lao động ở các thôn, buôn xã Cư Pui (huyện Krông Bông) đi làm việc tại các tỉnh phía Nam như Lâm Đồng, Đắk Nông, Bình Dương, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh… có chiều hướng gia tăng.

Buôn Khanh có 196 hộ, 940 khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc M’nông. Năm 2018, do thiếu đất sản xuất, mất mùa, giá cả các loại nông sản thấp nên đã có 35 người làm đơn xin tạm vắng vào các tỉnh phía Nam tìm việc làm. Tiền lương mỗi tháng của những lao động này dao động từ 4,5 - 5 triệu đồng/người; nếu làm tăng ca sẽ có thu nhập từ 5 - 10 triệu đồng. Mức thu nhập này được xem là khá hấp dẫn nên sang năm 2019, những lao động trên tiếp tục xin tạm vắng để đi làm việc xa, ngoài ra còn có thêm một số lao động khác trong buôn cũng làm hồ sơ xin đi làm công nhân. Anh Y Theng Mdrang, Trưởng buôn Khanh cho biết: “Những người đi làm ăn xa đa số thuộc diện hộ nghèo. Nhiều hộ nợ nần do thiếu đất sản xuất, cuộc sống rất khó khăn. Nhờ đi lao động mà thời gian vừa qua, nhiều gia đình đã có tiền trả nợ ngân hàng, có tiền sắm sửa tết và chi phí sinh hoạt trong gia đình”.

Người dân xã Cư Pui đến UBND xã làm thủ tục xin đi lao động ở các tỉnh phía Nam.
Người dân xã Cư Pui đến UBND xã làm thủ tục xin đi lao động ở các tỉnh phía Nam.

Số lượng lao động đi làm ăn xa đông nhất là tại các thôn đồng bào di cư như: thôn Dhung Knung, Ea Bar và đông nhất là thôn Ea Uôl với gần 50% số lao động trong thôn đã đi làm ăn xa. Thôn Ea Uôl có 307 hộ thì có đến 256 hộ thuộc diện nghèo và cận nghèo. Trong năm 2018, có hàng chục người xin đi làm công nhân tại các công ty ở Bình Dương, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh và hàng trăm người đi lao động thời vụ như hái cà phê, hái hồ tiêu thuê ở các tỉnh Đắk Nông, Lâm Đồng. Do thu nhập khá nên đầu năm 2019, nhiều lao động trong thôn Ea Uôl lại tiếp tục đăng ký tạm vắng để đi làm tại các tỉnh ngoài; nhiều gia đình có cả hai vợ chồng đều đi làm xa. Như vợ chồng anh Thào Mý Chá gửi hai đứa con nhỏ cho bố mẹ chăm sóc để làm thuê cho một công ty chế biến gỗ ở tỉnh Bình Dương. Mỗi tháng nếu làm đủ công thì được nhận khoảng 4,2 triệu đồng/người; do vợ chồng anh Chá thường làm tăng ca nên mỗi người có thu nhập khoảng 8 triệu đồng/tháng, mức thu nhập mơ ước đối với lao động nông thôn. Anh Chá chia sẻ: “Năm ngoái vợ chồng đi làm dành dụm được mấy chục triệu về mua được hơn 6 sào đất rẫy. Năm nay vợ chồng mình tiếp tục gửi con cho ông bà đi làm công nhân để kiếm thêm tiền về đầu tư cho rẫy, vườn”.

Theo thống kê, đến nay xã Cư Pui đã có 154 người dân trong độ tuổi lao động làm thủ tục xin làm công nhân trong các công ty tại các tỉnh phía Nam. Đó là chưa kể hàng trăm lao động đi làm tự do ở xa nhưng không đăng ký tạm vắng. Tuy nhiên, bên cạnh việc tăng thu nhập cải thiện đời sống thì cũng có một số khó khăn, phức tạp như: nhiều gia đình cả hai vợ chồng đều đi làm nên con cái thiếu người chăm sóc, nuôi dưỡng, một số em học sinh phải nghỉ học để giữ nhà, trông em; một số diện tích đất trồng trọt bị bỏ hoang do không có người làm; một số hoạt động của thôn, buôn thiếu người tham gia... Ông Nguyễn Văn Tâm, Chủ tịch UBND xã Cư Pui cho biết: “Từ sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi đến nay, UBND xã đã chứng thực gần 200 hồ sơ cho người dân có nhu cầu đi lao động xa. Tuy nhiên, việc người dân đi lao động ở các tỉnh ngoài chỉ là giải pháp tình thế. Mong muốn của địa phương là người dân sẽ tận dụng đất đai sẵn có, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, sử dụng hiệu quả nguồn vốn, tiết kiệm chi tiêu trong sinh hoạt, có thu nhập cao từ lao động sản xuất trên chính quê hương mình”.

Tùng Lâm


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.