Multimedia Đọc Báo in

Nhiều giải pháp ngăn chặn, đẩy lùi "tín dụng đen"

08:11, 16/05/2019

Trước thực trạng nạn “tín dụng đen” đang diễn biến phức tạp, thời gian qua, chính quyền địa phương, các cấp, các ngành đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt nhằm ngăn chặn, đẩy lùi nạn này.

Giúp phụ nữ không mắc bẫy “tín dụng đen”

Hội Phụ nữ đóng vai trò quan trọng trong việc đẩy lùi “tín dụng đen”.  Đối tượng tìm đến các kênh “tín dụng đen” thường là phụ nữ nghèo thất nghiệp, đời sống khó khăn, phụ nữ dân tộc thiểu số… Những đối tượng này thường có nhu cầu cấp bách về vay tiêu dùng nhưng không có tài sản đảm bảo, không chứng minh được nguồn gốc thu nhập nên rất khó khăn khi làm thủ tục vay vốn tại các ngân hàng, do đó đã tìm đến các hình thức vay “tín dụng đen” để nhanh chóng có tiền.

Nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết cho hội viên, phụ nữ để họ không bị mắc bẫy “tín dụng đen”, các cấp hội cơ sở trên địa bàn tỉnh đặc biệt chú trọng việc tuyên truyền qua nhiều kênh để chị em hiểu rõ thủ đoạn, mối nguy hại và những hệ lụy từ hoạt động "tín dụng đen"; nắm được các quy định của Nhà nước về vay và cho vay, cách tiếp cận vốn vay qua các quỹ tín dụng của Nhà nước, các nguồn vốn do Hội quản lý; vận động hội viên, phụ nữ không cho vay nặng lãi, không vay tiền của các tổ chức, cá nhân hoạt động chưa có sự quản lý của Nhà nước, không thực hiện các hành vi quảng bá, giới thiệu, phát, dán tờ rơi về các hoạt động cho vay lãi suất cao…

Hội thảo tăng cường các giải pháp tiếp cận tín dụng cho phụ nữ, góp phần đẩy lùi “tín dụng đen”  tại Đắk Lắk do Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức.
Hội thảo tăng cường các giải pháp tiếp cận tín dụng cho phụ nữ, góp phần đẩy lùi “tín dụng đen” tại Đắk Lắk do Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức.

Bên cạnh đó, các cấp hội cũng đã tập trung khai thác nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội, các gói sản phẩm ưu đãi của ngân hàng thương mại; tranh thủ các nguồn hỗ trợ từ các mạnh thường quân, doanh nghiệp trên địa bàn; tiếp tục triển khai xây dựng các nguồn quỹ tại chỗ thông qua các phong trào “Ngày tiết kiệm vì phụ nữ nghèo”, “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình”, “Giúp phụ nữ nghèo”… để hỗ trợ hội viên, phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, đầu tư sản xuất, phát triển kinh tế gia đình. Ngoài ra, còn gắn các nguồn vốn vay với các chương trình phát triển kinh tế, định hướng nghề cho phụ nữ khởi nghiệp; hỗ trợ kiến thức, kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, kinh doanh…  tạo điều kiện cho chị em có việc làm, tăng thu nhập, góp phần cải thiện đời sống, đẩy lùi “tín dụng đen”

Khơi thông các dòng vốn đến với người dân

Nhằm góp phần đẩy lùi “tín dụng đen”, ngành ngân hàng cũng triển khai nhiều giải pháp nhằm tăng cường khả năng tiếp cận các nguồn vốn chính thức cho người dân.

Người dân huyện Cư M’gar nêu ý kiến về chính sách khoanh nợ, giãn nợ của các ngân hàng tại Hội thảo tăng cường các giải pháp tiếp cận tín dụng cho phụ nữ, góp phần đẩy lùi “tín dụng đen”.
Người dân huyện Cư M’gar nêu ý kiến về chính sách khoanh nợ, giãn nợ của các ngân hàng tại Hội thảo tăng cường các giải pháp tiếp cận tín dụng cho phụ nữ, góp phần đẩy lùi “tín dụng đen”.

Để hạn chế nạn cho vay nặng lãi và “tín dụng đen” trên địa bàn tỉnh, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Chi nhánh Đắk Lắk đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng phối hợp với chính quyền địa phương, các ngành chức năng tuyên truyền đến người dân về quyền và nghĩa vụ, an toàn trong việc tham gia vay vốn qua hệ thống ngân hàng; thông tin rộng rãi các gói vay ưu đãi, các quỹ hỗ trợ của Nhà nước để người dân tiếp cận vay vốn; tăng cường hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục lập hồ sơ tín dụng khi người dân đến vay vốn. Đồng thời, thực hiện quyết liệt các giải pháp mở rộng tín dụng an toàn, hiệu quả, nâng cao chất lượng tín dụng; tập trung cho vay các đối tượng theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 9-6-2015 và Nghị định số 116/2018/NĐ-CP ngày 7-9-2018 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn; chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quan hệ tín dụng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, doanh nghiệp tiếp cận, vay vốn sản xuất kinh doanh, phục vụ đời sống…

 

Trong nhiều năm qua, Hội LHPN Việt Nam đã ký kết chương trình hợp tác với nhiều ngân hàng, trong đó nổi bật là chương trình phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng NN-PTNT. Kết quả, đến cuối tháng 3-2019, tổng dư nợ hoạt động ủy thác và tín chấp với các ngân hàng do Hội quản lý là 94,4 nghìn tỷ đồng, cho trên 2,8 triệu hộ vay. Trong đó, tỉnh Đắk Lắk có tổng dư nợ trên 1.500 tỷ đồng".

 
Bà Bùi Thị Hòa, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam

Ông Đặng Văn Thơi, Phó Trưởng Phòng tổng hợp Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Chi nhánh Đắk Lắk cho biết: “Tính đến cuối tháng 2-2019, mạng lưới hoạt động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh có 47 đơn vị (với 204 điểm giao dịch ngân hàng), 716 điểm giới thiệu dịch vụ của 5 công ty tài chính. Đây là kênh dẫn vốn tiêu dùng và phục vụ đời sống quan trọng, góp phần hạn chế việc người dân phải đi vay các nguồn vốn không chính thức”.

Thời gian qua, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Chi nhánh Bắc Đắk Lắk cũng đã triển khai nhiều giải pháp mở rộng tín dụng phục vụ sản xuất và tiêu dùng nhằm hạn chế “tín dụng đen”. Trong đó, đẩy mạnh giải ngân nguồn vốn tối thiểu 5.000 tỷ đồng trong cơ cấu tín dụng để cho vay đáp ứng các mục đích tiêu dùng của cá nhân, hộ gia đình trong thời gian ngắn hạn; tiếp tục ưu tiên xét duyệt và giải ngân ngay trong ngày khi nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ đối với các mục đích tiêu dùng hợp pháp, cấp thiết, có nhu cầu vốn không quá 30 triệu đồng, thời gian sử dụng vốn ngắn hạn như khám chữa bệnh, chi phí học tập, mua trang thiết bị gia đình. Ngoài ra, từ tháng 11-2018, đơn vị đã triển khai hoạt động 2 điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng tại huyện Ea Súp và Ea H’leo để mở rộng tín dụng và cung cấp dịch vụ ngân hàng cho các khách hàng vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện khó khăn.

Có thể thấy, việc các cấp, các ngành cùng vào cuộc và triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp nhằm đẩy lùi “tín dụng đen” đã góp phần kiến tạo và khơi thông các dòng vốn đến với người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm an ninh trật tự xã hội trên địa bàn tỉnh.

Tuyết Mai


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.