Multimedia Đọc Báo in

Cựu chiến binh Cư Króa: Gương mẫu trong phát triển kinh tế và xây dựng nông thôn mới

09:12, 23/04/2019

Hội Cựu chiến binh(CCB) xã Cư Króa (huyện M'Đrắk) hiện có 144 hội viên, sinh hoạt tại 8 chi hội thôn.  Đa phần hội viên CCB làm nông, đời sống còn nhiều khó khăn.

Trong 5 năm qua, Hội CCB xã đã triển khai phong trào thi đua "Cựu chiến binh gương mẫu" gắn với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và đã đạt được một số kết quả quan trọng.

Cụ thể, Hội CCB xã đã vận động 100% chi hội xây dựng nguồn quỹ giúp nhau phát triển kinh tế, huy động được 289 triệu đồng và nhận ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện với tổng dư nợ hơn 5,5 tỷ đồng giúp trên 100 hội viên nghèo vay vốn sản xuất; vận động hội viên giúp nhau về cây, con giống với tổng trị giá 30 triệu đồng; vận động hội viên và nhân dân tự nguyện hiến hàng nghìn mét vuông đất, 1.000 ngày công và đóng góp trên 172 triệu đồng để xây dựng nông thôn mới. Đến cuối năm 2018, toàn xã có 7/8 chi hội đạt danh hiệu trong sạch vững mạnh trở lên và 140 hội viên đạt danh hiệu hội viên gương mẫu, đạt 97,2%.

Một mô hình kinh tế rừng hiệu quả của hội viên CCB xã Cư Króa thường xuyên được người dân đến học tập kinh nghiệm.
Một mô hình kinh tế rừng hiệu quả của hội viên CCB xã Cư Króa thường xuyên được người dân đến học tập kinh nghiệm.

Chi hội thôn 6 là điển hình trong phong trào CCB gương mẫu giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Chi hội có 25 hội viên; trong đó có 2 hộ hội viên nghèo (rơi vào trường hợp già yếu và mắc bệnh hiểm nghèo) và tỷ lệ hội viên có mức sống trung bình trở lên chiếm 92%. Hiện tại, Chi hội CCB thôn 6 đã xây dựng được 5 mô hình phát triển kinh tế giỏi các cấp với mức thu nhập bình quân từ 200 - 400 triệu đồng/năm, góp phần giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 10 lao động địa phương. Tiêu biểu như: CCB Đinh Văn Biên với mô hình trồng keo kết hợp mua bán nguyên liệu giấy; CCB Phan Văn Trung với mô hình trồng cây cao su kết hợp trồng keo; CCB Hồ Đình Thắng với mô hình VAC khép kín...

Để đạt được kết quả trên, Chi hội thôn 6 luôn chú trọng tuyên truyền hội viên mạnh dạn đầu tư, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi có năng suất cao. Chi hội còn vận động hội viên đóng góp quỹ hội giúp nhau phát triển kinh tế được gần 70 triệu đồng; thành lập 2 tổ đổi công; vận động 2 - 3 gia đình hội viên có điều kiện kinh tế giúp ngày công, con giống, giúp vốn cho một hộ hội viên khó khăn. Bên cạnh đó, Chi hội còn nhận ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện trên 1 tỷ đồng giúp hội viên vay vốn phát triển kinh tế.

Hội viên CCB xã Cư Króa phối hợp với đoàn viên thanh niên tham gia làm đường giao thông nông thôn.
Hội viên CCB xã Cư Króa phối hợp với đoàn viên thanh niên tham gia làm đường giao thông nông thôn.

Trong phong trào thi đua “Cựu chiến binh gương mẫu” gắn với xây dựng nông thôn mới, nhiều tập thể, cá nhân hội viên CCB xã Cư Króa đã đi đầu trong mọi hoạt động, tích cực tham gia góp công, góp của thực hiện các tiêu chí nông thôn mới. Cụ thể như, CCB Trần Mạnh Hùng, Chi hội trưởng Chi hội CCB thôn 4 đã tích cực phối hợp với Ban tự quản thôn vận động hội viên và nhân dân đóng góp hàng nghìn ngày công, hiến hơn 1 ha đất (riêng gia đình ông Hùng hiến 1 sào đất trồng keo).

Từ nguồn quỹ trên, thôn 4 đã đầu tư xây dựng cây cầu đi xã Ea Riêng dài hơn 500 m; đổ bê tông, nâng cấp sửa chữa các tuyến đường nội thôn xuống cấp vào mùa mưa; hỗ trợ xây mới và sửa chữa nhà cho các hộ đặc biệt khó khăn về nhà ở; thăm hỏi, trao quà động viên những gia đình có người thân ốm đau, hoặc hoạn nạn bất ngờ....

Với những kết quả đạt được, Hội CCB xã Cư Króa 5 năm liền đạt trong sạch vững mạnh xuất sắc; được Tỉnh hội khen thưởng năm 2018.

Mỹ Sự


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.