Multimedia Đọc Báo in

Những thủ lĩnh thanh niên năng động

09:03, 14/03/2019

Không chỉ năng nổ, nhiệt tình, sáng tạo trong các hoạt động Đoàn và phong trào thanh niên ở địa phương, họ còn là những thanh niên năng động, vượt khó phát triển kinh tế gia đình, làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương.

Sau khi lập gia đình, anh Hoàng Văn Cảnh, Phó Bí thư Đoàn xã Cư Elang (huyện Ea Kar) ra ở riêng với 4 ha đất trồng điều và sắn nhưng hiệu quả kinh tế không cao, rất bấp bênh do thường bị mất mùa bởi thiên tai. Với sự năng động và quyết tâm của tuổi trẻ, sau khi tìm hiểu mô hình trồng cam, quýt, bưởi tại địa phương, anh Cảnh đã xuống tỉnh Bến Tre để tìm mua giống và học hỏi thêm về kỹ thuật chăm sóc. Năm 2012, anh mạnh dạn chặt bỏ diện tích sắn và điều để trồng 4 ha cây ăn trái gồm: 2.000 cây quýt, 1.600 cây cam, 700 cây bưởi. Đất không phụ công người, sau 5 năm chăm sóc, vườn cây đã cho thu hoạch mang lại hiệu quả kinh tế cao. Mỗi cây cam, quýt, bưởi cho thu hoạch từ 15-20 kg quả, năm 2018, gia đình anh Cảnh đã bán ra thị trường 20 tấn quýt, 27 tấn cam, 5 tấn bưởi. Với giá bán trung bình 13.000 đồng/kg quýt, 15.000 đồng/kg cam, 35.000 đồng/kg bưởi, sau khi trừ chi phí, gia đình anh Cảnh có lãi hơn 500 triệu đồng.

Anh Hoàng Văn Cảnh bên vườn cây của gia đình.
Anh Hoàng Văn Cảnh bên vườn cây của gia đình.

Anh Cảnh chia sẻ: Để các loại cây ăn trái có múi như cam, quýt phát triển tốt và ra trái quanh năm, người trồng phải am hiểu kỹ thuật chăm sóc như vun gốc, tỉa cành, cung cấp lượng phân bón cũng như lượng nước thích hợp; thường xuyên thăm vườn để kịp thời phát hiện sâu bệnh hại, có biện pháp phòng bệnh phù hợp. Khi bón phân cho cây, cần kết hợp sử dụng thêm những loại phân có chứa vi sinh vật có lợi nhằm cung cấp đủ lượng chất dinh dưỡng cần thiết để cây sinh trưởng phát triển tốt. Anh Cảnh khẳng định: “Tuy trồng các loại cây này cần vốn đầu tư ban đầu cao, nhiều công chăm sóc, nhưng nếu kiên trì thực hiện đúng kỹ thuật thì việc thu hồi vốn và khả năng làm giàu là không khó, hiện nay trên thị trường rất chuộng các loại trái cây nội địa, với mức độ tiêu thụ nhanh, tuy số lượng trái cây thu hoạch nhiều như vậy nhưng luôn trong tình trạng thiếu hàng, chỉ đủ cung cấp trong nội tỉnh”.

Không chỉ làm kinh tế giỏi, anh Cảnh còn tham gia tích cực các hoạt động Đoàn – Hội tại địa phương. Với vai trò là Phó Bí thư Đoàn xã Cư Elang, anh Cảnh rất nhiệt tình và năng động trong công tác Đoàn, đồng thời luôn sẵn lòng chia sẻ, giúp đỡ về khoa học kỹ thuật, cây giống, cách phòng trừ sâu bệnh… để giúp đoàn viên, thanh niên trong xã phát triển kinh tế. Với những nỗ lực trong công tác Đoàn – Hội, anh Cảnh đã được UBND huyện, Tỉnh Đoàn... tặng nhiều bằng khen, giấy khen. Đặc biệt, năm 2017, mô hình phát triển kinh tế của anh Cảnh được Tỉnh Đoàn tuyên dương là mô hình thanh niên làm kinh tế giỏi tiêu biểu tỉnh Đắk Lắk.

Anh Nguyễn Tiến Trung, Bí thư Chi đoàn thôn 1 (xã Cư Yang) cũng là một điển hình thanh niên năng động, làm kinh tế giỏi ở huyện Ea Kar.

Năm 2007, sau khi tìm hiểu về điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, kỹ thuật trồng, chăm sóc, phát triển của cây cao su, anh Trung đã quyết định chuyển đổi 2 ha điều, cà phê kém hiệu quả sang trồng 1.200 cây cao su ghép. Anh Trung đã tìm đến học hỏi kinh nghiệm của những hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi ở trong và ngoài địa phương; đồng thời tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật do Đoàn xã tổ chức; thường xuyên đọc sách, báo và những tài liệu hướng dẫn về kỹ thuật trồng trọt và chăn nuôi. Giờ đây mảnh vườn 2 ha cằn cỗi trước đây của gia đình anh Trung đã được phủ xanh bằng những cây cao su đang trong giai đoạn khai thác mủ. Bên cạnh đó, anh Trung còn xây dựng trang trại chăn nuôi với 10 con bò sinh sản, 500 con gà. Mỗi năm sau khi trừ hết chi phí, gia đình anh có thu nhập hơn 300 triệu đồng.

Anh Nguyễn Tiến Trung đang cạo mủ cao su.
Anh Nguyễn Tiến Trung đang cạo mủ cao su.

Không chỉ làm giàu cho gia đình mình, anh Trung còn giúp giải quyết việc làm cho 3 thanh niên tại địa phương với mức thu nhập 4 triệu đồng/tháng. Bí thư Đoàn xã Cư Yang Đào Viết Nam nhận xét: Anh Trung là một gương thanh niên tiêu biểu cho ý chí quyết tâm vươn lên, không ngại khó ngại khổ, dám nghĩ, dám làm để phát triển kinh tế gia đình. Anh còn là một cán bộ Đoàn gương mẫu, luôn hưởng ứng các phong trào, tham gia nhiệt tình vào các hoạt động Đoàn. Mô hình kinh tế của gia đình anh Trung cũng là một trong những địa điểm để nhiều thanh niên địa phương đến tham quan, học hỏi làm theo. Anh Trung đã được UBND xã, Huyện Đoàn Ea Kar tặng nhiều giấy khen. Năm 2018, anh được Huyện Đoàn tuyên dương là gương thanh niên phát triển kinh tế giỏi.

Là cán bộ Đoàn năng động, nhiệt tình, có trách nhiệm, nhiều năm nay anh Vy Đức Thắng, Phó Bí thư Đoàn xã Ea Sin (huyện Krông Búk) luôn được người dân và các đoàn viên thanh niên địa phương mến mộ.

Ngày mới nhận nhiệm vụ Phó Bí thư Đoàn xã (năm 2014), anh Thắng luôn trăn trở với ý nghĩ phải làm thế nào để tổ chức được những hoạt động gắn với quyền và lợi ích của đoàn viên thanh niên, nhất là khơi dậy tinh thần đoàn kết, từ đó lôi cuốn họ đến với tổ chức Đoàn. Với lòng nhiệt huyết, năng nổ trong công tác, anh đã cùng với Ban chấp hành Đoàn xã xây dựng kế hoạch triển khai đến từng chi đoàn, tổ chức nhiều hoạt động như: sinh hoạt văn hóa văn nghệ, giao lưu thể dục thể thao; hoạt động tình nguyện, tặng quà cho người dân khó khăn trên địa bàn xã... Trong năm 2018, anh Thắng đã liên hệ và phối hợp với nhiều mạnh thường quân hỗ trợ tặng hơn 500 suất quà trị giá trên 100 triệu đồng cho người nghèo, gia đình khó khăn và xây dựng 2 ngôi nhà Nhân ái tặng hộ gia đình khó khăn về nhà ở trên địa bàn xã với tổng trị giá trên 100 triệu đồng…

Anh Vy Đức Thắng chăm sóc vườn cây nhà mình.
Anh Vy Đức Thắng chăm sóc vườn cây nhà mình.

Không chỉ năng động trong công tác Đoàn, anh Vy Đức Thắng còn là tấm gương tiêu biểu trong phát triển kinh tế gia đình. Ngoài 7 sào cà phê trồng xen điều và một số loại cây ăn quả, anh Thắng còn mở một tiệm Internet với 21 máy, giúp người dân địa phương cập nhật thông tin một cách dễ dàng hơn. Qua tham quan tìm hiểu các mô hình trồng sả hiệu quả, năm 2017, anh Thắng đã vận động đoàn viên thanh niên trồng thử nghiệm tại địa phương với diện tích 1 sào. Nhận thấy đây là giống cây khỏe, không tốn công chăm bón, phù hợp với điều kiện khí hậu thổ nhưỡng tại địa phương, đem lại hiệu quả kinh tế khá cao, nhiều hộ gia đình đã tận dụng đất bỏ hoang do thiếu nước trong mùa khô để trồng sả. Hiện tại, anh Vy Đức Thắng đang liên kết với các doanh nghiệp bao tiêu đầu ra sản phẩm cho nông dân.

Theo anh Vũ Minh Cường, Phó Chủ tịch Hội LHTN huyện Krông Búk, anh Thắng là một cán bộ Đoàn nhiệt tình, năng nổ luôn sẵn sàng giúp đỡ đoàn viên, người dân khó khăn. Với sự nỗ lực, tận tâm, gương mẫu, năng động trong hoạt động Đoàn và phát triển kinh tế gia đình, anh Thắng xứng đáng là tấm gương để nhiều thanh niên, đoàn viên trong xã học tập.

Hoàng Nguyên – Ngôn Bích


Ý kiến bạn đọc