Multimedia Đọc Báo in

Nơi kết nối lòng nhân ái

10:27, 18/04/2019
Với trách nhiệm, tấm lòng nhân ái mong muốn được chia sẻ phần nào những khó khăn của người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh đã kết nối những tấm lòng thiện nguyện chung tay vì cộng đồng.
 
Năm học 2018 – 2019 là năm đầu tiên trẻ em ở thôn Hợp Thành (xã Ea M’droh, huyện Cư M’gar) được học trong lớp học mới, khang trang, sạch đẹp. Cô Nguyễn Thị Kim Oanh, Hiệu trưởng Trường Mầm non Ea M’droh chia vui: “Chúng tôi gọi đây là “lớp học tình thương” vì được xây dựng hoàn toàn bằng kinh phí do các mạnh thường quân đóng góp, hỗ trợ. Phòng học mới đã giúp việc chăm sóc, dạy dỗ trẻ thuận tiện hơn, các cháu được học trong môi trường sạch sẽ, đầy đủ đồ dùng, đồ chơi, chất lượng giáo dục trẻ ngày càng nâng lên”.
 
Trước đây, phòng học ở phân hiệu thôn Hợp Thành (Trường Mầm non Ea M’droh)  rất tạm bợ, chỉ được thưng che bằng gỗ, lợp ngói, lâu ngày đã xuống cấp, mưa dột, gió lùa. Trước thực tế đó, Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh đã vận động, phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Cư M'gar, chùa Hoa Nghiêm (huyện Cư M’gar), Nhóm Facebook Oanh Đoàn (TP. Buôn Ma Thuột) và các cựu học sinh Trường THPT Buôn Ma Thuột niên khóa 1995 – 1998 đóng góp, hỗ trợ xây tặng điểm trường một phòng học mới. Công trình có diện tích 55 m2 có hệ thống nhà vệ sinh, bồn chứa nước với tổng trị giá 140 triệu đồng. Ngoài ra, các mạnh thường quân còn trang bị 8 bộ bàn, 35 chiếc ghế, đồ dùng học tập, đồ chơi tặng các em.
 
Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh phối hợp với nhà tài trợ ở TP. Hồ Chí Minh tặng quà cho học sinh nghèo xã Đắk Nuê (huyện Lắk).
Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh phối hợp với nhà tài trợ ở TP. Hồ Chí Minh tặng quà cho học sinh nghèo xã Đắk Nuê (huyện Lắk).
Không chỉ quan tâm, hỗ trợ trẻ em vùng sâu, vùng xa, Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh còn kết nối hỗ trợ, giúp đỡ những hộ nghèo có trẻ em khuyết tật, hoàn cảnh đặc biệt để họ thêm cơ hội vươn lên trong cuộc sống.
 
Bà Lê Thị Tuyến, Phó Chủ tịch Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh cho hay: Để có nguồn quỹ chủ động tổ chức, thực hiện các hoạt động, Tỉnh Hội đã gửi thư kêu gọi và trực tiếp vận động nhà tài trợ, các sở, ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức, cá nhân hảo tâm. Đồng thời, Hội thường xuyên rà soát, nắm vững hoàn cảnh những trường hợp đặc biệt khó khăn để tư vấn, giới thiệu cho các nhà tài trợ và tích cực phối hợp trong quá trình tổ chức thực hiện nên ngày càng nhận được sự tin tưởng, đồng hành, đóng góp nguồn lực của các tổ chức, cá nhân.
 
“Trên địa bàn tỉnh hiện có gần 100.000 người khuyết tật và 10.000 trẻ mồ côi, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nhiều trường hợp ốm đau, bệnh tật kéo dài. Họ không thể vươn lên nếu không được sự quan tâm, trợ giúp của cấp ủy, chính quyền và cộng đồng xã hội” - Phó Chủ tịch Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh Lê Thị Tuyến.
 
 

Bà Lê Thị Tuyến cho biết thêm: Năm 2010, từ khi chính thức đi vào hoạt động đến nay, Hội đã trở thành “nhịp cầu” kết nối những tấm lòng thiện nguyện của gần 1.000 tập thể, cá nhân trong và ngoài tỉnh đóng góp, ủng hộ tiền và hiện vật trị giá khoảng 40 tỷ đồng để hỗ trợ sinh kế, học tập, khám chữa bệnh, phục hồi chức năng, xây dựng nhà ở, công trình vệ sinh, nước sạch, tặng quà cho người khuyết tật, trẻ mồ côi...

Nhiều mạnh thường quân đã gắn bó, đồng hành cùng Hội trong suốt những năm qua như: chùa Cẩm Phong (Tây Ninh), Nhóm Facebook Oanh Đoàn, Hội từ thiện Miền yêu thương Đắk Lắk, Hội những người yêu thiên nhiên Đắk Lắk, chùa Hoa Nghiêm (huyện Cư M'gar), Tịnh xá Ngọc Ban (TP. Buôn Ma Thuột), các nhóm, đoàn từ thiện ở TP. Buôn Ma Thuột, TP. Hồ Chí Minh và nhiều cá nhân hảo tâm... 
 
Những món quà, sự hỗ trợ, giúp đỡ của Hội tuy chưa nhiều nhưng đã phần nào chia sẻ khó khăn, tiếp thêm động lực, niềm tin cho các đối tượng. Thời gian tới, Hội mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, ủng hộ, đồng hành của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và cá nhân hảo tâm để có nguồn lực hỗ trợ nhiều hơn nữa cho người khuyết tật, trẻ mồ côi.
 
Nguyễn Xuân
 

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.