Multimedia Đọc Báo in

Ngày Quốc tế hạnh phúc 20-3: Yêu thương và chia sẻ

14:22, 20/03/2019

Theo báo cáo Hạnh phúc Thế giới 2018 (2018 World Happiness Report) của Mạng lưới Giải pháp Phát triển bền vững Liên Hợp quốc, Việt Nam đứng thứ 95 trong bảng xếp hạng.

Có nhiều nghiên cứu về các chỉ số hạnh phúc của người dân. Chỉ số hạnh phúc mà các tổ chức quốc tế công bố họ dựa trên nhiều tiêu chí như: GDP bình quân đầu người, số năm sống khỏe mạnh so với tuổi thọ trung bình, hỗ trợ xã hội, tự do lựa chọn đời sống... Khái niệm hạnh phúc của một số tổ chức hướng đến cuộc sống hài hòa với môi trường xã hội, môi trường tự nhiên chứ không phải đề cao mức thu nhập. Điều này cho thấy, để đánh giá cuộc sống hạnh phúc bền vững của người dân ở một quốc gia không chỉ dựa vào sự giàu có, phát triển mà quan trọng là người dân ở đó có thể sống thoải mái. Một đất nước hạnh phúc là nơi người dân luôn cảm thấy họ sống có ích, muốn chia sẻ và cống hiến cho cộng đồng. Việt Nam được thế giới đánh giá cao về chỉ số hạnh phúc là nhìn từ những giá trị văn hóa tinh thần, nền tảng đạo đức cũng như truyền thống.

a
Ảnh minh họa

Theo các chuyên gia, có 3 yếu tố tạo nên hạnh phúc là điều kiện kinh tế vật chất, quan hệ gia đình xã hội và đời sống tinh thần. Những kết quả nghiên cứu về hạnh phúc sẽ giúp quốc gia hoạch định chiến lược phát triển kinh tế và an sinh xã hội phù hợp nhất. Quan niệm về hạnh phúc của người Việt thường thiên nhiều hơn về khía cạnh thỏa mãn nhu cầu với đời sống gia đình, cộng đồng, quan hệ xã hội.

Là một trong số 193 quốc gia thành viên hưởng ứng và cam kết ủng hộ ngày Quốc tế Hạnh phúc do LHQ phát động, Việt Nam đang nỗ lực nâng cao chất lượng cuộc sống, xây dựng xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, phát triển bền vững, nhằm đem lại hạnh phúc cho người dân. Từ năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Tổ chức các hoạt động nhân ngày Quốc tế Hạnh phúc  20-3 hàng năm”. Những năm qua, chúng ta tiếp tục thực hiện mục tiêu phát triển an sinh xã hội, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc; nâng cao nhận thức toàn xã hội về ngày Quốc tế hạnh phúc, để từ đó có hành động cụ thể, thiết thực xây dựng gia đình hạnh phúc, cộng đồng hạnh phúc.

Tất nhiên theo quy luật vận động xã hội nào cũng nảy sinh những vấn đề nội tại cần giải quyết, nhưng theo các chuyên gia, nên đánh giá chỉ số hạnh phúc ở số đông chứ không đi vào những vụ việc mang tính cá biệt trong đời sống. Củng cố niềm tin đối với dân, làm tốt công tác an sinh xã hội là những nỗ lực đáng ghi nhận đối với công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ thời gian qua,  là cơ sở bền vững cho sự phát triển hạnh phúc của toàn xã hội nói chung, của cá nhân người dân nói riêng.

Việt Nam hưởng ứng Ngày Quốc tế Hạnh phúc cũng như những nỗ lực trong công tác tuyên truyền của các cơ quan có trách nhiệm đã giúp cho người dân ý thức rõ ràng hơn, cụ thể hơn về những tiêu chí để đạt tới hạnh phúc thật sự. Về căn bản, hạnh phúc thực sự dựa trên tiêu chí yêu cầu thiết yếu nhất của người dân là được bảo đảm, được thỏa mãn.

Tại Đắk Lắk, việc tổ chức các hoạt động nhân Ngày Quốc tế hạnh phúc (20-3) năm 2019 với chủ đề "Yêu thương và chia sẻ"  theo chỉ đạo của UBND tỉnh đang được các địa phương triển khai với nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực:  tôn vinh, biểu dương, nhân rộng các mô hình gia đình văn hóa, kiểu mẫu; gia đình hạnh phúc, vợ chồng hiếu nghĩa thủy chung, con cháu thảo hiền, anh em hòa thuận, sống có trách nhiệm với gia đình, cộng đồng và xã hội; động viên, khuyến khích mọi người, mọi gia đình và xã hội có những việc làm và hành động cụ thể quan tâm đến hạnh phúc gia đình, cộng đồng và xã hội, ưu tiên các hoạt động từ thiện, thăm hỏi, giúp đỡ đối tượng yếm thế ...

Đất nước đang trên đà phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của người dân đang ngày càng được cải thiện và nâng lên rõ rệt. Đảng, Nhà nước luôn quan tâm chăm lo đời sống nhân dân thông qua việc ban hành các chính sách nhằm đảm bảo cuộc sống của người dân, nhất là người nghèo và các đối tượng yếm thế trong xã hội... Đó là những yếu tố quan trọng làm nên cuộc sống hạnh phúc, no ấm, đủ đầy của mỗi gia đình, góp phần tạo ra một xã hội hạnh phúc, hài hòa và công bằng theo như tinh thần Hiến chương Liên Hợp quốc đã đề ra.

Hoa Hồng

 

 

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.