Multimedia Đọc Báo in

Chuyện làm báo ở đài huyện

09:58, 21/06/2019
Những ngày này, khi “làng báo” đang nhộn nhịp các hoạt động kỷ niệm 94 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21-6-1925 - 21-6-2019) thì những phóng viên ở các Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện M'Đrắk vẫn đang lặn lội đến những khu vực vùng sâu, vùng xa để kịp thời nắm bắt và phản ánh thông tin từ cơ sở…
 
Chúng tôi đến Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện M’Đrắk đúng lúc phóng viên Mỹ Sự đang chuẩn bị đi tác nghiệp.  Đồ nghề của chị khá lỉnh kỉnh với máy quay, chân máy, sổ tay… Chị Mỹ Sự nói rằng, những ngày này công việc ở Đài rất bận rộn, phóng viên lại ít nên các anh em phải “vắt giò lên cổ” để “chạy” cho kịp tin, bài trong ngày. Bản thân chị cũng thường xuyên vác máy quay đi tác nghiệp một mình... 
Phóng viên Mỹ Sự tác nghiệp tại xã Krông Jing.
Phóng viên Mỹ Sự tác nghiệp tại xã Krông Jing.
Theo chân Mỹ Sự đi tác nghiệp cho phóng sự "Những chuyển biến tích cực trong đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Krông Jing" mới thấy được nỗi vất vả của phóng viên đài huyện. Dưới cái nắng rát da, chị phải để xe máy bên lề đường để đi bộ lên những đồi cao. Chị vừa hì hục vác máy quay theo sát những người nông dân đang làm việc, vừa tranh thủ thu thập thông tin cần thiết. Quay phim xong cũng gần trưa, chị tranh thủ ăn qua loa rồi tiếp tục công đoạn khác là viết tin, bài cho chương trình phát thanh trong ngày. 
Phóng viên Hoàng Thị Thúy Diệp (Đài Truyền thanh - Truyền hình M'Đrắk) cho biết thêm, sau khi quay phim xong, nếu là tin bài “nóng” cần xử lý ngay thì chị cũng kiêm luôn kỹ thuật viên xử lý hình ảnh như xuất hình ra máy tính, cắt cúp, lắp ráp hình ảnh phù hợp nội dung lời bình… Hiện chị còn là một trong ba phát thanh viên của đài. 
 
“Bên cạnh việc tiếp phát sóng Đài Trung ương, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Đài Truyền thanh - Truyền hình M’Đrắk còn thực hiện 5 chương trình truyền thanh thời sự địa phương bằng tiếng phổ thông và tiếng Êđê và một chuyên mục mỗi tuần. Khối lượng công việc lớn và đa dạng nên nhiều lúc một phóng viên phải làm nhiều việc, từ viết tin, quay phim, trực kỹ thuật, đến đọc phát thanh...”.
 
 
  ông Nguyễn Tiến Ninh,Trưởng Đài Truyền thanh – Truyền hình huyện M’Đrắk

Gắn bó với Đài Truyền thanh - Truyền hình M'Đrắk đã 8 năm, chị Trương Thị Nguyệt cho biết, địa bàn huyện khá rộng, đường đi đến các xã xa xôi, chủ yếu là đường đất, dốc đá nên mỗi lần đi cơ sở rất vất vả. Vì thế mỗi chuyến đi cơ sở mọi người đều chủ động lên lịch, sắp xếp công việc từ trước. Thế nhưng không phải lúc nào cũng suôn sẻ.

Chị Nguyệt nhớ lại: “Khi thực hiện phóng sự “Huyện M’Đrắk 5 năm thực hiện chính sách dân tộc”, tôi đã đến buôn Pa (xã Cư Prao) cách trung tâm huyện 30 km. Dù đã hẹn trước nhưng khi đến nơi nhân vật lại… bận đi làm. Để không mất công quay lại vì quãng đường vừa xa vừa khó đi, tôi phải kiên trì chờ từ sáng đến 5 giờ chiều mới phỏng vấn được nhân vật. Về đến nhà thì trời đã tối mịt”.

Bên cạnh những "nỗi niềm", anh chị em làm phóng viên đài huyện cũng không quên chia sẻ về niềm vui với nghề. Theo chị Mỹ Sự, khi thấy được sức lan tỏa từ bài viết của mình khiến cho họ thêm yêu và gắn bó với nghề hơn. Còn với chị Trương Thị Nguyệt, niềm vui của phóng viên đài huyện là được gắn bó với cơ sở. “Trong quá trình tác nghiệp, tôi được gặp gỡ thêm nhiều người bạn mới. Họ cũng chính là những “ăng ten” nghe ngóng, nắm bắt thông tin để thông báo cho mình. Qua đó, chúng tôi có thể tìm hiểu, khai thác để có những tác phẩm mang đậm hơi thở cuộc sống”, chị Nguyệt chia sẻ.
Phóng viên Hoàng Thị Thúy Diệp trong một lần tác nghiệp.
Phóng viên Hoàng Thị Thúy Diệp trong một lần tác nghiệp.
 
Dẫu còn đó những vất vả, nỗi niềm, nhưng chính những động lực giản dị ấy đã giúp họ luôn "cháy" hết mình với nghề, tiếp tục là “cầu nối” đưa những tâm tư, suy nghĩ, nguyện vọng của người dân vùng sâu, vùng xa đến với Đảng, Nhà nước và ngược lại.
 
Thùy Duyên

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.