Multimedia Đọc Báo in

Huyện Krông Bông: Người dân vùng sâu góp công, góp của làm cầu

09:34, 21/03/2019
Chuẩn bị cho niên vụ sản xuất mới, từ đầu tháng 3-2019, một số địa phương vùng sâu, vùng xa của huyện Krông Bông tất bật sửa chữa cầu, đường bằng nguồn kinh phí do nhân dân đóng góp lên đến hàng trăm triệu đồng.
 
Thôn Noh Prông và thôn Ea Khiêm (xã Hòa Phong) hiện có 468 hộ với gần 2.600 khẩu là đồng bào dân tộc Hmông, di cư ngoài kế hoạch từ năm 1997. Các thôn cách trung tâm xã Hòa Phong 9 km, do bị chia cắt bởi suối Ea Noh Prông nên trước đây việc đi lại của đồng bào hai thôn vô cùng khó khăn. Cuối năm 2016, chiếc cầu treo dây võng dài 120 mét, rộng 2,7 mét, trọng tải 2,2 tấn, được xây dựng từ nguồn vốn sắp xếp ổn định dân di cư tự do, với tổng kinh phí xây lắp 4,6 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng, các phương tiện xe độ chế và xe công nông có tải trọng lớn hơn quy định lưu thông hằng ngày với số lượng lớn đã khiến mặt cầu xuống cấp nhanh chóng, Nhà nước phải đầu tư hàng trăm triệu đồng để sửa chữa.
 
Trước tình hình trên, cấp ủy, chính quyền xã Hòa Phong đã tuyên truyền, vận động nhân dân hai thôn Noh Prông và Ea Khiêm khắc phục bằng cách làm hệ thống cầu, đường song song với cầu dân sinh để vận chuyển hàng hóa. Hưởng ứng chủ trương trên, dù là thôn vùng 3, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 51% nhưng trong năm 2018, người dân hai thôn đã đóng góp 150 ngày công và 100 triệu đồng tiền mặt xây dựng 1 chiếc cầu bằng dầm sắt, mặt lót ván dài 20 mét, có trọng tải 5 tấn và đường dẫn lên hai đầu cầu dài trên 100 mét, tạo điều kiện cho việc giao thương hàng hóa thuận tiện, góp phần bảo vệ, duy trì tuổi thọ cho chiếc cầu treo.
 
Chiếc cầu  bắc qua suối Ea Noh Prông (xã Hòa Phong) được  xây dựng bằng nguồn kinh phí  do dân  đóng góp.
Chiếc cầu bắc qua suối Ea Noh Prông (xã Hòa Phong) được xây dựng bằng nguồn kinh phí do dân đóng góp.
Tuy nhiên, trận mưa đầu tháng 1-2019 đã cuốn trôi trên 30 mét đường dẫn ở đầu mố cầu phía tây trong khi mùa thu hoạch sắn đã đến. Không trông chờ ỷ lại vào Nhà nước, Chi bộ và Ban tự quản hai thôn Noh Prông và Ea Khiêm đã họp, vận động bà con đóng góp thêm hàng trăm ngày công và 80 triệu đồng tiền mặt để mua đá hộc, lưới sắt, thép B40 đan rọ kè, hợp đồng xe đổ đất mở rộng mặt đường cầu lên 4 mét. Với sự đồng lòng, góp sức của người dân, chỉ sau ba ngày thi công (từ ngày 7 đến 9-3-2019), công trình đã hoàn thiện đưa vào sử dụng. 
 
Ông Đào Xuân Mỳ, Trưởng thôn Ea Khiêm cho biết: Thấy được lợi ích lâu dài nên khi chi bộ và Ban tự quản thôn phát động, tuy đời sống còn nhiều khó khăn, bà con thôn Noh Prông và Ea Khiêm hưởng ứng tích cực. Trong quá trình làm cầu, đường, người dân trực tiếp tham gia và giám sát, sau mỗi đợt làm xong Ban tự quản đều công khai minh bạch từng khoản thu, chi cho người dân biết.
 
Thôn 9 (xã Hòa Lễ) gồm 60 hộ với 276 khẩu. Bà con trong thôn có 40 ha đất sản xuất nằm bên kia sông Krông Bông; do trước đây không có cầu đi lại nên hằng năm đến mùa thu hoạch, bà con rất vất vả mới mang được sản phẩm về nhà, đã xảy ra 7 trường hợp người bị chết đuối khi qua sông thu hoạch vào mùa mưa lũ.  Trận mưa kéo dài hồi đầu tháng 1-2019 vừa qua, nước lũ đã làm hư hỏng cầu tạm khiến 2 trẻ em đi qua cầu bị rơi xuống suối, may có người phát hiện, kịp thời cứu vớt.
 
Bà Lê Thị Loan, Bí thư Chi bộ thôn 9 cho biết: Trước tình hình đó, chi bộ và Ban tự quản thôn mạnh dạn lập kế hoạch, dự toán kinh phí họp dân thông qua, trên cơ sở đó vận động bà con đóng góp kinh phí và kêu gọi mạnh thường quân trong thôn hỗ trợ thêm kinh phí làm cầu. Chủ trương hợp lòng dân nên nhân dân trong thôn đã huy động trên 60 triệu đồng và 120 ngày công mua vật liệu sắt thép làm trụ, gỗ lót mặt cầu, dây cáp… để xây dựng chiếc cầu tạm dài trên 80 mét, đổ đất đường dẫn lên cầu. Tuy chưa phải là chiếc cầu kiên cố bằng bê tông, cốt thép nhưng với sự nỗ lực, đồng lòng của người dân, chiếc cầu tạm hoàn thành có thể giúp bà con yên tâm đi lại sản xuất khi niên vụ mới đang đến gần.
 
Mai Viết Tăng

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.