Multimedia Đọc Báo in

Sách - người bạn thân thiết của lính đảo

09:28, 20/04/2019
Ở nơi hải đảo xa xôi, nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc luôn đòi hỏi các cán bộ, chiến sĩ hải quân phải thường xuyên khổ luyện và tập trung cao độ. Trong điều kiện thiếu thốn về nguồn thông tin thì sách, báo dường như trở thành “cứu cánh” và là người bạn thân thiết, quan trọng của những người lính đảo.  
 
Tranh thủ những lúc rảnh rỗi sau thời gian huấn luyện và trực sẵn sàng chiến đấu, Binh nhất Lê Bùi Tuấn Anh (22 tuổi, quê TP. Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa) thường cùng đồng đội đến phòng đọc sách của điểm đảo Đá Lớn B (thuộc quần đảo Trường Sa). Tuấn Anh vốn có sở thích đọc sách, khi còn học phổ thông thường đến thư viện trường để thuê hoặc mượn sách và trao đổi với bạn bè những cuốn sách hay để phục vụ cho việc học, đồng thời tìm hiểu thêm về thế giới xung quanh, bổ sung thêm kiến thức xã hội.
 
Sau khi nhập ngũ và ra Trường Sa công tác, các kênh thông tin trên đảo dường như ít hơn so với đất liền nên vào những giờ nghỉ ngơi, Tuấn Anh cùng đồng đội lại lên phòng đọc sách của đơn vị để cập nhật kiến thức, cùng nhau trao đổi thông tin.
 
Tuấn Anh tâm sự: "Ngày mới ra đảo nhận nhiệm vụ, nhiều đêm bọn em chẳng ngủ được. Từ khi biết ở đảo có tủ sách, chúng em đã hình thành thói quen đọc sách để trau dồi kiến thức và khỏa lấp nỗi nhớ nhà, nhớ bạn bè. Em rất thích đọc sách văn học hoặc những cuốn sách nói về các vị tướng tài của nước ta, trên thế giới hoặc các tư liệu về lịch sử Việt Nam. Những cuốn sách ấy giúp em hiểu hơn về công cuộc dựng nước và giữ nước của cha ông ta từ ngàn đời nay, từ đó có thêm dũng khí để góp sức mình bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc".
 
Chiến sĩ hải quân điểm đảo Đá Lớn B (quần đảo Trường Sa) tìm đọc sách, báo tại phòng đọc sách của đơn vị.
Chiến sĩ hải quân điểm đảo Đá Lớn B (quần đảo Trường Sa) tìm đọc sách, báo tại phòng đọc sách của đơn vị.
Binh nhất Nguyên Thừa Tiến (điểm đảo Đá Lớn B, quần đảo Trường Sa) cũng thường mượn sách về đọc. Tiến cho hay: “Mỗi lần đến tủ sách, em thường mượn vài cuốn, giữ gìn cẩn thận để đọc trong vài ngày, xong mang lên trả, rồi đổi cuốn khác về đọc. Cứ thế, ngày ngày, ngoài thời gian huấn luyện, tăng gia sản xuất, chúng em thường chọn cách đọc sách báo để mở mang kiến thức, nuôi dưỡng tâm hồn và vơi đi nỗi nhớ nhà. Ban ngày thì ngồi đọc ở những nơi thoáng mát như ghế đá dưới gốc cây tra, cây phong ba, cây bàng vuông, ban đêm thì sách là người bạn "gối đầu giường". Nhiều đêm không phải trực, ăn tối xong là tụi em đọc một mạch tới giờ đi ngủ luôn”. 
 
"Theo quy định của Quân chủng Hải quân thì ở các đảo, điểm đảo thuộc quần đảo Trường Sa đều có tủ sách hoặc thư viện với rất nhiều đầu sách, báo. Các chuyến tàu vận chuyển hàng hóa ra quần đảo Trường Sa đều mang theo nhiều đầu sách mới do quân, dân trong đất liền gửi tặng các đảo, điểm đảo" - Thượng tá Lê Đình Hải, Phó Lữ đoàn Trưởng Lữ đoàn 146 - Bộ Tư lệnh vùng 4 Hải quân kiêm Chủ tịch UBND huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa.
 
 
 

Theo Đại úy Lê Văn Dũng, Chỉ huy trưởng điểm đảo Đá Lớn B thì hằng ngày, các chiến sĩ thường xuyên lui tới phòng đọc sách trên đảo để đọc sách, báo hoặc đăng ký mượn về. Nhờ đọc sách mà văn phong, ngôn từ của các chiến sĩ, đặc biệt là chiến sĩ trẻ được cải thiện rõ rệt. Một số chiến sĩ đã mạnh dạn sáng tác và có những mẩu truyện ngắn, những bài thơ hay và được lựa chọn để đăng trên các ấn phẩm báo tường đặc biệt của đảo nhân dịp mừng Đảng, mừng Xuân và các ngày lễ lớn của đất nước. 

Nhiều chiến sĩ kể, ở nhà hầu như chẳng chạm đến quyển truyện, cuốn sách nào nhưng khi ra đảo công tác lại theo phong trào rồi thích đọc, dần dần hình thành thói quen mượn sách, báo về đọc. Ở các đảo, điểm đảo thường có cả phòng đọc sách thoáng đãng, tủ sách được sắp xếp ngăn nắp, gọn gàng với hàng nghìn đầu sách thuộc nhiều thể loại như: tiểu thuyết, văn học, truyện cười, thơ ca, chuyên khảo, giáo khoa, âm nhạc… Đặc biệt, ở các tủ sách đều có cuốn “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” hay cuốn nhật ký “Mãi mãi tuổi hai mươi” của liệt sỹ Nguyễn Văn Thạc. Nhìn nhiều cuốn sách với những trang bìa đã cũ sờn, xộc xệch, nhiều trang hằn nếp gấp, chúng tôi biết các chiến sĩ đã đọc đi đọc lại rất nhiều lần... 
 
Ở Trường Sa, đọc sách, báo lâu nay đã trở thành một thói quen không thể thiếu trong sinh hoạt thường nhật của cán bộ, chiến sĩ. Cùng với hệ thống thông tin liên lạc, truyền thông, các đầu sách đã góp phần trang bị kiến thức trên các lĩnh vực cho những người lính, giúp họ nỗ lực từng ngày để vượt qua mọi khó khăn, yên tâm hoàn thành nhiệm vụ canh giữ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
 
Thế Hùng
 

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.